Philippines ngày càng thu hút nhiều sinh viên quốc tế
|
Hàng ngàn sinh viên nước ngoài đang đổ xô vào Philippines để theo đuổi các tấm bằng cử nhân. Nước này hiện thu hút một lực lượng đông đảo sinh viên quốc tế bởi các khóa học có giá rẻ nhưng chất lượng cao, và một “di sản” tiếng Anh phổ biến.
Với hơn 2.100 tổ chức giáo dục nhà nước và tư nhân trên toàn quốc cung cấp hàng loạt các khóa học bằng tiếng Anh và một chính sách thân thiện, rộng mở dành cho người nhập cư khiến Philippines – quốc gia từng là thuộc địa của Mỹ – đang có một sự bùng nổ về ghi danh học tập của sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Theo Cục Di trú nước này, hiện có khoảng 25.000 sinh viên nước ngoài đang được cấp thị thực để học tập tại nước này trong năm nay, con số đó có thể sẽ còn tăng hơn nữa. Chưa kể đến hàng chục ngàn học viên trong các cơ sở nhỏ cung cấp các khóa học ngắn hạn đào tạo tiếng Anh. Hầu hết các sinh viên nước ngoài đều chỉ ra rằng chính trình độ tiếng Anh và sự thân thiện của người Philippines là yếu tố hàng đầu khiến quốc gia này hấp dẫn để học tập. Bên cạnh đó, chi phí cho một khóa học cử nhân bốn năm tại nước này chỉ dao động trong khảng 1.000 đến 2.000 USD/năm, rẻ hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, như Mỹ chẳng hạn – nơi có thể tiêu tốn đến hơn 30.000 USD/năm học mà chất lượng cũng không hề thua kém. Hơn nữa, theo bà Evelyn Songco, Trợ lý Hiệu trưởng Trường Đại học Santo Tomas, chính chất lượng của các cơ sở giáo dục của Philippines đóng tại nước ngoài được công nhận đã tạo một ấn tượng tốt đẹp về chất lượng giáo dục của nước này với thế giới. “Bằng tốt nghiệp của chúng tôi có thể cạnh tranh ở nước ngoài, và các trường đại học Philippines luôn cố gắng giảm học phí phải trả cho học viên nước ngoài. Chúng tôi cung cấp cho họ một nền giáo dục cao với lực lượng giảng viên chất lượng và cơ sở đào tạo tiện nghi” – bà Evelyn Songco nói.
Philippines thừa hưởng tiếng Anh của người Mỹ – những người chiếm quyền Tây Ban Nha cai trị Philippines vào năm 1898. Rất nhiều người Mỹ sau đó đã tỏa ra khắp Philippines để mở các trường học, giảng dạy ngữ pháp tiếng Anh, cách phát âm… khiến người Philippines thấm nhuần một tình yêu dành cho giáo dục và Anh ngữ như là một “di sản” trường tồn đến ngày hôm nay. Edward Ikechukwu, 22 tuổi người Nigeria chia sẻ lý do mình chọn Philippines để học tập là bởi cha anh – một nhà tư vấn trong chuyến công tác đến Philippines đã “khảo sát” qua các trường đại học và rất thích thú trước thực tế tiếng Anh được sử dụng rộng rãi. Hơn nữa: “Học tập tại Philippines giúp tôi có thể mở rộng kiến thức mà không làm suy giảm mấy đến nguồn lực kinh tế của gia đình. Đó là sự đầu tư hiệu quả”, Edward Ikechukwu khẳng định. Còn Beryl France Buendia – một sinh viên người Mỹ hiện đang học tại Trường Đại học Santo Tomas để đeo đuổi chuyên ngành vật lý trị liệu cho rằng tấm bằng của Philippines sẽ không là bất lợi khi cô quay trở lại với thị trường việc làm ở Mỹ. Buendia cho hay: “Tôi tin rằng bằng tốt nghiệp của tôi sẽ cạnh tranh được tại Mỹ”. Lý do để Buendia quyết định ghi danh học tập tại đây là do chi phí. Cô nói: “Cha tôi đã già và mẹ tôi sẽ nghỉ hưu sớm, vì vậy tôi quyết định học ở đây để phù hợp với ngân sách của gia đình”.
Mặc dù Philippines được xem là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, song tỷ lệ biết chữ lại là một trong những nước cao nhất của khu vực với 90%, theo số liệu thống kê của Chính phủ. Những năm 1980, nước này hấp dẫn sinh viên nước ngoài chủ yếu với các chuyên ngành thuộc lĩnh vực dược phẩm và nông nghiệp. Trong thập kỷ sau đó, nền giáo dục tiếp tục bùng nổ với nhiều trường học và cơ sở cung cấp các khóa học ngắn hạn về đào tạo tiếng Anh, hàng không, quản lý khách sạn – nhà hàng và các lớp học liên quan đến hàng hải. Để rồi, vào năm 2000, Chính phủ bắt tay thực hiện chiến lược thúc đẩy Philippines trở thành một “thánh địa” học tập, một trung tâm giáo dục ở châu Á, với chính sách đầu tiên là nới lỏng việc cung cấp thị thực dễ dàng cho sinh viên nước ngoài. Đồng thời thiết lập các chương trình trao đổi giáo dục giữa các trường trong nước và nhiều trường đại học ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Canada và các quốc gia châu Âu khác. Philippines cũng là quốc gia duy nhất tại châu Á còn thực hiện chu kỳ 10 năm cho giáo dục cơ bản. Nhưng Chính phủ nước này cho biết sắp đến sẽ thúc đẩy thực hiện chương trình K12 để thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế.
(Theo Globalnation. inquirer.net)
Ngân Du
Bình luận (0)