Tự nhận mình quan tâm thái quá đến chuyện ở làng, hàng chục năm qua, ông Đặng Dùng ở làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) đã dày công tìm hiểu và ghi chép lại từng dấu tích lịch sử của làng mình. Ông nói, những giá trị văn hóa, lịch sử của làng biển chỉ rộng tầm 1km vuông này nếu tìm hiểu sâu sẽ thấy đáng giá và cần gìn giữ cho thế hệ sau trước bao biến động của thời cuộc.
Ông Đặng Dùng (bìa phải) trò chuyện cùng các bậc cao niên để hiểu hơn về truyền thống văn hóa của làng biển Nam Ô (Đà Nẵng)
Mỗi góc làng một câu chuyện kể
Bãi biển Nam Ô chiều tháng 5, sóng vẫn dịu dàng vỗ bờ. Những ngư dân miệt mài vá lưới để chuẩn bị kịp chuyến vươn khơi trước hoàng hôn. Người chép lại sử làng Đặng Dùng sải bước chân trên cát, tiếng lạo xạo xen lẫn âm thanh của sóng, của gió luồn qua rặng rừng già bên mép biển, ông ngân nga mấy câu ca dao: “Nam Ô không ở là quê/ Sông sau, biển trước, núi kề một bên”. Bước qua tuổi 73, ông Đặng Dùng vẫn tiếp tục tìm hiểu từng câu chuyện kể thông qua các bậc cao niên đi trước. Lạch cạch gõ bàn phím xuyên đêm để ghi lại những câu chuyện về làng mình.
Sinh ra và lớn lên ngay trong làng biển Nam Ô. Ngày nhỏ, Đặng Dùng thường theo chân ông ngoại trong các cuộc chuyện trò với những người lớn tuổi. Trước người lớn, Đặng Dùng luôn đặt câu hỏi tại sao, có từ bao giờ… mỗi khi bắt gặp một di tích, một câu chuyện văn hóa truyền thống. “Cứ đi tìm tòi, giải mã từng câu hỏi như một thói quen. Từ đó, mình định hình được lịch sử hình thành và quá trình sinh sống của người dân ở mảnh đất bên ghềnh chân sóng này”, ông Dùng nói.
Ông Dùng là họa sĩ bích họa. Trước đó ông từng là ngư dân lênh đênh trên biển. Ông hiểu rõ từng ngóc ngách của làng, của chuyện đi biển. Trong căn phòng khách của ông, ở vị trí trang trọng nhất, ông dành treo tấm ảnh bốn ngư dân đang bủa lưới. Ông Dùng nói, đó là bức ảnh chụp cha ông và các bạn nghề trong một lần đánh cá trên biển Nam Ô được một người Mỹ ghi lại vào năm 1965. Qua tháng năm, nghề đánh cá đổi thay tiếp cận với đời sống hiện đại nhưng chính những phương thức đánh cá xưa lưu giữ hồn cốt một làng chài cổ Nam Ô. Đó là niềm tự hào của người con làng biển.
Ở tuổi 73, ông Dùng vẫn mê đọc sách. Mỗi lần phát hiện được các chi tiết, câu chuyện liên quan về Nam Ô, ông đều dừng lại ngẫm nghĩ, nghiên cứu rồi tìm tài liệu đối chiếu. Từ đó hình dung ra lịch sử hình thành. Để có thêm sự am hiểu tường tận, ông Dùng mày mò học chữ Hán – Nôm. Với vốn từ học được, ông đọc sách, dịch các từ viết trên các di tích miếu mạo, giếng… Rồi tìm được cuốn sách nào nói về làng, ông lập tức đối chiếu để có chứng cứ xác thực từ những câu chuyện truyền miệng mà ông từng nghe được từ người lớn.
Ông Dùng cho biết, Nam Ô, ngoài các di tích lịch sử miếu mạo, đền thờ Huyền Trân Công Chúa, làng nghề nước mắm truyền thống nổi tiếng hay nghề làm pháo nổ xa xưa, còn có những cái giếng cổ. “Nam Ô chỉ rộng tầm 1km vuông nhưng có tới 8 cái giếng vuông. Những cái giếng này được ghép kỳ công từ những tấm đá thanh trên những mạch nước ngầm trong veo và ngọt mát. Các bậc cao niên cho rằng, xưa kia giếng được khắc thời gian trên thành và đến nay có tuổi đời khoảng 300 năm. Qua thời gian nhiều lần trùng tu của bà con, mốc thời gian bị vôi vữa che khuất. Nhiều người cho rằng giếng này của Chăm Pa, một số khác lại bảo của người Đại Việt. Theo ông Dùng, dù chưa thực hư nguồn gốc chính xác nhưng những cái giếng biểu hiện một đời sống tấp nập nơi làng biển một thuở.
Ước mơ in sách chuyện sử làng
Vài năm trước, làng biển Nam Ô được quy hoạch một phần để phát triển du lịch. Làng nhường phía mặt biển lại cho doanh nghiệp đầu tư. Người dân nối với biển thông qua những con đường bê tông rẽ xuống biển thay vì thoải mái ngắm nhìn sự tấp nập trên bãi biển ngay trong sân nhà mình như trước đó. Thuyền bè ngày một thưa vắng hơn. Lo công cuộc bê tông hóa làm phai mờ dấu tích. Yêu làng biển. Qua tháng năm tìm tòi, ông Dùng ghi lại thành từng bài nghiên cứu, kể chuyện về làng mình. Hàng chục bài viết được ông dày công viết nên và được đăng tải trên các tờ báo đã được tập hợp lại thành sách. Ông Dùng nói, mỗi câu chuyện kể đều gắn liền với làng biển Nam Ô như: giếng cổ, núi cấm rừng thiêng ở mỏm Hạc, chuyện mộ Tiền hiền Triệu Cơ, ngôn ngữ làng biển qua các bài vè, bài khấn trong các lễ hội làng mang đậm văn hóa xứ biển… “Tôi đã tập hợp các bài báo thành cuốn sách dày 400 trang. Tôi mong sách được hỗ trợ in ấn để giữ lại cho con cháu mai sau. Lịch sử là câu chuyện cần sự tiếp nối. Nếu để đứt đoạn sẽ dễ lãng quên hoặc nhạt nhòa”, ông Dùng trải lòng.
Làng chài cổ Nam Ô nằm dưới chân đèo Hải Vân. Với nghề biển và nghề nước mắm trứ danh, Nam Ô bây giờ vẫn lưu giữ các nét văn hóa đặc trưng của một làng biển sầm uất thuở xa xưa. Năm 2019, nghề nước mắm truyền thống của Nam Ô được xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2020, cụm di tích tâm linh của làng biển Nam Ô gồm: Giếng làng, Dinh Cô hồn, Lăng Ông, Đình làng Nam Ô, miếu bà Liễu Hạnh, Nghĩa trũng Nam Ô… được UBND TP.Đà Nẵng xếp hạng di tích cấp tỉnh/thành phố. |
Điều làm ông vui nhất là công cuộc quy hoạch vẫn giữ lại khá đầy đủ các di tích cho Nam Ô như Lăng Ông, miếu Bà Liễu Hạnh. Nhưng điều quan trọng nhất với ông vẫn là giá trị văn hóa tinh thần của một làng biển cổ xưa mà cha ông để lại và được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Làm sao để du khách biết đến một Nam Ô với bề dày truyền thống, để mỗi người con Nam Ô cảm thấy tự hào hơn khi nhắc đến tên đất tên làng của xứ sở mình. Du lịch như thế mới bền vững.
Như một nỗ lực để ghi lại sử làng, ông Dùng lặng lẽ với việc đọc sách, tìm tòi, nghiên cứu và ghi lại. Ở tuổi thất thập, ông vẫn cọc cạch gõ bàn phím mỗi đêm. “Ở tuổi này rồi tôi không nghĩ sẽ làm gì cho riêng mình mà là phải làm điều gì đó cho vùng đất này, cho con cháu mai sau tự hào về Nam Ô làng cổ của mình”, ông Dùng bộc bạch.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)