Năm 2023, TP.HCM thực hiện mục tiêu xây dựng nền công vụ trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả. Đây được xem là một trong những nội dung quan trọng, có vai trò quyết định trong việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC) thành công, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp… Nội dung này được đề cập trong chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” số tháng 3-2023 với chủ đề “Trách nhiệm công vụ – Cải cách thủ tục hành chính”, do HĐND TP.HCM vừa tổ chức.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại đơn vị ở TP.HCM. Ảnh: IT
Năm 2022, các sở ban ngành, UBND cấp huyện, xã nhận giải quyết là 22.343.787 hồ sơ, trong đó hồ sơ giải quyết đúng hạn chiếm 99,84%, tăng 0,3% so với 2021, chỉ có 0,16% hồ sơ giải quyết quá hạn.
Còn công chức chưa biết nhận sai
Cử tri Bảo Phạm cho biết, người dân rất phấn khởi khi UBND các phường, xã được trang bị cơ sở vật chất khang trang, hiện đại vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện hệ thống lại bị quá tải. Đường truyền thường xuyên bị lỗi khiến người dân phải chờ đợi rất lâu.
Về vấn đề này, một số cử tri khác cũng chia sẻ, những lúc máy treo, dữ liệu mất buộc cán bộ phải nhập lại. Mỗi hồ sơ có thể mất đến 30 phút gửi lên hệ thống. Thực trạng này cần khắc phục và đồng bộ hệ thống dữ liệu giữa các ban ngành để tránh các trang website chồng chéo, cán bộ không phải thao tác nhiều lần với một thông tin, từ đó mới rút ngắn thời gian cho các loại thủ tục.
Về trách nhiệm công vụ, nhiều cử tri bày tỏ không hài lòng trước thái độ phục vụ và văn hóa giao tiếp của một số công chức. Cử tri Nguyễn Nho Tình (Q.3) cho biết, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức còn bị xem nhẹ. Thái độ công chức còn cau có, thiếu ân cần với người dân. Mặt khác, việc thanh tra công vụ chưa chú trọng đến thanh tra văn hóa giao tiếp dẫn đến có nơi, có chỗ chưa nghiêm chỉnh thực hiện.
Cử tri Phạm Thị Nga (Q.6) cũng cho biết, thái độ của một số công chức còn rất nặng nề. Khi hành động hoặc có lời nói xúc phạm nhưng không biết nhận lỗi, thậm chí họ còn cho rằng điều đó là mặc nhiên trong lúc giải thích với người dân. Chưa kể, quá trình làm việc còn phiền hà, người dân vẫn phải đi lại nhiều lần. Khi người dân quay lại thì đùn đẩy trách nhiệm cho người khác giải quyết. Trong công việc, khi cần công chức gọi người dân lên nhưng lại không biết nói lời cảm ơn sau khi người dân đã hỗ trợ.
Bà Nga tâm tư, thái độ của đội ngũ công chức trong thi hành công vụ chưa được thực hiện tốt. Bà Nga cho rằng, đội ngũ công chức cần biết 3 điều, đó là biết nhận sai, biết xin lỗi và biết nói lời cảm ơn.
Theo các cử tri, đội ngũ công chức nên thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách địa phương, tạo điều kiện cho người dân tham vấn các vấn đề về quy chế, chính sách để người dân kịp thời nắm bắt, nhận thức đúng. Cán bộ, công chức nên tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri nhằm giải trình cho người dân hiểu các vấn đề thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình cũng như những khó khăn.
Cử tri Vũ Chung Sức (Q.Bình Tân) cho rằng, một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả của cải cách TTHC, thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức là chỉ số về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đánh giá ở các cơ quan có nhiều cách khác nhau. Nơi thì lấy ý kiến qua phiếu, quét mã QR, nơi thì đánh giá tại quầy tiếp nhận.
“Thiết nghĩ, TP nên có sự thống nhất trong đánh giá để tạo sự công khai, minh bạch”, cử tri Sức đề xuất.
Sẽ kiểm tra đột xuất trong thực hiện công vụ
Ông Huỳnh Thanh Nhân – Giám đốc Sở Nội vụ TP – cho biết, trong những năm qua, TP có sự tập trung quyết liệt trong thực hiện CCHC nói chung và trong công tác cải cách TTHC nói riêng. Tuy nhiên, các kết quả chưa đạt được sự mong muốn của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt của người dân, tổ chức trên địa bàn TP.
“Bình quân một năm TP giải quyết hơn 20 triệu TTHC, tỷ lệ đúng hẹn trên 99%. Tuy tỷ lệ không đúng hẹn tính tỷ lệ % thì rất nhỏ nhưng nói về con số lại là lớn, với hơn 25.000 TTHC trễ hẹn”, ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, năm 2023 và những năm tiếp theo, đặc biệt 2023 là năm nâng cao hiệu quả trách nhiệm công vụ và đẩy mạnh CCHC. Hai nội dung này chung quy vẫn là vấn đề con người và công tác cán bộ. TP đã ban hành quy định về văn hóa ứng xử trong các cơ quan hành chính Nhà nước đối với trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Đối với trách nhiệm của ngành nội vụ và thủ trưởng các sở ngành, chủ tịch UBND các cấp sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra công vụ, đặc biệt là thực hiện văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính.
Về phía TP, cũng thành lập tổ kiểm tra liên ngành, theo đó sẽ xử lý, nhắc nhở trách nhiệm trước hết đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước nếu có vi phạm.
Để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vấn đề về thái độ, trách nhiệm, ứng xử trong giải quyết TTHC, những phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân, ông Nhân cho biết, TP sẽ chú trọng kiểm tra đột xuất. TP cũng đang đổi mới toàn diện trong tuyển dụng công chức, viên chức bằng thi vấn đáp để phù hợp với vị trí, năng lực chuyên môn, kể cả tư tưởng, phẩm chất của công chức khi được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước.
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP – nhấn mạnh, gốc rễ mọi vấn đề, trong đó giải quyết TTHC cho người dân vẫn là con người, là cán bộ. Nhiều năm qua, TP làm rất nhiều việc về CCHC để nâng cao hiệu quả hoạt động nhưng vẫn còn phàn nàn trong dân. Cải cách trước tiên phải nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đây là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất. Trách nhiệm công vụ thể hiện ở trách nhiệm thực thi và trách nhiệm tham mưu đề xuất. Với 2 trách nhiệm này, trước đây đội ngũ công chức TP rất năng động, sáng tạo, nỗ lực làm bằng nhiều cách để giải quyết cho được hồ sơ của người dân. Hiện phong cách này vẫn còn nhưng có lúc, có nơi, có người chùn bước, không còn hăng hái, tích cực, thậm chí có những trường hợp không dám đề xuất. “Đây là thực tế hiện nay cần phải có giải pháp chấn chỉnh”, ông Hoan nói.
Cũng theo ông Hoan, TP đã chỉ đạo nhiều việc, trong đó có việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu sở ngành, quận huyện trong từng quý trên cơ sở giải quyết những vấn đề tồn đọng hiện nay. Đánh giá hiệu quả công tác của đội ngũ công chức trên cơ sở giải quyết dứt điểm hơn 20.000 hồ sơ còn tồn, bên cạnh hồ sơ mới phải giải quyết nhanh.
“Dứt khoát không để tình trạng công việc không chạy nhưng vẫn đánh giá cao những người đứng đầu sở ngành, quận huyện. Không để tình trạng hồ sơ nằm trong các cơ quan mà người dân hỏi thì công chức không biết đó là cái gì, không thể trả lời cho người dân, doanh nghiệp”, ông Hoan nhấn mạnh.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)