Găng tay hỗ trợ di chuyển dùng cảm biến sóng âm cho người khiếm thị đang được thử nghiệm tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu
|
Chỉ cần đeo một găng tay nhỏ gọn vào tay, người khiếm thị dễ dàng di chuyển bình thường mà không lo gặp chướng ngại vật phía trước.
Đó là sản phẩm “Găng tay hỗ trợ di chuyển dùng cảm biến sóng âm cho người khiếm thị” do Lâm Vũ Hoàng và Trần Quốc Cơ (học sinh lớp 11 chuyên toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) nghiên cứu thực hiện. Sản phẩm thể hiện tính ứng dụng cao trong thực tiễn nên đã xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2015 khu vực miền Nam. Tháng 5 tới, sản phẩm này tiếp tục được “đọ sức” tại sân chơi quốc tế ở Mỹ.
Có nhiều lý do khác nhau để Hoàng và Cơ lựa chọn, triển khai thực hiện đề tài này. Đó là năm học trước, một nhóm học sinh của trường đã nghiên cứu, ứng dụng thành công sản phẩm “Bảng hiển thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị – Ebook”. Sản phẩm này đã khắc phục được khó khăn trong khi đọc chữ của người khiếm thị. Với suy nghĩ “ngoài đọc chữ thì di chuyển cũng là vấn đề khó khăn lớn đối với người khiếm thị, nhưng sản phẩm hỗ trợ di chuyển trên thị trường chưa nhiều, cũng xuất hiện một số loại mắt kính, gậy dò đường nhưng giá thành đắt, ít người mua được để dùng”. Trước thực tế này Hoàng và Cơ quyết tâm bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo ra một sản phẩm thiết thực nhưng có giá thành rẻ. Và một thời gian sau “Găng tay hỗ trợ di chuyển dùng cảm biến sóng âm cho người khiếm thị” đã hoàn thành dựa trên các kiến thức vật lý, tin học, toán học là chính. Cụ thể, hai em đã vận dụng kiến thức cơ bản về điện tử, sóng âm, lập trình C++ để sáng tạo; tuy nhiên nguyên lý hoạt động của sản phẩm dựa vào sóng âm là chính.
Hoàng chia sẻ: “Đeo găng tay vào, người dùng chỉ cần quét tay theo hình quạt, sóng âm phát ra, nếu gặp vật cản thì găng tay sẽ định vị rồi rung lên, qua đó giúp người khiếm thị dễ dàng phát hiện, lường tránh. Hiểu một cách đơn giản, hoạt động của găng tay tương tự như hoạt động của loài dơi. Miệng dơi có khả năng phát chuỗi sóng siêu âm, và sóng siêu âm này khi gặp vật cản sẽ phản xạ trở lại. Lúc này dơi tiếp tục dùng tai thu ngược tín hiệu dội ngược để định hướng vị trí con mồi hoặc vật cản. Chính vì thế, dơi vẫn có thể bay lượn, săn mồi ban đêm một cách bình thường, mặc dù mắt dơi không nhìn thấy gì vào ban đêm”. Hoàng “bật mí” thêm, khả năng phát sóng siêu âm và thu nhận sóng siêu âm của dơi để săn mồi, tránh vật cản chính là tiền đề để hai em tìm hiểu, nghiên cứu cho sản phẩm găng tay.
Hoàng và Cơ đeo thử sản phẩm khi hoàn thành
|
Sau khi chế tạo thành công, nhóm tiến hành ứng dụng ngay tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM). Kết quả, một học sinh khiếm thị chưa lần nào vào phòng cô Hiệu trưởng, chưa biết các vật dụng trong phòng ra sao nhưng nhờ có găng tay, em này vẫn di chuyển bình thường mà không va chạm vật cản. Giá trị này đã mang đến sự hài lòng cho mọi người. Lãnh đạo Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đã hứa sẽ tìm nhà tài trợ để nhân rộng sản phẩm này.
Ngoài tính năng định vị chính xác thì găng tay còn có nhiều ưu điểm khác, đó là nhỏ, gọn, nhẹ (hình dáng tương tự như găng tay thông thường). Mặt khác, găng tay không khiến người dùng bị mỏi, giá thành lại rẻ (250 ngàn đồng/chiếc) nên bất kỳ người khiếm thị nào cũng dễ dàng sở hữu một chiếc phục vụ cho cuộc sống.
Cơ cho biết giá thành rẻ găng tay cũng là mục tiêu hướng đến của hai em. Bởi người khiếm thị không chỉ chịu nhiều thiệt thòi trong vấn đề quan sát mà đa số còn gặp khó khăn về kinh tế. “Nếu mình làm ra một sản phẩm quá đắt, người khiếm thị khó sở hữu, như thế giá trị sản phẩm cũng không còn nhiều ý nghĩa nữa”, Cơ nói.
Mặc dù đạt được những tính năng nổi bật nhưng cả Hoàng và Cơ vẫn chưa hài lòng. Tương lai hai em sẽ tiếp tục nghiên cứu thay thế pin 9V hiện tại bằng pin sạc, cài đặt cơ chế cảnh báo khi qua đường, đặt lệnh sẵn âm thanh báo, tự tạo con chíp để không phụ thuộc vào nhà sản xuất… Đây cũng là những bước chuẩn bị tiếp theo để hai em mang sản phẩm này ra sân chơi quốc tế.
Bài, ảnh: N.Trinh
Sản phẩm có giá trị to lớn
Là người trực tiếp hướng dẫn Hoàng và Cơ trong quá trình nghiên cứu tạo ra sản phẩm, thầy Võ Mạnh Hùng (giáo viên bộ môn vật lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) đánh giá cao về tính sáng tạo, ứng dụng vào thực tiễn của “Găng tay hỗ trợ di chuyển dùng cảm biến sóng âm cho người khiếm thị”. Đặc biệt sản phẩm có giá thành rẻ giúp nhiều người có khả năng mua dùng là giá trị to lớn mà đề tài mang lại. Thầy Hùng cho rằng, nghiên cứu khoa học kỹ thuật là một sân chơi hữu ích, tạo điều kiện để học sinh ứng dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn, phát huy tính sáng tạo, tinh thần ham học hỏi. Từ đó các em nảy sinh tình yêu khoa học và cả tình yêu thương con người.
|
Bình luận (0)