Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng TP, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 trường hợp bệnh nhi nhập viện do uống nhầm hóa chất. Thói quen sang chiết hóa chất vào chai nước giải khát, hoặc bất cẩn khi để chai lọ đựng hóa chất trong tầm với của trẻ là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em dễ tiếp cận và uống nhầm.
Để an toàn cho con, phụ huynh không nên sang chiết hóa chất sang chai lọ và luôn để hóa chất xa tầm tay trẻ em |
1 tháng, 20 trẻ nhập viện do uống nhầm hóa chất
20 trường hợp bệnh nhi nhập viện do uống nhầm hóa chất không chỉ là số thống kê trong tháng 3 vừa qua tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, mà theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ (Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Nhi đồng TP), đó cũng là số trung bình ca nhập viện mỗi tháng về tình trạng trẻ gặp tai nạn sinh hoạt, uống nhầm hóa chất gây ngộ độc, suy đa cơ quan nội tạng được điều trị tại bệnh viện này. Ca nhập viện gần đây nhất là trường hợp bé Vương Gia Bảo (17 tháng tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) bị hôn mê sâu do uống nhầm xăng đựng trong chai nước ngọt.
Sự cố xảy ra trong một lần chơi ở sân nhà, thấy chai nước giải khát để ở gốc cây nên Bảo đã lấy uống và rơi vào hôn mê sâu sau đó. Sau khi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Long Khánh (Đồng Nai), Bảo được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 tại Khoa Hồi sức, lọc máu. Tiếp đó em được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng TP để chạy tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy, tổn thương gan và thận, xuất huyết phổi, hôn mê, sau gần một tuần được lọc máu, chăm sóc tích cực, điều trị kháng sinh thích hợp, kết hợp thở máy, nuôi ăn qua tĩnh mạch, phổi của bệnh nhi bắt đầu sáng dần và sức khỏe có tiến triển tốt. Thông tin từ bệnh viện cho biết, tính đến ngày 29-3, bệnh nhi đã được cai máy thở, chuyển về Khoa Tim mạch và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Nói về sự cố đáng tiếc xảy ra với con mình, chị Nguyễn Thị Tuyết thừa nhận đã để cho bé Bảo chơi một mình trong sân nhà. Vì không để ý nên chị không biết con uống lúc nào, cho đến khi thấy bé đột nhiên bị nôn ói, chị mới đến xem và phát hiện miệng con nồng nặc mùi xăng. Sau trường hợp của Bảo, bệnh viện lại tiếp nhận ca mới là một bệnh nhi tên Ngọc (cũng ngụ tỉnh Đồng Nai) uống nhầm nước rửa móng tay (Acetone). Bà Nguyễn Thị Tốt (bà nội bé Ngọc) cho biết, cháu bà gặp nạn là do lỗi của người lớn: “Mấy đứa nó để nước rửa móng tay vào chai nước ngọt, rồi để lẫn vào với các chai nước uống nên tôi đã lấy nhầm cho cháu gái uống. Suốt đời tôi ân hận vì điều này”.
Cần sơ cứu đúng cách
Theo khuyến cáo, để tránh nguy cơ đối với trẻ, phụ huynh cần cất giữ hóa chất trong bình chứa nguyên thủy (có nhãn gốc), không nên sang chiết vào các loại chai lọ hoặc bao bì đựng thực phẩm thông thường để tránh gây nhầm lẫn. Đặc biệt trong mỗi gia đình phải có khu vực bảo quản hóa chất riêng biệt, tránh xa khu vực sinh hoạt chung và luôn nhớ nên để hóa chất xa tầm tay trẻ em. |
BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP) lưu ý, khi phát hiện sự cố trẻ uống nhầm hóa chất, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện. Tuy nhiên, trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế, phụ huynh tuyệt đối không được gây nôn ói cho trẻ, vì như vậy sẽ làm tăng mức độ ngộ độc gây bỏng thực quản khiến trẻ bị tổn thương nặng hơn. Theo BS Phạm Thị Đức Lợi (Khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện Nhi đồng 2), tình trạng trẻ uống nhầm xăng, dầu hoặc các hóa chất khác do cha mẹ đựng trong chai lọ xảy ra rất phổ biến. Trong trường hợp phát hiện trẻ uống nhầm xăng dầu, xà phòng, axít, phụ huynh nên nhanh chóng rửa sạch miệng để mùi hóa chất không kích thích khiến trẻ bị ho. Ngược lại, trong trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất trong nông nghiệp, phụ huynh lại cần nhanh chóng gây nôn cho trẻ với tư thế nằm thấp để tránh sặc vào phổi, hoặc có thể cho trẻ uống than hoạt tính để hấp thụ chất độc, sau đó khẩn trương đưa con đến cơ sở y tế gần nhất.
Nói về mức độ gây hại của hóa chất, tiến sĩ Nguyễn Vinh Tiến (Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm – Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết, mức độ độc hại của hóa chất phụ thuộc vào lượng uống phải hoặc tùy vào đường tiếp xúc. Nếu hóa chất xâm nhập qua đường ăn uống sẽ nguy hiểm hơn khi tiếp xúc qua da. Nếu phân loại về cấp độ thì nguy hiểm nhất là những trường hợp uống phải thuốc diệt cỏ, diệt chuột, thuốc trừ sâu, sẽ bị ngộ độc cấp tính và thậm chí tử vong. Đối với trường hợp uống phải xăng, dầu, thuốc diệt côn trùng, nước rửa chén, nước tẩy rửa móng tay…, mức độ gây ngộ độc cấp tính không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Cuối cùng là trường hợp hóa chất tiếp xúc qua da, tuy mức độ ảnh hưởng thấp nhất nhưng cũng có thể gây ngứa ngáy, bỏng rát, phồng rộp da trẻ em và cả người lớn.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)