Ông Nguyễn Xuân Thắng (bìa trái) – Tổng thư ký các hội UNESCO thế giới (đồng thời là Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam) trao bằng công nhận “nhà khoa học thế giới” cho ông Lê Văn Tuấn
|
Tại Đại hội UNESCO thế giới lần 8 lần đầu tiên tổ chức ở thủ đô Hà Nội, Việt Nam vào cuối tháng 8 vừa qua, nhà soạn nhạc – nhà văn – nhà thơ Lê Văn Tuấn đã được Liên hiệp các hội UNESCO thế giới (WFUCA) trực thuộc Tổ chức về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) nhìn nhận và vinh danh là một nhà khoa học thế giới bởi sự đóng góp giá trị của ông cho WFUCA qua công trình về nền khoa học toàn phần với tựa đề Giọt nước mắt của Đấng tạo hóa và Học thuyết Vũ trụ (NXB Văn học vừa ấn hành).
Đây không chỉ là niềm vinh dự lớn lao của nhà thơ Lê Văn Tuấn mà còn là niềm tự hào của giới văn nghệ sĩ nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Một công trình tâm huyết 40 năm
Đại hội UNESCO thế giới lần 8 đánh dấu 30 năm hoạt động tích cực của WFUCA. Tham dự đại hội gồm đông đảo các đại diện cấp cao và chủ chốt của phong trào UNESCO phi chính phủ, các vị cựu lãnh đạo của UNESCO, hơn 300 đại biểu quốc tế đến từ nhiều nước trên thế giới. Nhà soạn nhạc – nhà văn – nhà thơ Lê Văn Tuấn đến tham dự với cương vị trong ban sáng lập ra Trung tâm UNESCO Văn hóa thông tin truyền thông, đồng thời là một khách mời đặc biệt của Đại hội Thế giới lần này. Trong Đại hội UNESCO thế giới lần thứ 8 của WFUCA, việc quyển sách Giọt nước mắt của Đấng tạo hóa và Học thuyết Vũ trụ đã được Ban tổ chức Đại hội UNESCO thế giới lựa chọn để làm món quà ý nghĩa gửi cho các đại biểu quốc tế đến thăm Việt Nam và tham dự đại hội không chỉ là niềm vinh dự lớn lao cho tác giả Lê Văn Tuấn mà còn là sự tự hào của những nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lâu năm của Việt Nam. Tác giả Lê Văn Tuấn cho biết: “Quyển sách này dày 999 trang nằm trong trọn bộ 3 quyển, là kết quả tâm huyết của hơn 40 năm nghiên cứu của tôi về cuộc sống con người, cuộc sống vũ trụ không tách khỏi nhau. Cuộc sống con người và sự phát triển của nó luôn được chi phối bởi các quy luật tuyệt đối hoàn hảo và bất biến của tự nhiên. Và sê-ri 3 quyển sách này lần lượt trình bày về những quy luật đó. Quyển sách viết về khoa học nhưng lại được mô tả dưới ngòi bút văn học và thi ca. Một bài thơ trong quyển sách tôi đã viết: “Nếu sự thật là bản ngã cuộc mưu sinh/ Thì hòa bình mới là đỉnh cao tột cùng của văn minh nhân loại”. Nội dung bao trùm lên nền khoa học toàn phần, lên toàn bộ cuốn sách này là một triết học vì con người, tôn vinh một thế giới đại đồng trong hòa bình, hạnh phúc và sáng tạo”. Điều đó cũng không nằm ngoài tiêu chí mà Đại hội UNESCO thế giới lần thứ 8 của WFUCA đã đề ra và kêu gọi: phấn đấu vì một thế giới hòa bình. Ông George Christophides – Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO thế giới và ông Nguyễn Xuân Thắng – Tổng thư ký các hội UNESCO thế giới (đồng thời là Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam) đã chính thức vinh danh tác giả Lê Văn Tuấn với những đóng góp vô cùng ý nghĩa mà ông đã mang tới cho đại hội lịch sử lần này. Chủ tịch WFUCA đã trao huy chương và bằng danh dự xác nhận Lê Văn Tuấn là “nhà khoa học thế giới” trong tiếng vỗ tay không dứt của các đại biểu. Lê Văn Tuấn đã làm tất cả những gì có thể cho con người một cách say mê và tràn đầy tâm huyết như chính bản chất tự nhiên đã ở sẵn trong con người ông vậy. Ông coi tất cả những điều đó là bổn phận và sự giản dị nhất của số mệnh chứ không phải vì danh hiệu hay tước hiệu nào. Trước kia, bạn bè, đồng nghiệp, khán giả và độc giả đã yêu mến, cảm phục và trân trọng gọi ông là nhà thơ, nhà văn, nhà soạn nhạc, nay ông lại được WFUCA nhìn nhận và vinh danh là một nhà khoa học. Điều này rất bất ngờ với Lê Văn Tuấn và là một nguồn động viên to lớn dành cho ông.
Bốn “nhà” trong một
Bìa sách Giọt nước mắt của Đấng tạo hóa và Học thuyết Vũ trụ
|
Lê Văn Tuấn sinh năm 1953 tại Hà Tĩnh (hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM;hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam), hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Belarus (Liên Xô cũ) chuyên ngành năng lượng, trải qua nhiều công việc gắn với chuyên môn, bây giờ ông lại đến với nghệ thuật bằng tất cả sự đam mê cháy bỏng. Đặc biệt, trong hai năm qua, cái tên Lê Văn Tuấn được giới văn nghệ sĩ nhắc đến rất nhiều bởi ông là người tiên phong chơi dòng nhạc Cror – một thể loại âm nhạc rất mới mẻ ở Việt Nam.Hẳn những người yêu mến ông còn nhớ ngày 27-1-2011, Lê Văn Tuấn đã có đêm công diễn 8 tác phẩm âm nhạc Cror với chủ đề Sa mạc còn xanh tại Nhà hát Thành phố để chào mừng sự ra đời của Trung tâm UNESCO Văn hóa thông tin truyền thông. Đêm công diễn này được giáo sư Trần Văn Khê đánh giá rất cao về nghệ thuật và nội dung nhân văn: “Tôi thật sự bị thu hút bởi chương trình âm nhạc Cror Giọt nước mắt cho đại dương và âm nhạc Cror. Lê Văn Tuấn đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ những nét nhạc, giai điệu ngọt ngào đến cách hòa âm, phối khí rất đặc biệt. Nội dung ca từ đầy thi vị và nhiều ban nhạc với những nhạc công xuất sắc. Từ những cây đàn guitar với cách khảy đặc biệt đến cây kèn saxo dài hơi hòa cùng cây đàn cell trầm âm. Cả dàn nhạc hợp sức làm cho những đoạn hòa tấu rất nhuần nhuyễn. Tiếng đàn piano thêm duyên cho những đoạn khúc tình ca. Tôi không ngờ đang lúc sức khỏe kém lại có thể ngồi nghe không thấy mệt và thích thú trọn vẹn…”. NSND Phạm Thị Thành, giáo sư Tăng Kim Tây cũng đến dự và hết lời khen ngợi. Cũng trong đêm nhạc, Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam đã công bố xác lập kỉ lục Việt Nam cho cuốn sách Giọt nước mắt cho đại dương và âm nhạc Cror của tác giả Lê Văn Tuấn.Cuốn sách đạt kỉ lục lần này có bề ngang dài 1,2m, chiều cao 1,6m, độ dày 0,28m và nặng 250kg. Lê Văn Tuấn bật mí: “Hiện, tôi đang viết vở ca vũ nhạc kịch ba lê Trên đồng cỏ và dành phần lớn thời gian giới thiệu công trình “khoa học toàn phần” đến với mọi người…”.
Bài, ảnh: Thúy Ngọc
Thành công vang dội của Đại hội UNESCO thế giới lần thứ 8 của WFUCA là niềm tự hào, vinh dự lớn lao cho đất nước Việt Nam, cho Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, và cũng là dịp để thế giới vinh danh những trí tuệ và trái tim nhân bản – trong đó có nhà khoa học Lê Văn Tuấn.
|
Bình luận (0)