Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

7 giải pháp chính đổi mới giáo dục – đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều qua, 25-6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo TƯ phối hợp cùng Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển GD-ĐT đến năm 2020.

SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM vui trong ngày nhận bằng tốt nghiệp.Ảnh: MAI HẢI
Trình bày về chương trình hành động thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chương trình hành động gồm 7 giải pháp chính.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng GD toàn diện, coi trọng GD nhân cách, đạo đức, lối sống cho HS-SV. Trong đó, tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp GD. Cụ thể, phổ cập mẫu giáo 5 tuổi; đánh giá toàn diện chương trình và SGK phổ thông, bắt đầu từ 2010, tổ chức việc xây dựng chương trình, biên soạn SGK phổ thông mới theo hướng hiện đại, tích hợp, phù hợp và có hiệu quả để triển khai áp dụng trong giai đoạn 2016-2020.
Đến năm 2010, các trường ĐH-CĐ về cơ bản chuyển sang tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, hoàn thiện việc phân chia các chương trình đào tạo theo 2 hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng, triển khai đề án đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2009-2015.
Thứ hai, mở rộng quy mô GD hợp lý, thực hiện phổ cập GD. Toàn quốc đạt chuẩn phổ cập THCS và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi vào 2010. Khởi động chương trình phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Quy hoạch lại mạng lưới ĐH-CĐ; xây dựng một số trường, chuyên ngành đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đạt quy mô 200 SV/vạn dân.
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với GD-ĐT. Trong đó có đẩy mạnh phân cấp quản lý và tăng cường tự chủ của các cơ sở GD-ĐT. Tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD-ĐT.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Chuẩn hóa trong đào tạo, tuyển chọn và sử dụng nhà giáo các cấp. Đầu tư mạng cho các trường, các khoa sư phạm. Thực hiện đánh giá giảng viên ĐH-CĐ qua ý kiến HS-SV. Xây dựng chính sách ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý GD về vật chất và tinh thần để thu hút những người giỏi làm công tác GD.
Thứ năm, tăng cường và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho GD. Ưu tiên đầu tư cho phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập GD tiểu học và THCS, cho GD vùng khó khăn. Đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa GD, có cơ sở pháp lý và chính sách để phát triển các trường ngoài công lập, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào GD-ĐT bằng các chính sách khuyến khích về đất đai, thuế, tín dụng…
Thứ sáu, bảo đảm công bằng xã hội trong GD. Tập trung đầu tư cho vùng khó khăn, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển GD giữa các vùng miền. Thực hiện tốt chính sách ưu tiên, hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế về GD-ĐT. Tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng một số trường ĐH trình độ quốc tế. Triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân.
L.NGUYÊN (SGGP)

 

Bình luận (0)