Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dự thảo Chiến lược Phát triển giáo dục đến năm 2020: 80% SV tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu công việc

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18-12, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo chiến lược phát triển giáo dục VN giai đoạn 2008-2020. Cùng với việc đưa dự thảo lên website của bộ và mạng giáo dục để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, chiều 18-12 tại Hà Nội, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc gặp gỡ giới thiệu dự thảo này với đại diện các cơ quan báo chí.

Đây là bản dự thảo lần thứ 13 vừa được Bộ GD-ĐT hoàn thiện sau hơn một năm rưỡi tập trung xây dựng. Theo dự thảo, chiến lược đặt mục tiêu trong vòng 20 năm tới phấn đấu xây dựng một nền giáo dục VN hiện đại, khoa học, dân tộc, làm nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, phát triển bền vững đất nước, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới một xã hội học tập, có khả năng hội nhập quốc tế…

Trong đó, từ nay đến năm 2020 có 99% trẻ 5 tuổi được học một năm mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1, 100% số tỉnh, TP đạt chuẩn phổ cập giáo dục chín năm đúng độ tuổi, 80% thanh niên VN trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, của HS phổ thông VN tương đương với HS ở các nước phát triển trong khu vực.

Đối với giáo dục nghề nghiệp sẽ tạo bước đột phá để tăng mạnh tỉ lệ lao động qua đào tạo. Năm 2020 tỉ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 60%. Sẽ có khoảng 30% số HS tốt nghiệp THPT được học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 95% số HS tốt nghiệp được các doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được yêu cầu của công việc. Giáo dục thường xuyên đặt mục tiêu đưa tỉ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98% vào năm 2020.

Đặc biệt đối với giáo dục ĐH, sẽ nâng tỉ lệ SV trên một vạn dân lên 450 vào năm 2020. Mở rộng quy mô giáo dục ĐH ngoài công lập, phấn đấu đến năm 2020 tỉ lệ SV trong các cơ sở ngoài công lập chiếm 30-40% tổng số SV cả nước. 80% số SV tốt nghiệp được các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được yêu cầu công việc.

Để có thể thực hiện được những mục tiêu đặt ra, Bộ GD-ĐT đã đề ra 11 giải pháp, bao gồm các giải pháp như tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân và mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục, đổi mới chương trình và tài liệu giáo dục, hỗ trợ giáo dục đối với các vùng miền và người học được ưu tiên… Một nội dung ưu tiên hàng đầu để thực hiện đổi mới quản lý giáo dục được khẳng định trong dự thảo chiến lược là thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục với việc hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ do Bộ GD-ĐT đảm nhận. Nếu thực hiện được giải pháp này, sau nhiều năm bị “chia cắt”, hệ thống giáo dục quốc dân – mà trực tiếp là giáo dục nghề nghiệp – sẽ được thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước.

Giải đáp ý kiến của đại diện một số cơ quan báo chí về mục tiêu “tập trung đầu tư nhà nước và sử dụng vốn vay ODA để xây dựng một số trường ĐH đạt đẳng cấp quốc tế, để đến năm 2020 có ít nhất năm trường ĐH VN được xếp hạng trong số 50 trường ĐH hàng đầu của khu vực ASEAN và hai trường được xếp hạng trong số 200 trường ĐH hàng đầu của thế giới”, ông Nhân khẳng định: “Bộ GD-ĐT xác định là có làm, phải làm, còn làm như thế nào sẽ gỡ dần sau”.

Ông Nhân cũng cho rằng để các trường ĐH VN có được thứ hạng thế giới phải có yếu tố nước ngoài, chúng ta chỉ tự xây dựng thì chưa thể làm được. Vì thế định hướng của bộ là sẽ hợp tác ở cấp chính phủ với các đối tác Mỹ, Pháp, Nga, Nhật… xây dựng một số trường ĐH đẳng cấp quốc tế theo các mô hình tương tự như Trường ĐH Việt – Đức. Bộ GD-ĐT dự định đến năm 2015 sẽ hoàn thành cơ bản việc xây dựng bốn trường ĐH VN đạt đẳng cấp quốc tế theo quan điểm “sẽ đầu tư tập trung, không dàn trải”.

THANH HÀ (TTO)

Bình luận (0)