Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận, để thầy cô, nhà trường thuận lợi trong đổi mới giáo dục thì rất cần đến sự hỗ trợ, chung tay, đồng hành, chia sẻ của phụ huynh và xã hội. Tháo gỡ cho thầy cô những áp lực nằm ngoài chuyên môn; chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành với nhà trường trong việc giáo dục học sinh…
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu
+ Phóng viên: Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Bước sang năm thứ 3, Chương trình vẫn được đánh giá gặp nhiều khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp…, ông nhìn nhận về những khó khăn này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Tại TP.HCM, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 gặp nhiều áp lực. Sĩ số học sinh cao, liên tục gia tăng theo hàng năm, cơ sở vật chất trường lớp chưa theo kịp khiến việc tổ chức giảng dạy đối với giáo viên gặp nhiều khó khăn.
Ở bậc tiểu học, tỷ lệ 2 buổi/ngày đối với các khối lớp theo học Chương trình mới chưa đảm bảo. Ở nhiều quận, huyện tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp, sĩ số học sinh/lớp còn cao, trở thành rào cản, áp lực, khó khăn khi thầy cô giáo đứng lớp giảng dạy theo hướng đổi mới phương pháp, dạy học phát triển năng lực học sinh.
Ngoài ra, với bậc tiểu học rào cản thực hiện Chương trình mới còn đến từ sự chưa đồng bộ ở những quy định đối với 2 chương trình, cũng là một trong những tác động khiến cho việc giảng dạy của thầy cô gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, những khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2006 thì nhà trường được phép thu tiền khi tổ chức giảng dạy 2 buổi/ngày, trong khi đó với các khối lớp, thầy cô giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018 thì không được.
Ở bậc THCS, bước sang năm thứ 2 Chương trình GDPT 2018 triển khai ở khối 6, 7, khó khăn gặp nhiều ở đội ngũ giáo viên giảng dạy các bộ môn tích hợp: Khoa học tự nhiên; Lịch sử địa lý. Từ việc được đào tạo đơn môn, chỉ sau một thời gian tập huấn, bồi dưỡng ngắn, thầy cô đã phải đứng lớp đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy đa môn. Do vậy, lúng túng, khó khăn là không tránh khỏi.
Đối với bậc THPT, năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở khối lớp 10, thực tế cho thấy các nhà trường, giáo viên gặp nhiều khó khăn ở thời gian đầu khi tổ chức thiết kế các nhóm môn học lựa chọn theo Chương trình mới, việc sắp xếp giáo viên ở một số bộ môn mới. Đặc biệt là sự chuyển đổi phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá để phù hợp với mục tiêu chương trình…
Đặc biệt, việc thiếu giáo viên đứng lớp một cách cục bộ ở các khối lớp theo tình hình chung của ngành giáo dục cả nước cũng tác động mạnh đến việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Thiếu giáo viên, nhiều thầy cô phải “choàng vai”, kiêm nhiệm nhiều vai trò, nhiệm vụ.
TP.HCM gặp nhiều áp lực khi triển khai Chương trình GDPT 2018
+ Trước những khó khăn đó, để chương trình được triển khai một cách hiệu quả nhất, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có những hướng gỡ khó như thế nào cho đội ngũ, thưa ông?
– Để Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả, từ rất sớm TP.HCM đã có những lộ trình chuẩn bị. Từ việc bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cho đến xây dựng, chuẩn bị cơ sở vật chất.
Tính đến thời điểm này, trung bình các địa phương đã đạt 297 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học so với chỉ tiêu 300 phòng học mà TP đặt ra. Ở nhiều quận, huyện con số này còn vượt chỉ tiêu ở mức cao như quận 1, Phú Nhuận, quận 3, quận 11… Điều này phải kể đến sự nỗ lực rất lớn của TP, của từng địa phương, quan tâm, chăm lo cho giáo dục trước những khó khăn về quỹ đất, nguồn ngân sách…
Bên cạnh việc chuẩn bị về trường, lớp, cơ sở vật chất thì đội ngũ giáo viên được TP đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, tập huấn. Đặc biệt, tự bản thân mỗi thầy cô cũng nhận thức rất rõ vai trò của đổi mới khi thực hiện Chương trình mới nên đã rất nỗ lực tự làm mới mình, học tập nâng chuẩn, tự học thay đổi phương pháp, mạnh dạn ứng dụng CNTT trong giảng dạy.
Đối với riêng các môn học mới như tích hợp ở bậc THCS, Sở GD-ĐT TP.HCM đã sớm phối hợp với các trường đại học có đào tạo giáo viên tại TP.HCM để tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên đơn môn, đảm bảo đủ số lượng thầy cô đứng lớp. Song song đó, sở cũng tiến hành đặt hàng giáo viên các bộ môn này và giáo viên ở một số môn như tiếng Anh, tin học khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 với ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm TP.HCM.
Với những khó khăn của thầy cô trong quá trình triển khai thời gian qua ở các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ. Bắt đầu từ HKII năm học này, Phòng Trung học sẽ tổ chức các khóa, lớp tập huấn, bồi dưỡng cho thầy cô giảng dạy các bộ môn tích hợp ở bậc THCS. Các khóa này sẽ được tổ chức liên tục, thường xuyên, vừa bồi dưỡng chuyên môn cho thầy cô, vừa gỡ khó kịp thời những vấn đề thầy cô đang gặp phải, giúp thầy cô vững tay hơn khi đứng lớp giảng dạy…
Ngoài ra, TP cũng sẽ tiếp tục tham mưu để phấn đấu các quận huyện, TP.Thủ Đức sớm đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, giảm áp lực về trường lớp, nâng cao tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, đảm bảo 100% học sinh tiểu học học Chương trình GDPT 2018 được học 2 buổi/ngày.
+ Sau 3 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, câu chuyện đổi mới giáo dục vẫn là câu chuyện “nóng bỏng”. Ông nhìn nhận vấn đề này tại TP.HCM như thế nào, thưa ông?
– Đổi mới giáo dục hiện nay không chỉ là vấn đề thời cuộc mà còn là vấn đề cấp bách trong giáo dục hiện nay, nhằm giúp thầy cô đứng lớp với tâm thế nhẹ nhàng, học sinh được hưởng lợi nhiều nhất.
Thời gian qua, đổi mới giáo dục tại TP.HCM đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực trong việc thay đổi môi trường giáo dục, chất lượng giáo dục. Những giờ học không còn chỉ bó hẹp trong sách vở và không gian lớp học mà được đổi mới, sáng tạo với nhiều hình thức, thầy cô đã thoát ly ra ngoài sách giáo khoa, đưa những kiến thức thực tế vào trong giờ học…
Đổi mới giáo dục là cần thiết, là điều mỗi thầy cô đều phải thực hiện khi đứng lớp hiện nay để đáp ứng mục tiêu của chương trình song điều này không có nghĩa là chúng ta đổi mới một cách nóng vội, hấp tấp, vội vàng. Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục có những hỗ trợ về chuyên môn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn về chuyên môn cho thầy cô để mỗi giáo viên, mỗi nhà trường đổi mới một cách thực chất, vững vàng, mạnh dạn hơn khi đổi mới…
Mặc dù vậy, để thầy cô, nhà trường thuận lợi trong đổi mới giáo dục thì rất cần đến sự hỗ trợ, chung tay, đồng hành, chia sẻ của phụ huynh và xã hội. Mong xã hội nhìn về giáo dục với cái nhìn thấu cảm, xây dựng thay vì phán xét. Tháo gỡ cho thầy cô những áp lực nằm ngoài chuyên môn; chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành với nhà trường trong việc giáo dục học sinh…
+ Xin cảm ơn ông!
Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)