Trao đổi với phóng viên, nhiều phụ huynh có kinh nghiệm cũng như nhiều chuyên gia giáo dục đều cho rằng, việc để trẻ học trước lợi bất cập hại và là đánh cắp thời gian của trẻ.
Trẻ nhỏ ở Hà Nội trong ngày đầu tiên vào lớp 1. Ảnh: Phạm Yên. |
Tôi từng rất sốt ruột…
Cách đây bốn năm, chị Vũ (nhà E1, khu tập thể Thành Công, Hà Nội) có con vào học lớp 1 Trường tiểu học Nam Thành Công, Đống Đa, Hà Nội. Chị kiên trì không cho con đi học trước khi vào lớp 1. Hậu quả là chị thường xuyên được cô giáo phàn nàn về con gái chị. Thậm chí cô còn nói thẳng rằng, cháu cần được đi học thêm, nếu không sẽ không đuổi kịp các bạn. Cô giáo cho biết, có bạn trong lớp đã biết đọc báo rồi trong khi con gái chị Vũ đánh vần chữ to cũng rất khó khăn.
Chị Vũ cho biết: “Tôi vẫn không cho cháu đi học thêm như cô giáo gợi ý. Tôi cũng dành ít nhất nửa tiếng để cùng học với cháu. Hết năm học lớp 1, con tôi là một trong nhiều học sinh đạt kết quả loại giỏi của lớp”.
Những phụ huynh có quan điểm như chị Vũ đều cho biết, họ đều chịu áp lực nặng nề trong suốt học kỳ đầu tiên của con ở lớp 1. “Con gái tôi luôn luôn nằm trong danh sách những học sinh mà cô giáo thông báo: cần phải cố gắng! Nhiều lần như vậy, tôi cũng cảm thấy có gì đó không thoải mái nhưng tôi cũng không ép cháu, cứ để cháu thể hiện đúng khả năng, miễn là rèn cho cháu nề nếp học tập tốt”, chị Hiền (Nơ 9, Trung Kính, Yên Hòa, Hà Nội) có con chuẩn bị lên lớp 3 Trường tiểu học Dân lập Nguyễn Siêu chia sẻ.
Theo các phụ huynh, điều quan trọng là bố mẹ không có cảm giác thất bại khi con mình không được điểm tốt trong những ngày đầu đi học.
Trò học trước, cô nhàn nhưng…
Trao đổi với phóng viên, nhiều giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 cho biết, họ không hoàn toàn ủng hộ việc phụ huynh cho con đi học trước khi vào lớp 1.
Theo nhiều giáo viên, việc trong lớp có nhiều học sinh học trước sẽ giúp cô giáo lớp 1 nhàn hơn. “Lớp của tôi chẳng hạn, năm ngoái có 62 học sinh, nếu không phải phần đông các cháu đều đã được học trước thì tôi hướng dẫn không xuể!”, một giáo viên cho biết.
Tuy nhiên, ngoài lợi ích trên, các giáo viên đều cho rằng, có nhiều hệ luỵ phiền toái khác mà đa số là tác hại về mặt lâu dài. “Khi đã biết trước rồi, các con thường chủ quan, ít hứng thú học hành”, cô giáo Đỗ Ánh Vân, Trường tiểu học Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội nêu ý kiến.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bình, Trường tiểu học Nguyễn Siêu, nói: “Lẽ ra xuất phát điểm các cháu phải như nhau, nhưng đằng này cháu thì đọc thông viết thạo rồi, cháu thì mới bắt đầu tập đánh vần. Dĩ nhiên, cô giáo sẽ nhận thấy lý do tại sao nhưng các cháu chỉ cảm thấy là mình kém so với bạn, từ đó gây nên tâm lý không thoải mái cho các cháu”.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội, kịch liệt lên án tình trạng cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Trẻ từ giai đoạn kết thúc mẫu giáo lớn đến bắt đầu vào lớp 1 trải qua một giai đoạn chuyển tiếp và dễ hẫng hụt. Giai đoạn này trẻ cần có sự làm quen dần dần từ hoạt động vui chơi là chính sang hoạt động học tập, thay vì gò trẻ vào những tiết tập viết căng thẳng.
Theo tôi, một khảo sát của Trường Mầm non B (số 5 Phan Chu Trinh, Hà Nội) cần được các phụ huynh quan tâm: Nhiều trẻ chưa được học trước có kết quả học tập thấp hơn bạn bè cùng lớp trong khoảng 2 tháng đầu khi vào lớp 1, nhưng lại vượt lên vào giai đoạn sau đó ”, bà nói.
Quý Hiên/ Tien Phong
Bình luận (0)