Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bi kịch từ trò chơi ảo

Tạp Chí Giáo Dục

Từ một đứa trẻ ngoan nhưng khi nghiện game, các “game thủ” đã lấy trộm tiền mua thiết bị ảo, bị mẹ mắng thì uống thuốc diệt cỏ tự tử; hoặc cưới vợ, sắm xe cho vợ ảo trên game để bố mẹ nai lưng trả nợ; hay trộm cướp, gây trọng án giống trong game…  

Game thủ cả ngày vùi mình trong quán nét. 
Hơn 2000 ngày bị con đày đọa vì nghiện game 
“Trên đời này liệu có ai từng khổ vì con nghiện game như chị?”- câu nói của chị Phan Huệ, người mẹ từng bị stress do phải chịu đựng những suy nghĩ ngày đêm hành hạ khi con nghiện game ở vùng mỏ Quảng Ninh khiến tôi day dứt mãi. 
2h sáng, tôi choàng tỉnh bởi tiếng quát tháo “đưa tiền đây” của con chị Huệ. Tôi vội chạy sang, thấy thằng Hiếu (con chị Huệ) một tay cứ chìa ra lia lịa trước mặt chị, còn mồm vẫn không ngừng lải nhải điệp khúc: “Đưa tiền đây”. 
Đầu tóc nó đỏ hoe, xoăn tít, để dài bờm xờm. Khuôn mặt nó quắt teo, người gầy nhẳng, cao lêu nghêu trông gớm ghiếc như… con vượn. Tôi không nhận ra đó là thằng Hiếu béo trắng, đáng yêu thuở nào… Để giải toả nỗi u uất và không làm mất giấc ngủ của hàng xóm, chị Huệ đành rút 20 nghìn đồng đưa cho con. Thằng Hiếu đứng bật dậy, lao nhanh ra màn đêm như một cái bóng. Đây chỉ là một trong hơn 2 nghìn đêm trước đó mà chị Huệ phải chịu đựng vì con.
 Thằng Hiếu năm nay 19 tuổi, nhưng nghiện game đã 6 năm và bản tính của nó cũng hoàn toàn thay đổi: lầm lì, cáu bẳn, cộc cằn, tình cảm khô khan. Hai năm nó không lên nổi một lớp, chị phải xin cho nó học hệ bổ túc, nhưng được một thời gian nó lại bỏ vì cả ngày và đêm chỉ ở quán nét.
 Chồng mất, một mình nuôi 2 đứa con trai, với chị Huệ đã là cả một gánh nặng tựa núi non. Nhưng thằng Hiếu ngày nào cũng “nã” tiền của chị vài lần nướng vào game, hết tiền lại quay về đòi. Nghe mọi người khuyên, chị không cho. Nhưng nó vật vã như người lên cơn nghiện ma tuý,  quát tháo, chửi mắng mẹ thậm tệ và chửi bới tất cả người thân, hàng xóm nào khuyên can. Có lần nó còn mang cái thớt đặt ra giữa nhà và tuyên bố, nếu không cho nó tiền, nó sẽ chặt đứt 1 cánh tay. Thấy nó lăm lăm con dao phay, chị Huệ run rẩy vét những đồng tiền cuối cùng đưa cho nó… Thằng Hiếu còn đoạn tuyệt cuộc sống đến mức quy đổi tất cả thành tiền: tiền ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, quần áo, sinh nhật, cắt tóc, giày dép… chị phải đưa cho nó để rồi nó nướng hết vào game. 
Trong lúc tuyệt vọng, chị đã phải đến Công an phường nhờ giúp đỡ, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Tôi nghe loáng thoáng bạn bè thằng Hiếu kháo nhau, đẳng cấp game của thằng Hiếu bây giờ đứng đầu ở Quảng Ninh, nó chuẩn bị lên Hà Nội thi đấu với địch thủ khác…
 Những vết trượt không phanh 
Kể từ khi game online xuất hiện, giới trẻ sa đà vào các trò chơi ảo chém giết, kết hôn trên mạng, đã dần quên đi cuộc sống thực tại. Lúc nào không chơi game, chúng như kẻ mất hồn, đờ đẫn, có người còn đòi lao vào ôtô để được chết nếu không có game… 
Trên các diễn đàn mạng, có bà mẹ đã cầu cứu thuốc giải bệnh cho đứa con mới 4 tuổi nhưng đã nghiện game nặng. 

Do không có tiền chơi game, nhóm tội phạm này đã đi cướp giật và bị CA quận Tây Hồ bắt giữ.
 
Tôi từng gặp một người công tác trong ngành “cán cân công lý” nhưng cũng phải bó tay với cậu con trai đã ngoài 20 tuổi nghiện game. Vợ chồng anh vừa phải trả nợ 32 triệu đồng cho con vì cậu này mua sắm ôtô, điện thoại… cho người yêu trên mạng. Vị phụ huynh này cho biết, đây không phải là lần duy nhất họ trả nợ kiểu này cho con. Đã từng chuyển rất nhiều môi trường công tác, ở những nơi làm việc có môi trường và kỷ luật nghiêm ngặt, nhưng vì nghiện game nên chỉ một thời gian cậu này lại bỏ hoặc bị đuổi việc. Để quản lý con, vị phụ huynh này mua máy tính về nối mạng cho nó chơi game. Nhưng cả ngày đêm nó ngồi lì bên máy tính, có lần còn bỏ đi 5 ngày, khi về nghe bố mẹ nhắc thì cáu gắt, lồng lên như con thú dữ. 
Đồng chí Nguyễn Văn Chuyên, Đội trưởng Đội điều tra tội phạm về TNXH Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, tình trạng học sinh, trẻ vị thành niên phạm tội vì nghiện game đang ngày một gia tăng. Có những vụ án cướp giật mà thủ phạm là học sinh, trong giờ học chúng trốn ra ngoài 1-2 tiết, đi cướp giật rồi lại quay về thản nhiên ngồi học bình thường khiến gia đình, nhà trường không hề hay biết. Loại tội phạm này rất nguy hiểm bởi sự liều lĩnh, che giấu việc phạm tội bằng vỏ bọc học sinh. Sự trượt dốc không phanh của một số con nghiện game dẫn đến những hành vi tội ác máu lạnh, đang là điều gây lo lắng trong xã hội hiện nay. 
Theo Trần Hằng/Công an nhân dân

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)