Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phản hồi bài “Thầy phải ra thầy” thì “trò mới ra trò” (7-5): 6 yếu tố giúp thầy trở thành “bạn thân” của trò

Tạp Chí Giáo Dục

“Bạn thân” là người bạn thân thiết, luôn gần gũi và hiểu mình, động viên, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với mình như một danh ngôn từng nói: “Có bạn, niềm vui sẽ được nhân đôi và nỗi buồn vơi đi một nửa”.

Qua tâm sự của nhiều học sinh, các em luôn mong muốn  người thầy của mình phải trở thành người “bạn thân”! Một người thầy, vừa là giáo viên lên lớp, vừa là bạn thân của học sinh thì hạnh phúc nào bằng! Người thầy lúc này sẽ được các em tin tưởng, coi như một người “bạn” đúng ý nghĩa để chia sẻ, tâm tình. Nhưng muốn trở thành “bạn thân” của học sinh, cần phải có các yếu tố cơ bản để người thầy tự tin làm bạn với các em:

Một: Mình là người phải thực sự có tâm, yêu nghề mến trẻ; không vụ lợi, biết hài hòa giữa việc nhà và việc trường. Có như vậy cái tâm mới trong sáng, mới có sự bình tâm, sự tự tin của người thầy khi trở thành “bạn thân” của học sinh. Hai: Có lòng yêu thương học sinh thật lòng, không tỏ ra thương hại hoặc ban phát tình cảm. Tình thương đó phải xuất phát từ sự thôi thúc của con tim. Mình thương thực sự trò thì trò sẽ thương mình thực sự; không phải tình cảm bên ngoài hời hợt, thoáng qua. Ba: Phải thấu hiểu, biết lắng nghe học sinh. Tâm sinh lý của học sinh ngày nay khác xa tâm sinh lý học sinh cách đây vài chục năm. Vì vậy, hơn ai hết, người thầy phải tự học, tự rèn để có kiến thức tâm lý lứa tuổi cần thiết nhằm nắm bắt được tâm lý của các em. Từ đó mới hiểu học sinh một cách thấu đáo, khoa học; biết được đâu là hiện tượng, đâu là bản chất để có biện pháp xử lý phù hợp. Bốn: Phải biết đồng cảm, chia sẻ; đặt mình vào vị trí học sinh để cùng trao đổi, trò chuyện, tâm tình. Không phải lúc nào trên lớp học cũng được các em chia sẻ mà có thể là một buổi ngoại khóa, dã ngoại; một góc sân trường giờ giải lao… Sự đồng cảm sẽ tạo cho các em sự yên tâm hơn khi muốn thổ lộ những điều sâu kín với người khác. Năm: Tôn trọng, công bằng, bình tĩnh khi xử lý sự việc, tình huống. Yếu tố này rất quan trọng; không thể có sự mất công bằng ở đây. Có sự tôn trọng, công bằng thì mới tạo niềm tin nơi các em; niềm tin về “bạn thân” của mình. Sáu: Người thầy phải biết “hạ mình” ngồi ngang hàng với các em khi trao đổi, sẻ chia. Khi giảng bài, ngồi nơi bàn giáo viên thì được vì cần thiết tạo khoảng cách thầy – trò. Khi sinh hoạt chủ nhiệm, khi tâm tình thì không nên tạo khoảng cách quá xa.

Nghiêm trang mà gần gũi, thân thiết để học sinh luôn cảm thấy an tâm vì có thầy, có “bạn thân” của mình, có chỗ dựa tinh thần mọi lúc mọi nơi. Sự yêu thương đó của người thầy được thể hiện qua ánh mắt, qua lời nói, cử chỉ và hành động.

Lam Hng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)