Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học trường nào dễ xin việc?

Tạp Chí Giáo Dục

Thành viên Ban tư vấn giải đáp thắc mắc cho HS Trường THCS -THPT Hồng Hà

Trong hai ngày 17 và 18-3, chương trình hướng nghiệp tuyển sinh 2012 “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” đã được tổ chức tại Trường THPT Phước Long và Trường THCS – THPT Hồng Hà.
Cơ hội việc làm từ trường trung cấp
Đa số phụ huynh và học sinh (HS) đều quan tâm đến việc lựa chọn trường ĐH nào tốt nhất để khi ra trường có việc làm ổn định nhưng họ quên rằng hệ thống trường TCCN tại TP.HCM đang ngày càng phát triển và khẳng định vị thế của mình khi tỷ lệ HS tốt nghiệp có việc làm rất cao. ThS. Phạm Doãn Nguyên – Phó trưởng phòng Đào tạo Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn – cho hay: “HS không nên quyết tâm vào ĐH bằng mọi giá. Đừng để sau khi học xong ĐH, đi làm thấy chán vì không đúng ngành nghề mà các em yêu thích. Có rất nhiều con đường để các em lựa chọn cho bản thân mình, nếu chọn trường TC thì các em vẫn có thể học liên thông (CĐ là 1,5 năm, ĐH là 3 năm) và cơ hội việc làm rất lớn. Hiện nay, nhiều công ty tuyển ĐH khoảng 20%, còn hệ TC và CĐ tuyển rất nhiều”.
Ông Phạm Ngọc Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – đưa ra lời khuyên: “Tùy năng lực, các em có thể chọn các trường TC, CĐ hoặc ĐH để dự thi. Phụ huynh cần xem xét bối cảnh nguồn lao động của đất nước, năng lực bản thân, sở thích của các em và hoàn cảnh gia đình để chọn đúng hướng, đúng ngành nghề. Nếu trình độ chưa đủ để dự thi vào ĐH, các em vẫn còn rất nhiều cơ hội để lập nghiệp, tiến thân ở các trường TCCN”.
Cần trang bị thêm nhiều kỹ năng
Cùng với việc quan tâm đến nhu cầu nhân lực, nhiều phụ huynh làm việc trong các doanh nghiệp băn khoăn: “Tại sao doanh nghiệp không tuyển được lao động theo đúng yêu cầu của mình? Vậy con họ cần được đào tạo như thế nào để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng?”. 
Chị Lê Thị Ngọc Hân – phụ huynh em Nguyễn Duy Nguyên (HS lớp 12A3, Trường THCS – THPT Hồng Hà) – nêu thực tế: “Tôi làm việc trong một doanh nghiệp và phụ trách phần tuyển dụng nhân sự. Tôi thấy SV tốt nghiệp các trường ĐH nhưng kỹ năng hầu như không có. Chẳng hạn, khi tuyển kế toán, tôi đưa 10 câu hỏi các em trả lời chỉ được 2 câu. Vậy tại sao các em lại thiếu các kỹ năng trong nghề mà mình đã được đào tạo?”.
Đối với vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM – chia sẻ: “Hiện nay, mối băn khoăn của nhà trường là doanh nghiệp muốn gì để họ đào tạo, còn doanh nghiệp lại thắc mắc tại sao nhà trường đào tạo mà không sử dụng được? Tôi cũng là một nhà tuyển dụng, trong hơn 60 SV mà tôi đã tuyển dụng, tôi thấy vấn đề các em thiếu không phải là kiến thức mà là kỹ năng, tự tin, tự lập và yếu về ngoại ngữ. Vì thế, tôi cho rằng giữa nhà trường và doanh nghiệp cần được nối kết hơn nữa để đào tạo các kỹ năng cần thiết cho các em”. Đồng tình với ý kiến này, ThS. Nguyễn Anh Đức – Trưởng phòng Công tác HS-SV ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho rằng điều quan trọng để SV ra trường có việc làm tốt hay không chính là ở tay nghề của các em chứ không nhất thiết là phải học trường “hot” mới có việc làm. Trong quá trình học, ngoài việc nâng cao về kiến thức, các em cần tự trang bị thêm cho mình nhiều kỹ năng thì mới đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Chương trình hướng nghiệp tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức khắp các trường THPT trên địa bàn TP đã giúp các em HS đã có thêm nhiều thông tin bổ ích trong việc chọn ngành chọn nghề để các em có cơ hội thăng tiến, trở thành những công dân có ích cho xã hội – Cô Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Hồng Hà chia sẻ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)