Dù chưa từng gặp mặt, nhưng cách họ nghĩ và làm lại rất giống nhau. Từ nhiều năm nay, bằng tấm lòng của mình, họ nghĩ và hành động để những người xa lạ đang bệnh tật, khó khăn có được bữa ăn no, có phương tiện mưu sinh, có xe cứu thương kịp thời đưa đi cấp cứu, thậm chí có cỗ áo quan để ấm lòng khi nhắm mắt.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ nhiệm CLB Hội mẹ truyền thống quận 1 (trái), thăm hỏi sức khỏe một hộ nghèo tại phường Đa Kao.
Tất bật vì những người yếu thế
“Alô, đội xe nhân đạo xã Long Hòa nghe. Xin hỏi địa chỉ cần giúp”, giọng anh Võ Phong Thắng, Đội trưởng Đội xe nhân đạo xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, tỏ ra khá vội vàng khi có người gọi đến số điện thoại đường dây nóng của đội. Khi biết chúng tôi gọi đến không phải để được giúp đỡ, anh Thắng mới thong thả trở lại.
Anh Thắng cho biết, năm 2018, một người hàng xóm gần nhà anh bị đau phải đi cấp cứu. Cuốc xe cứu thương từ Cần Giờ đến bệnh viện hết 1,5 triệu đồng. Ngặt nhất là thời gian chờ xe tới rất lâu, cộng thêm đoạn đường di chuyển từ Cần Giờ đi vào các bệnh viện trong nội thành tương đối xa nên nhiều người bị vuột mất “thời gian vàng” trong điều trị. “Lúc đó tôi nghĩ, nếu có xe cứu thương ở ngay huyện thì bà con sẽ đỡ lắm. Tôi đem chuyện này bàn với anh em cùng là dân lái xe. May mắn là được mọi người ủng hộ và góp tiền mua một chiếc xe cứu thương trị giá hơn 650 triệu đồng”, anh Thắng kể. Đến nay, anh Thắng và các thành viên trong Đội xe nhân đạo xã Long Hòa đã chuyển viện kịp thời hơn 400 ca bệnh, trong đó 388 ca bệnh được cứu sống.
Ở một “mặt trận” khác, anh Nguyễn Đức Tài (phường Phước Long B, TP Thủ Đức), một thành viên của Câu lạc bộ (CLB) tình nguyện săn bắt cướp, cũng tất bật với các cuộc gọi và chuyến đi. Trước đây, anh Tài tham gia nhóm bạn giao thông, chủ yếu hỗ trợ các bác tài khi gặp sự cố. Chứng kiến tình trạng trộm cắp, cướp giật xảy ra nhiều nên anh quyết định hỗ trợ lực lượng công an giúp người dân tìm lại tài sản, truy tìm các đối tượng gây án. Năm 2019, anh thành lập CLB tình nguyện săn bắt cướp, phòng chống tội phạm, tập hợp các anh em nghĩa hiệp tham gia hỗ trợ người dân.Đến nay, CLB đã tập hợp hơn 90 thành viên ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM và trong cả nước.
Thành phố nghĩa tình
“Chú muốn ra bến xe để về quê phải không? Chú có xe đón chưa? Không thì lên đây con chở giúp cho. Miễn phí nha chú!”. Thấy người đàn ông đang đứng trước cổng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (quận 5) vẫn còn vẻ lưỡng lự, em Trần Khánh Tường, sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, tiếp lời: “Con là sinh viên trường y kế bên. Sau giờ học con chạy xe ôm để có thêm chi phí, nhưng một số cuốc xe chở người bệnh bên này con chạy miễn phí. Chú an tâm nha!”. Khi nghe những lời này, người đàn ông với chiếc áo sờn vai mới an tâm leo lên chiếc xe và ngồi phía sau Tường. Đã nhiều năm nay, Tường không đếm hết số người em đã chở giúp. Chỉ biết, khi thấy khách lớn tuổi, hoàn cảnh có vẻ khó khăn, hay trong lúc chạy xe, hỏi thăm biết được hoàn cảnh người bệnh, em không nhận chi phí cuốc xe của mình. Với chiếc xe máy được người cô hỗ trợ, ngày ngày trên đường Tường đi từ huyện Cần Giờ đến trường, em nhận vài cuốc xe để kiếm tiền xăng. Sau giờ học, em lại chạy xe ôm để có thêm thu nhập và để chở giúp người khó khăn. “Mình khó khăn, nhưng vẫn còn nhiều người khổ hơn mình, nên trong khả năng của em, chia sẻ được gì cho mọi người thì em góp sức”, Khánh Tường bày tỏ.
Ngay trung tâm quận 1, ở góc con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, là nơi bán bánh mì của bà Nguyễn Thị Thúy Phượng (71 tuổi). Xe bánh mì là phương tiện mưu sinh của bà 6 năm nay, do CLB Hội mẹ truyền thống phường Đa Kao (quận 1) trao tặng. Nhờ đó, ngày ngày bà Phượng kiếm được ít tiền lời để lo ăn uống và thuốc thang khi đau bệnh. Không chỉ bà Phượng, nhiều gia đình khó khăn tại quận 1 cũng nhận được phương tiện sinh kế do CLB Hội mẹ truyền thống quận 1 trao tặng. Từ chiếc “cần câu” ấy, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ nhiệm CLB Hội mẹ truyền thống quận 1, cho biết, CLB có hơn 620 hội viên. Dù tuổi cao, nhưng các thành viên đều là lực lượng nòng cốt trong các tổ tư vấn cộng đồng ở 66 khu phố. Từ đó góp phần làm tốt công tác hòa giải ở khu dân cư, cũng như giáo dục, nâng cao nhận thức, giao tiếp cho thế hệ trẻ.
Hiểu nhiều gia đình có con trúng tuyển nghĩa vụ quân sự còn nhiều tâm tư, các thành viên của CLB thường đến nhà, gặp gỡ, lắng nghe nỗi lo của những người mẹ để từ đó có sự phân tích, khuyên giải. Chính nhờ sự tích cực của các thành viên CLB, công tác tuyển quân của quận 1 luôn đạt chỉ tiêu đề ra. Sau đợt dịch Covid-19, thấy nhiều học sinh trên địa bàn thiếu thiết bị học tập, các thành viên CLB gom góp để tặng máy tính bảng, tập sách, học bổng để các em có thêm điều kiện bước tiếp trên con đường học tập.
“Quán cơm miễn phí” của bà Nguyễn Thị My (70 tuổi) và chồng là ông Trần Văn Hồng (86 tuổi) trên đường Nguyễn Văn Đậu (phường 11, quận Bình Thạnh) đã quá quen thuộc với người khó khăn, nhất là người khuyết tật bán vé số, nhặt ve chai, xe ôm… Hơn 3 năm trước, khi từ Cần Thơ lên TPHCM chữa bệnh, vợ chồng bà My được nhiều người hỗ trợ, giúp đỡ. Để trả ơn cho đời, ông bà quyết định thuê mặt bằng mở quán cơm chay, trước là bán, sau là tặng miễn phí người khó khăn. “Vợ chồng tôi thấy ân tình của thành phố này thật bao la và ấm áp. Vậy là chúng tôi nghĩ mình cần đóng góp một chút gì đó cho xã hội, cho người khó khăn hơn”, bà My tâm sự. Hàng ngày, từ 3 giờ sáng, ông bà đã dậy cắt gọt rau củ và trực tiếp nấu cơm để kịp đến 10 giờ có 100 suất cơm tặng miễn phí người khó khăn.
|
THÁI PHƯƠNG (theo SGGP)
Bình luận (0)