Thông tin Trường MN Tiên Sa (P.Thạch Thanh, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) chuẩn bị chuyển sang loại hình trường tư thục đã khiến nhiều GV đang công tác và phụ huynh có con em theo học tại đây hoang mang, lo lắng.
Trước đó, vào đầu năm học 2013-2014, sau khi Trường MN 29-3 (Q.Hải Châu) được chuyển sang loại hình tư thục cũng đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều từ phía phụ huynh và cán bộ, GV.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, cô Cái Thị Nhuận, Hiệu trưởng Trường MN Tiên Sa xác nhận thông tin trên. Theo đó, cô Nhuận cho biết, Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu đã mời đại diện lãnh đạo nhà trường lên phòng làm việc và thông báo công văn số 501/CV/QU của Quận ủy Hải Châu về chủ trương xã hội hóa Trường MN Tiên Sa. Cụ thể, nội dung công văn nêu rõ: “Tại cuộc họp hội ý thường trực Quận ủy ngày 25-11-2013, thường trực đã nghe đồng chí Chủ tịch UBND quận báo cáo về việc Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng xin đầu tư dự án xã hội hóa giáo dục Trường MN Tiên Sa. Xét thấy nguyện vọng của công ty phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển công tác GD-ĐT trên địa bàn quận, thường trực Quận ủy thống nhất với nội dung được nêu tại văn bản số 696 ngày 31-12-2011 của Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng. Đề nghị UBND Q.Hải Châu chủ trì làm việc với Công ty Xây dựng phương án triển khai chi tiết và trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt theo đúng quy định”.
Ngày 5-12, cô Nhuận đã tổ chức buổi làm việc với Chi bộ và liên tịch nhà trường để thông báo chủ trương trên, đồng thời trấn an tinh thần cán bộ, GV nhà trường. Tuy nhiên, nhiều GV và cả phụ huynh đều lo lắng, hoang mang. Được biết, sau khi Trường MN 29-3 được chuyển đổi sang loại hình tư thục từ đầu năm học vừa qua thì Trường MN Tiên Sa đã tiếp nhận 1 GV và 1 nhân viên cấp dưỡng về công tác tại trường. Sau khi có thông tin về việc chuyển đổi Trường MN Tiên Sa sang loại hình tư thục, dư luận băn khoăn rằng liệu đây sẽ là một sự lặp lại của Trường MN 29-3? Chính Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng cũng là đơn vị tiếp quản trường trên và quá trình tiếp quản không hề có một lộ trình rõ ràng về nhân sự, kế hoạch thu học phí… khiến nhiều phụ huynh bất bình và tập thể GV phản ứng. Sau đó chính quyền Q.Hải Châu đã phải có phương án chuyển các cán bộ, GV và nhân viên này về các cơ sở công lập theo nguyện vọng của họ. Còn nhiều phụ huynh là lao động bình thường vì không thể chuyển con vào trường công nên buộc phải ngậm đắng nuốt cay để đóng mức học phí cao gấp 5, 7 lần cho con em mình tiếp tục theo học tại ngôi trường cũ.
Cô Nhuận cho biết, Trường MN Tiên Sa xây dựng từ năm 1978 bằng nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, năm 1981 đưa vào sử dụng. Hiện nay toàn trường có tổng số 284 trẻ đang theo học. Trường có 39 cán bộ, GV, nhân viên, trong đó có 19 biên chế, 16 hợp đồng ngân sách và 4 hợp đồng từ quỹ học phí của trường… Tâm tư nguyện vọng của nhà trường là muốn giữ nguyên loại hình công lập để hoạt động.
Theo cô Nhuận, nếu như thực hiện chủ trương xã hội hóa Trường MN Tiên Sa được tiến hành như Trường MN 29-3 thì sẽ đi ngược lại tinh thần của nghị quyết TW8 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT: “Để MN vào hệ thống giáo dục quốc dân phải mất một quá trình, giờ lại chuyển đổi từ loại hình công lập sang tư thục”. Thiết nghĩ, việc chuyển đổi trường công sang tư cần được cân nhắc hợp tình hợp lý. Bởi nếu không thực hiện theo một lộ trình rõ ràng từ đội ngũ, chính sách, cơ chế… thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận GV, nhân viên và hàng trăm đứa trẻ đang theo học ở đó.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)