Thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp tập trung nguồn lực để sản xuất, kinh doanh đảm bảo tiến độ đơn hàng. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng mạnh và có nhiều chế độ đãi ngộ để giữ chân lao động.
Để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang lo thiếu lao động
Nhận định của các doanh nghiệp, so với thời điểm trước dịch Covid-19, năm nay nguồn lao động khan hiếm, nhất là lao động lĩnh vực thương mại, dịch vụ phục vụ thị trường cuối năm.
Lo thiếu lao động
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Toàn Phát (TP.HCM) cho biết, thời điểm cuối năm nhiều doanh nghiệp cần lao động để thực hiện kế hoạch năm nhưng cũng không quá lo. “Nguồn cung lao động lớn so với đầu năm 2022 và cuối năm 2021. Hơn nữa, người lao động không muốn thay đổi công việc ở thời điểm cận Tết để đảm bảo nhận đủ các khoản lương, thưởng và phụ cấp”, bà Quỳnh Anh lạc quan.
Cũng theo bà Quỳnh Anh, mặc dù cần lao động đảm bảo tiến độ sản xuất kinh doanh nhưng do đặc thù của doanh nghiệp, tuyển dụng lao động thời vụ để không phải gánh nặng chi phí, nhất là phải giải quyết lao động dôi dư thời điểm sau Tết khi đơn hàng giảm.
Tuy nhiên, tuyển lao động thời vụ cũng không dễ và để giữ chân họ làm việc ổn định đến Tết, không ít doanh nghiệp đã đề ra mức thưởng Tết từ 2-3 triệu đồng/ lao động nếu làm việc đủ 3 tháng. Ngoài khoản thưởng này, công ty còn sẽ xem xét hỗ trợ tiền vé tàu, xe cho lao động về quê ăn Tết. Ông Nguyễn Trần Bảo – đại diện Công đoàn Công ty TNHH MTV Nam Hà lý giải, dù có những điều khoản ràng buộc lao động thời vụ nhưng vẫn có tình trạng bỏ việc giữa chừng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do vậy, doanh nghiệp đã đưa ra các chính sách để thu hút lao động, đảm bảo ổn định trong thời gian cao điểm sản xuất kinh doanh.
“Số lao động thời vụ tuyển vào trước Tết sẽ thay thế một phần lao động cố định có thể nghỉ việc sau đó vì thông thường, sau Tết có sự biến động do nhảy việc hoặc vì nhiều lý do khác. Kinh nghiệm từ các năm trước, nếu không chuẩn bị nguồn thì công ty sẽ bị động, không đảm bảo kế hoạch sản xuất mà công ty đã đưa ra trước đó. Thông thường, lao động thời vụ chưa qua đào tạo chỉ làm những công việc đơn giản… Tuy nhiên, nếu họ có nhu cầu, chúng tôi sẽ đào tạo từ 3-6 tháng để có thể chuyển sang các khâu khác”, ông Bảo nói.
Ông Nguyễn Văn Minh – Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Hồng Hà, TP.HCM cho biết, đến thời điểm này công ty đã hoàn tất kế hoạch sản xuất và đã gửi đến các đại lý về lượng hàng cung cấp. Theo đó, để đảm bảo đúng tiến độ giao hàng phục vụ thị trường Tết, công ty phải cần thêm 20% lao động ở các khâu, tức khoảng 150 lao động, trong đó có đến khoảng 5% nhân lực cho vận tải; 5% cho bán hàng và 10% cho vị trí sản xuất tại xưởng.
Để chuẩn bị lao động, ngay từ tháng 8, công ty tuyển dụng, đào tạo và 100 lao động mới đã vào việc ngay từ đầu tháng 9. Đề cập đến mức lương trong 3 tháng cuối năm, ông Minh cho biết lao động có thể hưởng lương theo ngày hoặc theo tháng. Theo đó, tùy vào vị trí có thể nhận 250.000-300.000 đồng/ ngày; 8 triệu đồng – 12 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, lao động có thể tăng ca và được hưởng các khoản phụ cấp theo quy định.
Hút lao động lĩnh vực thương mại, dịch vụ
Khác với các ngành, nghề, lĩnh vực may mặc, giày da, thời điểm này nhiều doanh nghiệp đang lo không có lao động. Theo Hội Doanh nghiệp TP, nguyên nhân thiếu lao động là do vật giá leo thang kéo theo chi phí sinh hoạt tăng và đã trở về quê làm việc. Số nữa chưa trở lại TP hoặc không có ý định trở lại từ sau đại dịch Covid-19 khiến nguồn lao động thiếu hụt.
Đại diện các doanh nghiệp cũng thừa nhận, sau dịch Covid-19, người lao động về làm việc tại các tỉnh hoặc chuyển đổi ngành nghề sau khi tham gia các khóa học miễn phí nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM – Falmi, từ nay đến cuối năm, để phục vụ kế hoạch mở rộng sản xuất và kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn TP cần khoảng 69.000 – 77.000 lao động. Khảo sát mới nhất của Falmi về nhu cầu nhân lực ở hơn 23.500 doanh nghiệp cho thấy, tổng nhu cầu tuyển dụng là hơn 63.000 lao động. Trong đó có hơn 8.000/ 63.000 lao động được doanh nghiệp đưa ra mức lương trên 20 triệu đồng; Hơn 5.000 lao động với mức lương từ 15-20 triệu đồng; 17.000 lao động với mức lương 10-15 triệu đồng và 28.000 lao động với mức lương 5-10 triệu đồng. |
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM – Falmi, từ nay đến cuối năm, để phục vụ kế hoạch mở rộng sản xuất và kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn TP cần khoảng 69.000 – 77.000 lao động. Khảo sát mới nhất của Falmi về nhu cầu nhân lực ở hơn 23.500 doanh nghiệp cho thấy, tổng nhu cầu tuyển dụng là hơn 63.000 lao động. Trong đó có hơn 8.000/ 63.000 lao động được doanh nghiệp đưa ra mức lương trên 20 triệu đồng; Hơn 5.000 lao động với mức lương từ 15-20 triệu đồng; 17.000 lao động với mức lương 10-15 triệu đồng và 28.000 lao động với mức lương 5-10 triệu đồng.
Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn với 84%. Cụ thể, trình độ ĐH: 16%; CĐ: 24%; TC: 28% và trình độ sơ cấp: 14%. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành nghề, lĩnh vực như: thương mại, dịch vụ (chiếm 66%), công nghiệp, xây dựng (chiếm 33%). Nhu cầu nhân lực ở 9 ngành dịch vụ chiếm 56%; 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP chiếm 19%. Cũng theo Falmi, nhu cầu tuyển dụng lao động bán thời gian phục vụ cao điểm cuối năm chiếm khoảng 15%, tập trung chủ yếu là vận tải, chăm sóc khách hàng…
T.Anh
Bình luận (0)