TS. Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM 2004-2011): Tuổi 20 là tuổi trưởng thành, sung sức và sáng tạo
Cuộc thi Giải vô địch tiếng Anh THCS TP.HCM do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: N.Trinh
|
Gần 20 năm gắn bó với tờ báo, TS. Huỳnh Công Minh cho rằng: Là diễn đàn của ngành GD-ĐT TP.HCM, Báo Giáo dục TP.HCM luôn được sự quan tâm và định hướng của Ban Giám đốc Sở GD-ĐT trong quá trình tồn tại và phát triển. Những gặt hái thành công và kết quả mà tờ báo có được như ngày hôm nay là điều đáng tự hào.
PV: Được biết, ông thường xuyên tham gia viết bài cộng tác trên báo, xin được hỏi ông tâm đắc chuyên mục nào?
– Báo Giáo dục TP.HCM có nhiều trang mục tôi và nhiều bạn đọc quan tâm, nhưng trang mục mà tôi thường viết bài cộng tác hơn cả là những vấn đề về chuyên môn và đổi mới giáo dục.
Vậy ông quan tâm tới vấn đề nào nhất?
-Đổi mới phương pháp dạy học quyết định đổi mới và nâng cao chất lượng GD-ĐT. Do đó tôi thường quan tâm nhiều tới đổi mới căn bản và toàn diện vì có đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì việc đổi mới phương pháp dạy học mới hiệu quả và có ý nghĩa.
Thời kỳ đương nhiệm Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông đã có những lời động viên như thế nào đối với Ban biên tập tờ báo của ngành?
– Từ khi thành lập đến nay, cơ sở vật chất của báo đang còn nhiều khó khăn nhất là chỗ làm việc, nhưng anh chị em từ Ban biên tập đến phóng viên và nhân viên đã rất cố gắng khắc phục khó khăn thiếu thốn làm cho tờ báo Giáo dục TP.HCM ngày càng phát triển và đứng vững trong lòng bạn đọc. Đây là thành quả rất đáng được khen ngợi và tự hào.
Tuy vậy, xã hội luôn phát triển, yêu cầu của ngành luôn đòi hỏi mỗi ngày mỗi cao hơn. Là báo ngành, các cán bộ và phóng viên phải cố gắng học tập, đi sát thực tế, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ và am hiểu chuyên môn để phản ánh tốt nhịp thở đời sống học đường và định hướng được những vấn đề mới, tiên phong của ngành GD-ĐT TP.HCM trong tiến trình phát triển và đổi mới mạnh mẽ của GD-ĐT nước nhà.
Ông có những kỷ niệm gì với tờ báo trong thời kỳ đầu hình thành và phát triển?
– Không bao giờ tôi quên được ở đây có những cán bộ và phóng viên, những nhà báo tâm huyết yêu nghề, anh chị em đã để lại trong lòng của bạn đọc hình ảnh của những ký giả chân chính trong xã hội hoạt động theo cơ chế thị trường. Những anh chị em này đã rất gắn bó với tờ báo, ngay trong những lúc khó khăn nhất; anh chị em luôn cầu thị, lắng nghe và học tập trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để không ngừng nâng cao bản lĩnh của mình trong làng báo. Tôi rất yêu và luôn nhớ các bạn ấy!
Ông có lời khuyên gì đối với sự phát triển của tờ báo trong thời gian tới?
– Tuổi 20 là tuổi đẹp của cuộc đời, tuổi của sự trưởng thành, sung sức và sáng tạo! Chúc cho Báo Giáo dục TP.HCM phát huy tốt những thành quả đạt được và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong giai đoạn đổi mới và phát triển của ngành.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà là một công cuộc đổi mới, cách tân triệt để trên con đường chấn hưng, hội nhập và phát triển phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đề tài mà Đảng và Nhà nước đưa ra như vậy cho tờ báo là rất hấp dẫn, rất rộng và rất phong phú! Rất mong cán bộ và phóng viên của báo không ngừng phát triển năng lực và tâm huyết để đáp ứng.
Đổi mới lần này, không phải là đổi mới chung chung, đổi mới cho ngày nay khác với ngày hôm qua hay đổi mới từng phần cục bộ theo sở thích, sở trường mà là đổi mới các yếu tố căn cơ của giáo dục như tư duy, đầu tư và cơ chế quản lý; đổi mới toàn diện trên các thành tố giáo dục như mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, phương thức thi cử đánh giá và thiết chế tổ chức nhà trường; định hướng đổi mới là hội nhập quốc tế và phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta hãy rất cảnh giác với những thói quen, nề nếp cũ làm cản ngại sự phát triển, tiến lên của thời đại. Tình trạng nói thì mới mà làm thì cũ vẫn đang tồn tại song hành. Là nhà báo, chúng ta hãy nâng niu, trân trọng và tạo điều kiện cho những nhân tố mới phát triển, dù nó đang còn non trẻ, chưa thật sự vững vàng!
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
ThS. Nguyễn Minh Hải (Phó tổng biên tập Tạp chí Sổ tay xây dựng Đảng): Báo đã góp phần tích cực nâng chất lượng giáo dục ở TP
Tôi bắt đầu cộng tác với Báo Giáo dục TP.HCM từ năm 2001. Gắn bó nhiều năm tôi nhận thấy, là một tờ báo ngành, Báo Giáo dục đã phản ánh khá chân thực và sinh động các hoạt động giáo dục của đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng, từ đó góp phần tích cực vào việc nâng chất lượng giáo dục của thành phố. Báo đã có mặt tại các “điểm nóng” về tình hình giáo dục, như các bức xúc của người dân về việc học của con cái, các biểu hiện chưa lành mạnh trong môi trường giáo dục, các bất cập cần chấn chỉnh…, đồng thời giới thiệu các điển hình dạy và học một cách cụ thể, thuyết phục như môi trường học thân thiện, gương giáo viên dạy giỏi, học sinh hiếu học… Báo là một diễn đàn tích cực để giáo viên và người quan tâm đến giáo dục có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về dạy và học, xây dựng trường lớp, cải tiến phương pháp giáo dục…
Nhận thấy tính chất thiết thực và hiệu quả của tờ báo, dù không trực tiếp hoạt động trong ngành giáo dục nhưng tôi luôn có ý thức và tâm huyết về lĩnh vực này. Thời gian qua, bằng góc nhìn của một phụ huynh, của một người có quan tâm đến nền giáo dục, tôi mạnh dạn trình bày và đóng góp một số ý kiến về một số phương pháp dạy và học, như về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, về “dạy thật – học thật”, về việc đánh giá học sinh, về công tác hướng nghiệp…
Hoạt động giáo dục của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đang có những chuyển mình sâu sắc, nhất là khi toàn ngành đang thực hiện nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Do đó, Báo Giáo dục cần bám sát thực tiễn, tiếp tục phản ánh đầy đủ, khách quan và sinh động các vấn đề cần giải quyết, tiếp tục cổ vũ và nhân rộng các mô hình tiên tiến và chấn chỉnh, khắc phục các biểu hiện trì trệ, lệch lạc trong giáo dục. Báo cần phát huy nhiều hơn tiếng nói của các chuyên gia về giáo dục cùng những người trực tiếp công tác trong ngành để có tiếng nói sát đúng với tình hình. Báo cần thuyết phục hơn trong việc giới thiệu các điển hình tiên tiến và mạnh mẽ hơn trong việc đấu tranh chống các hiện tượng thiếu lành mạnh trong giáo dục.
|
Bình luận (0)