Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Hậu phương vững chắc của kiểm ngư viên

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Mai Văn Diệp và chị Đặng Thị Phúc Thùy trong ngày cưới
Một mình chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến giáp hiểm nghèo lại phải chăm sóc đứa con mới lên 4 tuổi, nhưng chị vẫn luôn rắn rỏi: “Mình vất vả hơn một tí cũng không sao, chỉ mong cố gắng chu toàn gia đình để anh ấy yên tâm cùng đồng đội canh giữ biển đảo”.
Chị là Đặng Thị Phúc Thùy, vợ anh Mai Văn Diệp – kiểm ngư viên tàu 629 thuộc Chi đội Kiểm ngư 3 – đang làm nhiệm vụ chấp pháp giữ chủ quyền biển đảo.
1. Căn phòng rộng chưa tới 20m2 là nơi tá túc của gia đình chị Thùy và anh Diệp ở đường Yết Kiêu, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) vốn đã chật chội, nay dưới cái nắng hè 380C càng nóng bức hơn nhiều lần. Đã hơn một tháng, anh Diệp nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa, vợ chồng chỉ gặp nhau được dăm ba ngày khi tàu kiểm ngư 629 bị tàu Trung Quốc đâm va gây hư hỏng về sửa chữa tại cảng; còn chủ yếu là một mình chị loay hoay với bệnh tật và chăm đứa con lên 4 tuổi. “Kể ra cũng chật chội thật nhưng ở mãi thành quen. Căn phòng này là của cơ quan anh ấy cho mượn tạm”, chị Thùy mở đầu câu chuyện.
Năm 2008, chị Thùy gặp anh Diệp qua những người bạn quen thân, rồi trải qua quá trình tìm hiểu, hai người quyết định gắn kết cuộc đời mình với nhau bằng một đám cưới nhỏ và lời chúc phúc của người thân, bạn bè. Nhớ lại, chị Thùy nói: “Lúc đầu mình cũng không mường tượng ra được công việc của anh ấy đâu. Cứ tưởng xa nhau dăm ba ngày là cùng, ai dè cưới xong có khi anh nhận nhiệm vụ đi cả chục ngày hay nửa tháng. Cũng buồn, cũng tủi thân nhưng thương chồng, mình nén chịu để anh yên tâm công tác. Lâu dần, mình nhận ra rằng, là vợ lính không chỉ làm tròn vai trò người vợ, người mẹ mà phải vững vàng hai vai gánh vác, làm hậu phương vững chãi cho chồng”. Năm 2010, đứa con trai đầu lòng của anh chị chào đời trong niềm hạnh phúc lớn. Có thêm thành viên mới, chị Thùy vất vả hơn khi anh Diệp vắng nhà. Rồi sau nhiều trận ốm, chị đến bệnh viện và phát hiện ra mình bị viêm tuyến giáp. Đáng lẽ phải nhập viện điều trị nhưng do hoàn cảnh chồng bận công tác xa nhà thường xuyên, con còn nhỏ lại không có người thân gần gũi đỡ đần (nhà nội và ngoại đều ở xa, tận Ninh Bình và Hà Tĩnh) nên chị cứ cố gắng vượt qua, mua thuốc về nhà tự điều trị. Thế rồi bệnh tình ngày càng nặng, chị gửi con về ngoại, bắt tàu ra Hà Nội khám thì được các bác sĩ kết luận: Ung thư tuyến giáp. Nhìn bệnh án như sét đánh ngang tai. Chị định thần lại sau cú sốc ấy, rồi lặng lẽ ra về, dù rất mỏi mệt nhưng khuôn mặt luôn thể hiện sự rắn rỏi. Chị biết, chỉ cần thể hiện một chút buồn là làm chồng lo lắng, không an tâm công tác, nhất là khi anh phải làm nhiệm vụ khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió. Dù được bác sĩ khuyên nên phẫu thuật càng sớm càng tốt nhưng do hoàn cảnh neo người, chị xin về lại Đà Nẵng để chồng yên tâm công tác. Vừa chăm con, chị vừa gồng mình vượt qua những cơn đau sau các đợt xạ trị mà chỉ cần nhắc đến đã thấy kinh hãi.

Chị Thùy cùng con thơ trong căn phòng nhỏ luôn cố gắng vượt qua gian khó để chồng yên tâm giữ biển
2. Từ ngày Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế biển của nước ta (đầu tháng 5-2014), anh Diệp phải thường xuyên cùng đồng đội ra khơi bảo vệ chủ quyền biển đảo. Càng thương chồng, chị Thùy càng gắng gượng vượt qua cơn đau. Chị viết thư động viên chồng, mỗi lần nghe tin có tàu cập bến là chị hớt hải chạy qua đơn vị để gửi thư và hỏi thăm tin tức về sức khỏe của chồng qua những người đồng đội vừa làm nhiệm vụ trở về. Chị theo dõi tin tức thời sự từng ngày qua ti vi, qua báo chí… “Sau 20 ngày đi biển, anh ấy trở về mình mừng rơi nước mắt khi thấy anh vẫn mạnh khỏe. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là cao cả nên dù vất vả khi vừa chăm con, vừa trị bệnh, mình vẫn động viên anh yên tâm”, chị Thùy nói.
Trở về đất liền được hai ngày, kịp thăm vợ con và chiếc tàu bị đâm hỏng đã sửa chữa xong, anh Diệp lại ra khơi. Ngày lên tàu anh cứ bịn rịn siết chặt tay vợ đầy lo lắng. Anh lo ở nhà lỡ đêm hôm chị trở bệnh, đứa con còn quá nhỏ không thể lo cho mẹ. Tiễn anh Diệp ra tận cầu cảng, chị Thùy siết chặt tay anh: “Anh đừng lo, hai mẹ con ở nhà vẫn ổn, có gì còn bà con chòm xóm đùm bọc nhau. Anh cố gắng làm tròn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.
“Về hai hôm, anh ấy dành thời gian chăm con và động viên mình. Anh không kể nhiều về những ngày ra khơi, nhưng nhìn đôi mắt anh, mình hiểu anh ấy cũng như bao người lính khác rất trăn trở với việc vùng biển quê hương bị xâm chiếm trái phép. Hơn bao giờ hết, chính lúc này mình cần phải làm điểm tựa vững chãi để anh ấy yên tâm hoàn thành nhiệm vụ”, chị Thùy tự tin nói.
3. Chia tay mẹ con chị Thùy, ra tận đầu ngõ chúng tôi vẫn nghe tiếng chị dạy con tập đọc bài thơ Chú hải quân: “Hoan hô chú hải quân/ Đứng canh ngày canh đêm/ Ngoài xa vời hải đảo/ Kìa bóng chú hải quân/ Dưới trời xanh trứng sáo/ Mặc nắng mưa, gió bão/ Cây súng chú chắc tay…”.
Giọng người mẹ trẻ cùng tiếng trẻ thơ chập chững nghe thật cảm động. Có lẽ không ai khác và không gì khác, chính niềm tin, tình cảm ấy đã xây dựng nên một hậu phương vững chãi để những người lính an tâm canh giữ biển đảo quê nhà. Như lời ông Đoàn Thanh Lâm, đại diện lãnh đạo Kiểm ngư vùng 2: “Là người lính, nhất là khi biên giới không bình yên thì chính những hậu phương vững chãi đã tiếp thêm sức mạnh cho anh em chiến sĩ xông pha nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước. Với hoàn cảnh của chị Thùy lại càng đáng khâm phục hơn khi chị không chỉ hy sinh niềm hạnh phúc riêng tư mà còn gắng gượng vượt qua cả nỗi đau bệnh tật, chăm sóc con để chồng yên tâm làm nhiệm vụ”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Mình nhận ra rằng, là vợ của kiểm ngư viên không chỉ làm tròn vai trò người vợ, người mẹ mà phải vững vàng hai vai gánh vác, làm hậu phương vững chãi cho chồng”, chị Đặng Thị Phúc Thùy bày tỏ.  
 

Bình luận (0)