Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Viết cho người yêu dấu: Mùa thi nhớ bố

Tạp Chí Giáo Dục

Cứ vào mùa thi, nhìn sĩ tử náo nức “lều chõng” đi thi là tôi lại nhớ về những kỷ niệm thời áo trắng và đặc biệt là nhớ về người bố thân yêu của mình. 10 năm trước đây, tôi đã từng là một cậu học trò. Sau khi đậu tú tài, tôi không muốn tiếp tục thi đại học vì tôi vốn lười, ham chơi, nên xin bố cho mình đi làm. Khi nghe tôi nói thế, bố nổi giận mắng tôi một trận và bắt tôi phải thi vào trường kinh tế. Bố lại sợ tôi lười học nên động viên tôi bằng những câu nói cố hữu: “Con phải cố gắng học để sau này thoát khỏi cảnh dang lưng ra làm nông như bố. Đời nông dân cơ cực nhưng chẳng khá hơn đâu, con trai ạ”. Tôi phớt lờ những câu nói ấy, chỉ học cho có lệ.

Ngày tôi đi thi đại học, bố bỏ hết công việc ruộng đồng để đưa tôi lên trường thi ở Sài Gòn. Tôi bước vào phòng thi với nét mặt bình thản, xem như không có chuyện gì xảy ra (vì tôi nghĩ thi cho bố vui lòng, mặc kệ đậu hay trượt). Ngược lại, ở trước cổng trường, bố hồi hộp từng phút, hết đứng lại ngồi, căng thẳng như bố đang thi vậy. Nhớ lại cảnh ấy tôi thương bố vô cùng.

Sau khi thi xong, tôi chỉ biết đi chơi cho thỏa thích mà chẳng phụ việc đồng áng với bố. Ngày có giấy báo kết quả thi từ Trường Đại học Kinh tế gửi về, bố tôi mừng khôn xiết, dường như không có niềm vui nào hơn thế nữa. Bố ôm lấy tôi, hết lời khen tôi.

Bố đứt ruột bán đi 2 công đất hương quả của ông bà để lại để đóng tiền học phí, tiền thuê phòng, tiền ăn cho tôi. Bố lại bỏ công việc để đưa tôi lên Sài Gòn tìm phòng trọ. Đêm đó bố ngủ lại với tôi, tâm sự cho tôi nghe đủ điều, chung quy là những chuyện học hành. Mặc cho bố nói, tôi lăn ra ngủ lúc nào không hay. Tôi có biết đâu, đêm đó bố đã khóc rất nhiều. Khóc vì tôi đã phần nào thực hiện được ước mơ của bố, khóc vì tôi quá vô tâm đến người đã sinh ra mình.

Từ ngày sống xa bố, tôi chơi nhiều hơn học (cũng may tôi chưa dính vào những tệ nạn xã hội). Tôi thường hay viết thư, gọi điện về xin tiền bố với đủ lý do về học tập. Tuy khó khăn, nhưng bố cũng chạy vạy để đáp ứng cho tôi. Trong khi đó, những lá thư bố gửi lên tôi chẳng màng xé ra đọc, vì tôi biết trong thư bố không viết gì ngoài nhắc nhở học và sức khỏe của tôi. Trong năm đầu, việc học của tôi chỉ ở mức trung bình. Tôi tiêu tiền như nước vào những việc vô bổ mà không biết rằng nơi quê nhà, bố phải lao động cật lực. Có những đêm trở trời, bố ngã bệnh nhưng không dám gọi điện lên cho tôi biết, sợ tôi phân tâm.

Cho đến ngày tôi chuyển qua chỗ trọ mới sống với thằng bạn cùng tổ. Sau giờ học, thấy nó lao vào đủ thứ công việc nên tôi hỏi: “Mày đi học thì làm chi cho mệt. Để gia đình gửi tiền lên mà tiêu cho khỏe”. Nó nghẹn ngào: “Gia đình tao nghèo, lấy tiền đâu gửi lên. Tao phải làm để tự lo cho bản thân, rồi nhín chút ít gửi về quê cho bố mẹ mua thuốc, cho em trai mua sách vở. Nghe nó nói xong, tôi lặng người đi. Chợt thấy mình có lỗi với bố nhiều quá. Bố ở quê còng lưng vất vả để lo cho tôi ăn học, vậy mà chỉ mỗi việc cố gắng học thôi tôi cũng không làm được huống hồ gì đi làm thêm kiếm tiền gửi về nhà. Bắt đầu từ hôm đó, tôi không la cà nữa mà chú tâm vào việc học. Mỗi đêm, tôi nhín chút thời gian làm thêm để giảm bớt áp lực cho bố.

Từ khi không thấy tôi viết thư về nhà xin tiền liên miên nữa, bố lấy làm lạ, khăn gói từ quê lên thăm tôi. Khi biết tôi đi làm thêm kiếm tiền, ban đầu bố không chấp nhận vì sợ tôi bỏ bê việc học, nhưng sau đó nhờ sự động viên của tôi và thằng bạn nên bố gật đầu. Trước khi bố về quê, tôi chở bố lòng vòng quanh phố, mua tặng bố cái nón nỉ và đôi dép từ đồng tiền tôi kiếm được. Bố tôi mừng lắm khi biết con trai mình đã trưởng thành, biết lo cho bố và cuộc sống của mình. Suốt đêm đó bố lại khóc.

Huỳnh Đắc Nhấttc "huyønh ñaéc nhaát"

 

Bình luận (0)