Tại một số địa phương, lâu nay xuất hiện thêm một hoạt động, là tổ chức đón học sinh đạt giải thưởng quốc tế (giành huy chương trong cuộc thi Olympic quốc tế các môn văn hóa). Một số nơi báo chí gọi hẳn là “Lễ đón học sinh đạt giải quốc tế”, và thành phần đón học sinh này bao gồm lãnh đạo sở GD-ĐT, đại diện các ban/ngành, lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên hướng dẫn, học sinh, đại diện gia đình… Về nội dung, lễ đón (một số nơi đón tận sân bay) bao gồm tặng hoa, tặng quà, chúc mừng, cảm ơn, phát biểu cảm nghĩ, chụp hình lưu niệm… Nhìn sơ bộ cũng chẳng khác gì lễ vinh quy bái tổ của các tân khoa trạng nguyên, bảng nhãn… ngày xưa.
Rõ ràng, trọng nhân tài là truyền thống của dân tộc ta, và thực sự cả thế giới ở đâu cũng trọng nhân tài. Nhưng tôn vinh nhân tài như thế nào là điều cần suy nghĩ. Học sinh phổ thông đạt giải Olympic quốc tế là rất xuất sắc, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu người lớn tôn vinh, trọng thị quá mức vô hình trung sẽ tạo ra cảm giác đây là mục tiêu của giáo dục, là học sinh đã đạt đến đỉnh cao của trí tuệ, học vấn, thành công, không cần phấn đấu gì nữa. Trong khi đó, đây chỉ là giải thưởng giành được trong một cuộc thi trí tuệ của học sinh phổ thông, không phải là đỉnh cao, thành tựu, cống hiến của khoa học. Để trở thành nhà khoa học có cống hiến, học sinh đó còn phải phấn đấu vô cùng vất vả, đi cả chặng đường dài, thậm chí có thể không đạt kết quả gì. Một thực tế là Việt Nam có rất nhiều học sinh đạt giải quốc gia và quốc tế trong các cuộc thi văn hóa, cả các cuộc thi khoa học kỹ thuật, nhưng nền khoa học của đất nước quá thiếu vắng những công trình nghiên cứu, sáng chế hữu dụng. Rõ ràng, “bệnh thành tích”, hình thức vẫn còn nặng nề ở nhiều lĩnh vực, chúng ta vẫn chưa có nhiều trường đại học có đẳng cấp quốc tế (nếu không nói thẳng là chưa có). Giấc mơ du học vẫn thường trực trong tâm khảm nhiều người.
Tại sao người Việt thông minh, học sinh đạt nhiều giải thưởng như thế mà khoa học kỹ thuật lại như thế? Đó là vấn đề hết sức trăn trở. Do đó, thiết nghĩ, hãy hướng đến một nền giáo dục “thực học – thực nghiệp”, khẩu hiệu mà ông cha ta đã nêu ra từ đầu thế kỷ XX, và vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại là “học thật – thi thật – nhân tài thật”. Làm sao để chúng ta có nhân tài thật, nhân tài đó phát huy để làm cho đất nước giàu mạnh, đó mới là sự thành công của giáo dục.
Còn đón học sinh đạt giải Olympic, nhà trường có thể đón và tặng hoa, chúc mừng là được, nên tổ chức một cách đơn giản và chân thành. Hãy chờ các em có cống hiến thực sự cho khoa học, cho quốc gia, lúc đó “bia nghè dựng trên tòa muôn gian”, cũng xứng đáng.
Trần Quang Đại (Nghệ An)
Bình luận (0)