Dịch heo tai xanh bùng phát ở VN chính thức vào năm 2006, nhưng chỉ xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, sau bốn năm, dịch đã lan rộng vào đến các tỉnh phía Nam, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi và nền kinh tế. Cơn dịch đi qua, nhiều trang trại, hộ gia đình bị kiệt quệ và gánh thêm nợ nần. Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ cuối tháng 7 đến nay đã có 20 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch heo tai xanh. Cục Thú y cho biết, đợt dịch heo tai xanh này là đợt dịch thứ ba tính từ đầu năm 2010, đến nay đã có hơn 80.000 con heo mắc bệnh, hơn 30.000 con heo đã bị tiêu hủy. Tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng vận chuyển heo bệnh từ vùng có mức đền bù thấp sang vùng có mức đền bù cao, do nhiều địa phương áp dụng mức đền bù 25.000 đồng/kg heo hơi cho người dân, nhưng giá heo hơi thị trường có khi lại dưới mức này.
Dịch heo tai xanh gây thiệt hại ghê gớm như vậy, tại sao người dân lại lơ là, chính quyền địa phương lại thiếu quan tâm, trong khi cơ quan quản lý liên tục khuyến cáo? Ngay từ khi dịch khởi phát tại Hải Dương, Cục Thú y đã cảnh báo và yêu cầu các địa phương khác triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Tiếp đó, Bộ NN-PTNT, rồi Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương khẩn cấp dập tắt dịch. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã khá chậm chạp trong việc triển khai trong phòng, chống dịch, nên dịch đã lan rộng và gây hậu quả ngày một nặng nề hơn. Một số tỉnh phát hiện chậm, có khi sau 7-10 ngày dịch khởi phát và lan ra diện rộng mới nắm được thông tin. Một số nơi vì nhiều nguyên nhân đã giấu dịch, trong đó có việc do chưa lường trước được hậu quả, tự triển khai chống dịch đến khi dịch lan rộng thì hoảng quá mới báo cáo cấp trên. Nhiều tỉnh không có kế hoạch phòng, chống dịch chu đáo, cụ thể. Hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc triển khai công tác hỗ trợ người dân có heo mắc bệnh bị tiêu hủy, không công khai cho dân biết về chủ trương này mặc dù dịch xảy ra từ trước đó cả nửa tháng trời, khiến người dân hoang mang nên bán tống bán tháo heo bệnh với giá rất “bèo”, làm dịch càng trầm trọng hơn và khó khống chế hơn.
Sau bốn năm chống dịch heo tai xanh, Cục Thú y chưa thể tìm ra văc-xin đặc trị cho loại dịch này. Trong khi đó, người dân một số nơi đã tự mua thuốc và pha chế để chữa trị cho heo bị dịch. Các chuyên gia khẳng định rằng, hiện trên thế giới chưa có loại thuốc nào đặc trị được bệnh heo tai xanh, mà chỉ có một số loại sản phẩm dùng để phòng bệnh, phun xịt tiêu độc khử trùng… nhằm ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Vấn đề hiện nay là các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người chăn nuôi trong việc tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời ở những nơi dịch mới xuất hiện.
Anh Huy
Bình luận (0)