Ảnh minh họa: Nonprofitewb. |
Tháng 8/1990, chồng đánh sai khớp gối chân trái, năm 1993 mổ chỉnh xương và đóng đinh cố định. Một năm sau bị đánh sai khớp khuỷu tay phải, đến năm 2000 thì bị một vết sẹo lồi trên môi…
Đây không phải bệnh án của bác sĩ, mà là một phần sổ khám bệnh của người vợ quê Thanh Hóa bị chồng bạo hành. Trong cuốn sổ đó còn nhiều dòng nữa. Và dấu vết để lại trên thân thể chị là những vết sẹo rải rác trên các vùng cơ ở đùi, cẳng chân và các vết răng cắn thâm tím hoặc hằn thành sẹo trên ngực, hai bên vú…
Chị không bao giờ ngờ rằng người chồng từng là một chiến sĩ công an lại có thể hành hạ mình đến mức đó. Sau khi cưới được 2 năm, cuộc sống gia đình bắt đầu xảy ra chuyện. Chồng thường hành hạ, đánh đập, cưỡng ép tình dục chị, cắn đến nỗi thâm tím nhiều chỗ trên ngực.
Rồi một lần, phát hiện chồng quan hệ với em gái ruột của mình, cảm thấy căm uất chị mới nói chồng. Thế nhưng từ đó, gia đình chồng luôn tìm cớ mắng chửi, hắt hủi, đánh đập chị. Không những đánh vợ, anh ta còn đánh đập cả 2 đứa con trai. Một đứa đã phải đi Bệnh viện Việt Đức, đứa kia cũng phải vào bệnh viện điều trị. Và chị cũng đến bệnh viện điều trị và hy vọng tìm một lối thoát cho mình.
Cũng giống người phụ nữ trên, chị Hương (34 tuổi, Hà Nội) cũng đã có "thâm niên" sống 14 năm trong cảnh bạo hành của chồng. Chuỗi ngày bất hạnh của chị bắt đầu chỉ trong vòng 2 tháng sau khi lấy chồng, thậm chí ngay cả khi mang thai chồng vẫn không tha, đấm vào mặt, túm vai, bẻ tay…
Hương cũng đã vào viện 2 lần. Lần đầu thì bị chồng đánh đến ngất xỉu. Lý do chỉ vì chị hỏi chồng về chiếc xe máy của mình, anh đã bán mà không hỏi ý kiến chị. Hàng xóm đã gọi cảnh sát 113 sau khi nhìn thấy chị ngã và máu chảy ra tung tóe từ mũi. Nhưng rồi bố mẹ chồng thuyết phục chị không khai báo sự việc với công an, mà hãy tha thứ cho anh ta vì đây là hành động bạo lực đầu tiên. Vì vậy, chị đã bỏ qua và tiếp tục sống trong sợ hãi.
Mỗi trận đánh thường kéo dài 20 phút, nhưng mức độ ngày càng trầm trọng hơn. Anh đánh vợ ngay cả trước mặt con gái hoặc mẹ chồng.
Lần thứ hai, Hương bị chồng yêu cầu không được ra khỏi nhà, không được đi làm mà phải ở nhà cả ngày để anh ta có thể quan hệ tình dục bất kể khi nào muốn. Ban đầu, chị phục tùng theo và ở nhà hai tuần. Nhưng anh ta vẫn đánh và cuối cùng chị đã không tuân theo quy tắc đó nữa.
Khi hỏi chồng: "Nếu em không đi làm, anh có thể nuôi nổi em không?", thì anh ta trả lời: "…cô không phải là một người tàn tật, tại sao tôi phải nuôi cô?". Vì vậy, Hương quyết định đi làm và khi về nhà, anh ta đã đánh cho tới khi chị phải đi viện cấp cứu. Lần này, chị đã nghĩ sẽ báo cáo sự việc với công an nhưng khi chồng xin lỗi trước mặt con gái thì chị lại quyết định tha thứ.
Sau đó, trong một lần cãi vã, chị đã bị tống ra khỏi nhà và bị cấm không được quay trở lại. Chị đã mang theo cô con gái 4 tuổi đi cùng, còn cô con gái lớn thì không dám theo vì sợ bố.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều câu chuyện thương tâm về những người phụ nữ bị chồng hành hạ được các chuyên gia chia sẻ trong buổi tổng kết dự án phòng chống bạo lực gia đình của Hà Nội, sáng nay.
Để đánh giá hiệu quả của dự án, một nghiên cứu của tổ chức Hội đồng dân số tại Việt Nam đã được tiến hành vào tháng 10/2009 với gần 250 nhân viên y tế của tại Bệnh viện Đức Giang, Long Biên và hai trạm y tế xã của huyện Gia Lâm.
Kết quả cho thấy tình trạng chồng bạo hành vợ đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam. Số nạn nhân bị bạo hành đến trung tâm tư vấn của bệnh viện Đức Giang tăng gấp 3 lần so với số nạn nhân bị bạo hành trung bình trong năm 2006 (khoảng 300 người).
Số lượng báo cáo về mức độ nghiêm trọng của các thương tật tăng đột ngột so với đợt điều tra vào năm 2005. Những thương tích vào chỗ hiểm tăng gấp đôi (từ hơn 21% lên hơn 46%), các trường hợp bị gãy chân, tay tăng gần gấp rưỡi.
Ngoài ra, số lượng nhân viên bệnh viện cho biết họ từng chứng kiến những phụ nữ mang bầu bị xảy thai do bạo hành tăng gần gấp 4 lần (từ 5% lên gần 23%).
Đồng thời, nhân viên bệnh viện cũng cho biết ngày càng có nhiều bệnh nhân bị tổn thương bộ phận trong đợt điều tra năm nay. Tỷ lệ nhân viên trả lời rằng họ đã chứng kiến ít nhất một bệnh nhân bạo hành bị những tổn thương trên tăng gấp 2 lần.
Về luật phòng chống bạo lực gia đình ra đời gần 3 năm nay, theo nhiều cán bộ y tế luật chưa đủ mạnh, đặc biệt là thiếu các văn bản cụ thể hướng dẫn áp dụng luật ở cấp cơ sở. Đặc biệt, nhiều người còn chưa hề biết đến luật này.
Thậm chí, có những ông chồng đánh vợ đến mức phải nhập viện nhưng khi lãnh đạo xã và thành viên tổ hòa giải yêu cầu phải đến trung tâm giáo dục thì anh ta vẫn thản nhiên nói: "Tôi không mắc tội gì, tại sao tôi phải tới đó".
Bên cạnh đó, nghiên cứu trên cũng cho thấy việc giải quyết những vụ bạo hành tại cơ sở thường dựa vào tổ hòa giải nhưng năng lực hoạt động của những tổ này còn rất hạn chế. Quan điểm truyền thống vốn cho rằng bạo lực gia đình là vấn đề của gia đình nên tổ hòa giải chỉ thực sự quan tâm khi vấn để trở nên nghiêm trọng. Hơn nữa, chính những người này vẫn tin rằng phụ nữ nên kiềm chế những hành vi bạo lực của chồng bằng việc giữ im lặng "nói ít thôi kẻo anh ấy sẽ đánh chị nhiều hơn".
Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Phó ban quản lý dự án cho biết: "Những người phụ nữ đang phải chịu đựng những hành vi bạo lực diễn ra lặp đi lặp lại và thường bắt đầu ngay trong năm đầu kết hôn. Tuy nhiên, các nạn nhân thường chọn cách giữ im lặng, chịu đựng".
Chị cũng cho biết, trong số các nạn nhân bị bạo hành, đa số bị từ 2 đến 7 năm (chiếm gần 68%), thời gian bị bạo hành trong một năm rất ít chưa đến 14%, còn lại là những phụ nữ bị bạo hành trên 7 năm.
Nam Phương (VnExpress)
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Bình luận (0)