Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Họa sĩ vẽ chân dung Bác bằng tranh ký họa

Tạp Chí Giáo Dục

Họa sĩ Phan Kế An tại phòng làm việc

“Chiều Tây Bắc trong veo, ngà ngọc. Người lính già trầm tư nỗi nhớ. Anh thả chiều vào tranh”.Người thả chiều vào tranh ấy không ai khác chính là họa sĩ Phan Kế An. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng họa sĩ vẫn giữ được dáng vóc nho nhã, tinh anh và đặc biệt vẫn còn cái chất lãng tử, lịch lãm, tài hoa của một người làm nghệ thuật.
Hơn 200 bức tranh ký họa về Bác
Họa sĩ Phan Kế An vẽ tranh sơn mài, sơn dầu và tranh khắc gỗ, và là họa sĩ tên tuổi chuyên vẽ tranh biếm họa thời kháng chiến, đăng trên các báo: Sự Thật, Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân… với bút danh Phan Kích. Ông thuộc lớp họa sĩ đầu tiên lên chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp, người vinh dự được giao nhiệm vụ đến vẽ Bác Hồ kính yêu làm việc ở nhà sàn nứa, trong chiến khu Việt Bắc năm 1948. Đang là sinh viên cứu quốc Trường Mỹ thuật Đông Dương, chàng thanh niên Phan Kế An lên chiến khu tham gia kháng chiến. Tại đây, ông được Tổng bí thư Trường Chinh, cũng là người phụ trách Báo Sự Thật điều động về làm ở Hội Văn hóa cứu quốc và họa sĩ trang trí tờ báo Sự Thật. Thời đó, cơ quan báo đóng ở Định Hóa, Thái Nguyên, họa sĩ Phan Kế An ở cùng nhà sàn với Tổng bí thư Trường Chinh, ông Mười Hương là Bí thư Chi bộ Báo Sự Thật. Một lần, họa sĩ An được Tổng bí thư Trường Chinh gọi lên gặp, phân công sang khu nhà sàn nứa Bác đang ở và làm việc gần đó để vẽ hình Bác, dùng cho số báo sắp tới. Chàng họa sĩ trẻ được cấp một con ngựa để lên đường. Đến trạm liên lạc đèo De (Thái Nguyên), Phan Kế An để ngựa lại và được chỉ dẫn là đi tiếp 300m nữa, men theo đường mòn thì sẽ thấy lán Bác ở. Nhưng mới đi được hơn 100m thì đã nhìn thấy Bác ra đón. Họa sĩ An vẫn còn nhớ rất rõ ngày hôm đó trời se lạnh. Bác mặc bộ quần áo màu nâu, chân đi dép lốp, giống hệt một cụ nông dân. Bác ôm vai người họa sĩ trẻ: “An đấy à?”, rồi Bác hỏi thăm cặn kẽ về sức khỏe và công việc của chàng họa sĩ khi đó mới 25 tuổi. Tiếp đó, Bác dẫn họa sĩ vào một cái lán to, giới thiệu với tất cả cán bộ, nhân viên trong đó. Đi qua một cái sân bé, Bác gọi đấy là sân bóng chuyền và bảo: “Chiều nay, An đánh bóng với tụi mình”. Sau đó Bác bảo: “An xuống nhà dưới nghỉ đi, muốn tắm thì ra suối tắm, đến chiều thì ăn cơm với mình”. Nhớ lại những ngày sống cùng Bác, họa sĩ An cho biết: “Cụ thường xưng là “mình” và gọi tôi là “An””, trong khi tuổi Cụ lúc ấy đã ngoài 50, xấp xỉ tuổi thân phụ họa sĩ (tức cụ Phan Kế Toại, nguyên Phó thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – PV).
Thế nhưng, điều khiến chàng trai trẻ ngạc nhiên là nhà sàn nơi Bác ở rất nhỏ, chỉ lợp bằng lá và ốp tre nứa. Nhà có hai phòng, diện tích phòng ngoài chỉ vừa đủ để trải hai chiếc chiếu con; phòng trong thậm chí còn bé hơn, có một cái bàn và cái ghế bằng tre, phích nước được treo gọn gàng trên vách lán. “Bác hay di chuyển. Nhưng Bác ở đâu thì nhà cũng bé như thế. Tôi hiểu là Bác thích sự giản dị. Ban ngày, Bác làm việc với mọi người. Ban đêm, Bác làm việc một mình”, họa sĩ Phan Kế An nhớ lại.

Bức ký họa về Bác của họa sĩ Phan Kế An

Họa sĩ An vẫn còn nhớ nhà sàn nứa nơi Bác ở và làm việc đóng ở Khuôn Tát, có các anh Vũ Kỳ, Tạ Quang Chiến, bác sĩ Lê Văn Chánh… Bàn ghế, giường tủ đều làm bằng tre nứa, máy chữ của Người đặt ở trên bàn. Trong ba tuần sống gần Bác, nhiệm vụ của họa sĩ Phan Kế An là phải ghi chép rất nhanh, bắt được cái thần của Người đưa vào trong khuôn hình. Họa sĩ An vẽ phác họa Người bằng bút chì và bút sắt. Sau thời gian mài miệt, họa sĩ có khoảng 20 bức tốc họa và một bức thâm họa đã hoàn thành, xin mang đến Bác xem. Bác ôn tồn bảo: “Chú hãy treo tất cả tranh lên tấm liếp ở nhà tập thể, mời tất cả anh chị em cơ quan đến xem cùng với Bác!”. Anh em cơ quan được tiếp xúc với hội họa, biết thêm giá trị lao động nghệ thuật, họa sĩ thì được khích lệ, qua những lời phẩm bình của người xem tranh mà rút được kinh nghiệm. Khi mọi người đang xem, chưa có ý kiến gì thì chợt Bác chỉ vào một bức có nét vẽ mộc mạc nhất, rồi bảo: “Nếu đăng báo thì chú lấy bức này vì nó đơn giản và có tinh thần”. Bác giao cho họa sĩ mang bức tranh này về cho Tổng bí thư Trường Chinh xem để duyệt, sau đó tranh vẽ ấy được dùng in trang trọng trên Báo Sự Thật… Bức tốc họa đó được Phan Kế An vẽ bằng bút sắt và hoàn thành trong… 1 phút!
Thời gian ba tuần được sống gần Bác, họa sĩ An vẽ tổng cộng được hơn 200 bức ảnh ký họa về Bác Hồ. Nhưng điều tiếc nuối nhất của ông là đến nay chỉ giữ lại được khoảng 20 bức tranh vẽ về Bác, vì ngày đó thường xuyên di chuyển cơ quan, ông cho số tranh ký họa đó vào trong ống bương và gửi lại nhà dân, sau này về tìm lại thì một số tranh bị mối ăn, số khác bị thất lạc, những tranh vẽ ông để trong ba lô mang theo mình thì còn lại đến ngày nay.
Bác vẫn như đang vẫy tay tiễn tôi
Ba tuần ở bên Bác, họa sĩ Phan Kế An không thể quên sự ấm áp, gần gũi của Người. Từ anh cán bộ cấp dưỡng đến cán bộ cao cấp, Bác đều thăm hỏi thân tình như nhau. Họa sĩ Phan Kế An nhớ lại: “Có hôm Bác đang ngồi trên một hòn đá trong vườn, tôi cũng ngồi vẽ Bác, thì có anh liên lạc viên đến chào Bác. Bác ân cần mời anh ngồi xuống một hòn đá bên cạnh Bác, rồi mới bảo:“Chú báo cáo đi”, chứ không để anh phải đứng. Năm 1948, tôi cũng có dịp đi thăm hỏi nhà dân cùng Bác. Trước khi đi, bao giờ Bác cũng tìm hiểu về những đặc điểm, thói quen, khó khăn của gia đình đó, rồi đến nơi, hỏi thăm từng trường hợp một chứ không nói chung chung. Bác đặc biệt quan tâm đến trẻ con, người già và phụ nữ, bao giờ cũng có quà cho trẻ con, khi là quả chuối, lúc quả cam”. Trong tâm can họa sĩ vẫn còn hình ảnh Bác Hồ chiều chiều thường ra đánh bóng chuyền với anh em cơ quan. Một lần quả bóng bắn ra ngoài, rơi theo triền dốc, họa sĩ An định lao theo thì Bác giữ lấy vai, ôn tồn bảo: “An không thấy à? Nứa nhọn lởm chởm thế kia, đừng chạy, nguy hiểm đấy!”. Phải chăng, bức chân dung vẽ Bác khi ấy của họa sĩ được lưu truyền đến giờ, ẩn chứa sự cảm động trước những quan tâm ân cần của Người ngày đó.
Họa sĩ An tâm sự: Việc Bác ra đón ông ở giữa đường và ôm lấy ông, đấy là một cử chỉ khiến họa sĩ cảm động đến tận bây giờ. Lần đầu tiên, một Chủ tịch nước ôm lấy mình và nói những câu thân tình như người trong gia đình. Họa sĩ nhớ mãi, kể cả lúc đến và lúc về Bác cũng tiễn ông tới nửa đường, đi khỏi mấy chục mét, qua những bụi cây sắp khuất tầm nhìn, quay lại vẫn thấy Bác trong bộ đồ nâu vẫy tay tiễn.
Đã bao nhiêu năm trôi qua, tuổi cũng đã 90 nhưng họa sĩ Phan Kế An vẫn nhớ ông Cụ râu tóc bạc phơ, mặc bộ đồ nâu đứng tiễn mình. Có những thứ tưởng chừng đơn giản mà thật sâu sắc và nồng ấm, nó đã đi theo người họa sĩ, người chiến sĩ cách mạng suốt chiều dài hai cuộc chiến tranh và cho đến ngày nay.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

 

Bình luận (0)