Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cô học trò “văn võ song toàn”

Tạp Chí Giáo Dục

Hoàng Oanh đang chỉ bài cho em trai út

Hiền lành, nhút nhát, ít nói – đó là những đặc điểm mà bất cứ ai cũng dễ dàng nhận thấy ở cô học trò nhỏ này. Thế nhưng, ẩn sau vẻ yếu đuối ấy lại là một ý chí kiên cường mà không phải ai ở lứa tuổi này cũng có được…
1. Đến Trường THPT Long Trường, cái tên Trương Nguyễn Hoàng Oanh – học sinh (HS) lớp 12A1- được nhiều người nhắc đến như hình ảnh đẹp về một nữ sinh biết vượt qua khó khăn trong cuộc sống để tự khẳng định mình. Là dân “tỉnh lẻ” lên TP.HCM sinh sống và học tập nhưng suốt 11 năm qua, Hoàng Oanh luôn đứng trong top đầu bảng thành tích những HS có điểm số học tập cao nhất trường. Thầy cô và bạn bè ở những ngôi trường em đã từng học qua không quên hình ảnh cô học trò nhỏ nhắn hay ngồi cặm cụi đọc sách khi có thời gian rảnh rỗi. Và đó dường như đã trở thành một thói quen không thể bỏ của cô học trò ham học hỏi này. Theo học khối tự nhiên nhưng khả năng viết văn của Hoàng Oanh luôn khiến mọi người thích thú về sự sáng tạo và cách viết lãng mạn. Cũng chính điều này đã mang về cho em giải nhì kỳ thi HS giỏi cấp quận năm học lớp 9. Hiện Hoàng Oanh đang gấp rút chuẩn bị cho các kỳ thi quyết định tương lai của mình. Mơ ước của em là được trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo. Mơ ước ấy cũng được xuất phát từ một suy nghĩ rất đáng trân trọng. “Thím em bị bệnh tim nên thể trạng rất yếu. Thím cũng là người giúp em rất nhiều trong học tập và sinh hoạt hằng ngày nên em muốn làm bác sĩ để giúp thím khỏe lại”, Hoàng Oanh bộc bạch.
2. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu), lại là con cả nên từ nhỏ em đã sớm ý thức được hoàn cảnh của mình, tự học hành để không làm ba mẹ buồn lòng. Nhà Hoàng Oanh nghèo lắm, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy công đất rẫy. Nhưng đất đai cằn cỗi, trồng mà chẳng thu hoạch được bao nhiêu nên ba mẹ em phải tranh thủ buôn bán thêm ngoài chợ. Hằng ngày, họ phải dậy từ rất sớm, ra tận chợ Long Khánh cách nhà gần 30km để mua rau về bán ở chợ gần nhà. Thế nhưng, ở cái vùng đất heo hút, nghèo khó này việc buôn bán cũng khó mà kiếm được bữa cơm đắp đổi qua ngày. Hôm nào trời mưa, rau ế thì hôm đó cả nhà Hoàng Oanh lại được một bữa “buffet” rau để vừa tránh việc rau bị hỏng, lại vừa không mất tiền mua đồ ăn. Đó là chưa kể đường sá lầy lội, việc đi học của em càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Mùa mưa dường như trở thành nỗi ám ảnh trong ký ức non nớt của cô học trò nhỏ này. Cô bé Hoàng Oanh từ nhỏ đã biết đi kiếm củi, “mót” mủ cao su, hạt điều để gom lại bán, kiếm thêm tiền mua sách vở cho ba chị em.
Thương đứa cháu chăm học đã sớm chịu cảnh vất vả, một người chú đã nhận nuôi và đưa Hoàng Oanh lên TP.HCM học tập. Vậy là từ cuối năm học lớp 5, Hoàng Oanh đã phải xa gia đình để làm quen với môi trường, bạn bè mới. Vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, em đã nhanh chóng hòa nhập và thể hiện khả năng học tập tốt của mình. Bao nhiêu năm học tập tại TP.HCM, chưa lần nào em phải mất tiền mua sách vở vì phần thưởng từ Ban giám hiệu nhà trường, Hội phụ huynh HS đã giúp em tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ. Nhưng quan trọng hơn, phần thưởng ấy chính là niềm vui để em khỏa lấp nỗi buồn khi xa gia đình, trở thành động lực để vươn lên trong cuộc sống.
3. Đến nay, hai em của Hoàng Oanh cũng được người chú đưa lên thành phố để học tập. Em lại trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho hai em những lúc nhớ nhà. Ba chị em cũng thường tranh thủ những dịp lễ tết để về quê thăm ba mẹ. Thời gian rảnh rỗi, Hoàng Oanh tranh thủ chỉ bài, động viên các em học tốt để không phụ lòng mong mỏi của những người đã giúp đỡ mình. Bên cạnh đó, em còn tích cực tham gia các phong trào Đoàn để rèn luyện bản lĩnh và trưởng thành hơn. Là ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường, Hoàng Oanh luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động nên được nhiều thầy cô, bạn bè quý mến. Được tuyên dương trong Hội trại 9-1 năm nay là cơ hội để em giao lưu, học hỏi nhiều điều hay từ các bạn trường khác. Và đây cũng là động lực giúp em cố gắng nhiều hơn, trở thành người con hiếu thảo, công dân có ích cho xã hội.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)