HS Trường TC Nghề Việt Giao thực hành pha chế rượu
|
Hiện nay có tình trạng nghịch lý, sinh viên tốt nghiệp ĐH phải làm trái ngành nghề đã học hoặc không xin được việc làm chiếm tỷ lệ rất lớn; còn học sinh học các trường CĐ, TCCN… Khi ra trường xin được việc làm đúng chuyên ngành chiếm tới 85%. Tuy nhiên, các trường này lại không tuyển sinh được. Nguyên nhân do đâu?
Đầu tư, “trải thảm” đón…
“Đầu tư xây dựng mới trên 50 tỉ đồng, Trường TC Bách khoa Sài Gòn hiện có 22 phòng học lý thuyết, 20 phòng thực nghiệm, thực hành đạt tiêu chuẩn… Đặc biệt, tất cả các phòng học lý thuyết và thực hành đều được trang bị máy chiếu và ti vi màn ảnh rộng. Bên cạnh đó, vấn đề tạo cơ hội việc làm cho HS luôn là hoạt động được nhà trường đặc biệt quan tâm; cụ thể, hiện trường đã ký kết với các tập đoàn Nhật Bản đặt tại các khu công nghiệp để tạo việc làm cho HS đang học tập tại trường. “Ngoài giờ học, HS của trường còn làm thêm ngoài giờ với thu nhập đủ để tự trang trải chi phí trong học tập và tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế”, TS. Châu Văn Dưỡng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Hiện nay hàng loạt trường TC đã và đang áp dụng nhiều chương trình “khuyến mãi” nhằm thu hút học viên. Đơn cử như việc thưởng “nóng” cho học viên giới thiệu thêm bạn hoặc người thân đến nhập học của Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn; giảm 5% học phí năm đầu và miễn học phí chương trình Anh ngữ suốt 2 năm cho học viên của Trường TC Bến Thành…
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), chia sẻ: “Năm nào Vissan cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông hoặc trình độ sơ cấp cho các công việc: Tìm kiếm khách hàng, giới thiệu và bán các mặt hàng thực phẩm, chăm sóc và duy trì quan hệ với khách hàng… nhưng đa phần các ứng viên không đáp ứng được các tiêu chí tuyển dụng của công ty hoặc vào làm một thời gian thì bỏ việc”. Ông Phan Thành Nhân, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Thiết bị Giáo dục Thành Kiên thì cho rằng: “Tuyển lao động phổ thông không khó, tuy nhiên các công ty đều có một nhu cầu đó là người lao động phải thật sự yêu nghề, tâm huyết với công việc được giao. Chúng tôi có nhu cầu lớn về đội ngũ tiếp thị sản phẩm, yêu cầu trình độ từ 12 đến tốt nghiệp TC, có rất nhiều SV tốt nghiệp ĐH đến nộp hồ sơ dự tuyển, được một thời gian ngắn thì bỏ việc. Lý do rất đơn giản: Chê lương thấp và sợ vất vả do phải đi tiếp thị sản phẩm nhiều”.
Trong khi đó, bà Lương Thị Nhung, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường CĐ Nghề CNTT iSpace – trăn trở: “Các trường nghề hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác tuyển sinh. Chúng tôi có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút HS nhưng kết quả đạt được không như mong muốn”. Đồng quan điểm, ThS. Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường TC Nghề Kỹ thuật Nghiệp vụ Hùng Vương, bức xúc: “Cùng lúc tồn tại hai hệ thống đào tạo nghề do hai bộ quản lý là rất bất hợp lý. Khối TCCN được liên thông lên CĐ, ĐH khá dễ dàng, còn khối TC nghề tuy đã có thông tư liên tịch số 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH cho người học nghề được học tiếp liên thông lên CĐ, ĐH nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn”.
…HS vẫn quay lưng
ThS. Nguyễn Hoàng Anh, Hiệu trưởng Trường iSpace, cho rằng theo quy định mới của Bộ GD-ĐT về việc muốn liên thông lên CĐ, ĐH, HS-SV phải đợi 36 tháng hoặc thi lại như HS THPT; trong khi kiến thức nền ở THPT chỉ sau 2-3 năm học nghề nhiều HS-SV đã bị mai một, không còn nắm vững nữa. Điều đó, vô hình trung làm khó thêm cho trường nghề, bởi vốn đa số các bạn trẻ đã không thích vào học trường nghề nay lại càng ngại, mặc dù HS trường nghề khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm đúng với chuyên môn”.
Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), cho biết: “Hiện công tác tuyển sinh đầu vào của một số trường nghề đang gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như Trường TC Nghề Hoàn Cầu, Việt Giao… có nguy cơ sẽ bị giải thể vì không tuyển sinh được đầu vào. Còn Trường TC Nghề Ngọc Phước (Q.12) mới được thành lập năm 2009 nhưng mùa tuyển sinh 2010-2012 chỉ tuyển được vài chục HS hệ dài hạn, mặc dù nhà trường đã triển khai nhiều hình thức chiêu sinh, tiếp thị đến các trường THPT trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận”. Ông Hà Kim Vọng – Hiệu trưởng Trường TC Khôi Việt – chia sẻ: “Là một trong những trường đào tạo về nghiệp vụ du lịch, nhà hàng – khách sạn được đánh giá cao, nhưng năm 2009, trường ra chỉ tiêu tuyển sinh hệ dài hạn TC nghề là 600 HS thì chỉ tuyển được gần 50% chỉ tiêu. Đến năm 2010 còn 200 HS… Từ thực tế khó khăn đó, mùa tuyển sinh 2013, trường chỉ đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào hệ TC nghề là 150 HS”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Trên 14.000 HS trường nghề bỏ học mỗi năm
PGS.TS Chu Việt Cường, Hiệu trưởng Trường TC Âu Việt, cho biết: Trên địa bàn TP.HCM hiện có 44 trường đào tạo TCCN thuộc TP quản lý, tổng quy mô đào tạo trên 62.000 HS-SV. Các trường đã có nhiều đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giảng dạy… nhưng đến nay hiệu suất đào tạo TCCN của TP đạt rất thấp (khoảng 60%). Số HS-SV bỏ học mỗi năm trên 14.000 em, gây lãng phí rất nhiều thời gian, tài chính của người học và gia đình…
|
Bình luận (0)