Làm thế nào để trẻ em không bị xâm hại lần thứ hai, không ảnh hưởng đến tâm lý, được bảo vệ nhân thân, giữ bí mật đời tư… là những nội dung được các chuyên gia, cán bộ làm công tác trẻ em mổ xẻ.
Trẻ em ăn xin, lang thang cơ nhỡ là một thách thức lớn trong công tác bảo vệ quyền trẻ em
Gần 11.500 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt
Tại Hội nghị chia sẻ thông tin và tham vấn báo chí về công tác truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em do Sở LĐ-TB&XH TP phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tổ chức mới đây, bà Mai Thị Ngọc Mai (Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP), cho biết thời gian qua TP rất quan tâm đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, với một địa phương có dân số đông, TP cũng đang đối diện với nhiều thách thức về số trẻ em lang thang cơ nhỡ, ăn xin, trẻ có nguy cơ lao động sớm, trẻ em bị xâm hại, ngược đãi…
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, TP hiện có 13 triệu dân với 2.052.279 trẻ em (48,8% trẻ em gái). Trong đó có 11.392 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (2.392 trẻ em được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội và 9.000 trẻ em tại cộng đồng).
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em – Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TP) cho biết, hiện có 14 văn bản của TW và TP đã triển khai thực hiện công tác trẻ em. Tuy nhiên, bộ máy nhân sự quản lý Nhà nước và nhân sự tham gia công tác trẻ em chưa đảm bảo. Trình độ học vấn của đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em còn nhiều hạn chế. Cụ thể, trình độ CĐ/TC: 10,4%; trình độ ĐH: 12,2% và sau ĐH chỉ 0,3%. Đáng chú ý là có đến 4,6% cộng tác viên chưa tốt nghiệp THCS, một số người khác không biết đọc, biết viết, chỉ biết ký tên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác bảo vệ trẻ em chưa được như mong muốn.
Đừng để nạn nhân chồng nạn nhân
Nhiều ý kiến cho rằng, bảo vệ quyền trẻ em hiện đang làm ngược với quy trình, thay vì phải phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
Bà Trần Thị Kim Thanh nói: “Đáng lẽ việc can thiệp, hỗ trợ trẻ cần được làm sớm để phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực nhưng công tác này lại làm sau khi trẻ đã bị xâm hại. Dẫn chứng là các vụ bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục xảy ra thì các cơ quan mới vào cuộc”.
Làm thế nào để nạn nhân không bị xâm hại lần thứ hai, không ảnh hưởng đến tâm lý trẻ cũng như bảo vệ nhân thân, bí mật đời tư… là các nội dung được các đại biểu quan tâm.
Ông Nguyễn Lữ Gia (đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam) cho rằng, xâm hại tình dục gây tổn thương lâu dài đối với nạn nhân, gia đình và phẫn nộ trong cộng đồng. Thực tế, tình trạng xâm hại, bóc lột trẻ em rất nhiều nhưng con số đưa ra xử lý thì rất thấp.
Trong 8 giờ phải gửi kiến nghị khởi tố Ngày 10-6, UBND TP đã ban hành quy trình phối hợp hỗ trợ can thiệp, xử lý các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP. Quy trình đã cụ thể hóa trách nhiệm và rút ngắn thời gian xử lý các vụ việc. Theo đó, trong vòng 2 giờ kể từ lúc tiếp nhận thông tin vụ việc, người làm công tác bảo vệ trẻ em ở phường, xã, thị trấn phải báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý tính xác thực của thông tin cho chủ tịch UBND và trưởng ban bảo vệ chăm sóc trẻ em phường, xã, thị trấn; Đồng thời báo cáo nhanh về thường trực ban điều hành bảo vệ chăm sóc trẻ em quận, huyện (phòng LĐ-TB&XH quận, huyện) để phối hợp và triển khai các biện pháp hỗ trợ, can thiệp theo quy định. Trong vòng 8 giờ kể từ thời điểm nhận thông báo và hồ sơ của bệnh viện, cơ sở y tế, chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có thẩm quyền gửi kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan đến cơ quan cảnh sát điều tra công an quận/huyện để xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm. |
Ở góc độ khác, bà Hà Thị Bích Thu (Phó Trưởng phòng 2, Viện Kiểm sát nhân dân TP) chia sẻ: “Trong quá trình tiếp nhận thông tin, xử lý vụ việc cần xem lại quyền nhân thân để tránh những hậu quả đáng tiếc khác. Từ đầu năm 2019 đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân TP đã khởi tố 23 vụ xâm hại trẻ em. Với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, quan điểm của chúng tôi là xử lý khung cao nhất theo luật định”.
Bà Thu nhấn mạnh: “Những đứa trẻ bị xâm hại, người thân của họ không thể thay tên đổi họ, đừng để nạn nhân chồng nạn nhân”.
Để làm tốt công tác truyền thông về quyền trẻ em, ông Trần Công Bình (điều phối viên Dự án bảo vệ trẻ em của UNICEF) cho rằng, việc kết nối truyền thông với các cơ quan đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em là hết sức quan trọng. Sự kết hợp này giúp công tác bảo vệ quyền trẻ em thật sự có hiệu quả, ý nghĩa, góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền trẻ em.
Ông Phạm Đình Nghinh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP khẳng định, việc tuyên truyền rộng rãi về quyền trẻ em là cần thiết. Vì vậy việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ quan bảo vệ trẻ em và báo chí sẽ góp phần mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, phòng ngừa… xâm hại trẻ. Ông Nghinh cũng mong muốn khi phát hiện vụ việc, cơ quan báo chí cũng cung cấp thông tin cho cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ để có đầy đủ thông tin, chính xác để có hỗ trợ, can thiệp, tránh tác động tiêu cực.
T.An
Bình luận (0)