Sáng 1-1-2023, tại tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2) và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Trung tâm Quảng Ngãi (chụp qua màn hình)
Lễ khởi công do Bộ GTVT phối hợp cùng UBND 9 tỉnh tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại 3 điểm cầu Trung tâm đặt ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hậu Giang và 9 điểm cầu khác đặt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau.
Ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề nghị những giải pháp cần thiết để dự án thi công đúng tiến độ
Dự lễ tại điểm cầu trung tâm ở tỉnh Quảng Ngãi có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự lễ tại điểm cầu Trung tâm ở tỉnh Hậu Giang. Dự lễ khởi công tại các điểm cầu còn lại có các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành; bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh có tuyến đường đi qua.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 có tổng chiều dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố gồm các đoạn: Hà Tĩnh – Quảng Trị dài 267 km; Quảng Ngãi – Nha Trang dài 353 km; Cần Thơ – Cà Mau dài 109 km; có tổng mức đầu tư hơn 146.990 tỉ đồng.
Dự án chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Đến nay mặt bằng của toàn bộ 12 dự án thành phần đã được bàn giao 70%, đáp ứng yêu cầu khởi công.
Riêng dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 đi qua 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau với tổng chiều dài 109km, tổng diện tích thu hồi là 761ha, tổng số dân bị ảnh hưởng là 3.857 hộ, tổng số hộ được bố trí tái định cư là 973 hộ. Trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang là 63,6km (chiếm 57% toàn tuyến), với 2.067 hộ dân bị ảnh hưởng, 10 tổ chức phải di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, với tổng diện tích đất thu hồi là 361,5ha.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự lễ tại điểm cầu Trung tâm ở Hậu Giang
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đại diện các địa phương vùng ĐBSCL, thông tin: Nghị quyết 18 của Chính phủ giao địa phương tiến hành thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng 70% diện tích trước ngày 20-11-2022 (tương đương diện tích phải bàn giao mặt bằng 532ha). Các địa phương thuộc khu vực dự án đi qua đều xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của năm 2022 và triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp, như: Các tỉnh, thành thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) bồi thường, hỗ trợ và tái đinh cư do đồng chí bí thư tỉnh ủy và bí thư thành ủy làm trưởng ban để điều hành, chỉ đạo nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện;
Ban hành kế hoạch phân công gắn với trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và địa phương có dự án đi qua; Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung tuyên truyền vận động để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng sớm hơn thời gian quy định; Chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư triển khai thực hiện theo phương châm: “Khẩn trương, chắc chắn, hoàn thành dứt điểm”.
Với tinh thần đó, toàn dự án Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau đã bàn giao mặt bằng đạt 94,1/109km (85%). Riêng tỉnh Hậu Giang bàn giao mặt bằng vượt tiến độ và sớm hơn so với chỉ đạo của Chính phủ, với diện tích bàn giao đạt 90% diện tích phải thu hồi, tương đương 324ha/361,5ha.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị: “Về trách nhiệm của các tỉnh, thành phố nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi đề nghị các sở, ban ngành, địa phương và kêu gọi nhân dân có dự án đi qua tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án đảm bảo hoàn thành theo tiến độ đề ra, sớm đưa dự án vào sử dụng để từng bước hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước và vùng ĐBSCL; tạo làn sóng mới trong thu hút đầu tư, góp phần vào sự phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương nhấn nút khởi công dự án cao tốc Bắc – Nam tại điểm cầu trung tâm Hậu Giang
Tôi cũng đề nghị chủ đầu tư cùng các nhà thầu bố trí nhân lực hợp lý, có năng lực kỹ thuật cao, đủ trang thiết bị tổ chức thi công; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, khắc phục khó khăn, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công để triển khai công trình theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, an toàn lao động”.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ý nghĩa của dự án: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM, đi qua 32 tỉnh, thành phố, địa bàn; chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước. Tuyến đường có quy mô rất lớn, có vai trò động lực, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành nhiều khu công nghiệp, đô thị mới: “Nhà nước đã ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến cao tốc xương sống này, đang đẩy nhanh tiến độ 11 dự án thành phần dài 654 km và khởi công 12 dự án thành phần dài 729 km để nối thông suốt toàn tuyến… Yêu cầu đặt ra với chủ đầu tư cùng các nhà thầu là phải đảm bảo tiến độ; không tăng mức đầu tư, đội vốn; đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật; không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; tuân thủ nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, thưởng – phạt nghiêm minh; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; tinh thần đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, thực hiện phải có hiệu quả" – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý II/2023. Đặc biệt quan tâm công tác tái định cư, hỗ trợ để người dân có đất thu hồi cho dự án, có nơi ở mới, có đất sản xuất hoặc công việc ổn định, điều kiện sống từ bằng và tốt hơn nơi ở cũ. Các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành cấp phép ngay cho các nhà thầu về khai thác các mỏ về nguyên liệu xây dựng, để có đủ nguyên vật liệu phục vụ kịp thời và đảm bảo tiến độ thi công của dự án.
Đan Phượng
Bình luận (0)