Vẫn là cổng trường cũ, hàng phượng vĩ già, lớp học xưa, bàn ghế thân thuộc…, thế mà giờ học sáng nay sao lạ lắm! Thầy cô ánh mắt bồi hồi xúc động, học sinh cũng rưng rưng khi giơ tay mãi mà không được nghe tiếng gọi lên bảng dò bài. Thì ra là ngày trở lại, mọi thứ đã trở thành… kỷ niệm; thoắt cái mà 20, 30 năm đã trôi qua!
Các học sinh cũ chụp hình lưu niệm cùng thầy cô trong dịp trở lại trường sau 20 năm tốt nghiệp
Trước ngày khai giảng năm học mới, thời khắc tháng 7 và tháng 8 hằng năm chính là mùa… tựu trường của nhiều lớp học sinh cũ. Những ngày trở về trường xưa trở nên đặc biệt bởi vì chất chứa đầy dư âm hoài niệm!
Yêu thương tìm về…
7 giờ sáng, vốn cũng thường là thời khắc tiếng trống trường reo, các nữ sinh áo dài trắng thướt tha, nam sinh quần tây áo trắng chỉnh tề bước vào lớp. Có điều, bắt đầu buổi học sáng nay, không có học sinh nào hớt hơ hớt hải chạy ùa vào cổng cho kịp giờ học. Tất cả các học sinh đều có mặt đúng giờ. Cũng buổi học sáng nay, toàn thể thầy cô cùng hiện diện đông đủ. Chỉ khác là các thầy cô vào lớp nhưng không đem theo giáo án, đứng trên bảng nhưng không phải giảng bài. Tiếng vài học sinh nghịch ngợm: “Hôm nay em xung phong lên bảng trả bài nha cô!”. Đáp lại, chính là nụ cười vỡ òa trên gương mặt thầy cô và cả lớp. Giờ học sáng nay là giờ học đặc biệt, dành cho những học sinh đã trưởng thành.
Vào một sáng tháng 8-2022, giờ học của lớp 12I Trường THPT Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) sau 20 năm đã bắt đầu như vậy. Và sau 20 năm ra trường mà sĩ số lớp vẫn gần như đông đủ, vì chẳng ai muốn vắng mặt trong buổi học đặc biệt như thế này. Khác đi một chút, lớp học được trang trí nhiều màu sắc hơn, bảng đen cũng viết lên những nét phấn thân thuộc nhưng là dòng chữ chào đón yêu thương: “Mừng 20 năm ngày trở về”. Buổi học hôm đó, cả thầy và trò dành nguyên thời lượng để ôn lại kỷ niệm xưa, chia sẻ về cuộc sống và công việc hiện tại cũng như những điều ấp ủ thực hiện trong tương lai. Những ánh mắt đầy bùi ngùi, những cái bắt tay đầy xúc động, lời tri ân tự đáy lòng hay tiết mục văn nghệ mang dư âm thời áo trắng…, tất cả như đưa mọi người trở về ngày hôm qua vậy.
Cũng tại phòng học này, cách đây vài tuần, một lớp học sinh khác cũng tựu về, kỷ niệm 30 năm ngày ra trường trong niềm hân hoan nhưng cũng ngập tràn xúc động. Cô Nguyễn Hoa Lan (cựu giáo viên Trường THPT Krông Bông) chia sẻ, dù đã về hưu, nhiều năm không còn đi dạy nữa nhưng mỗi lần được học sinh kéo về với bục giảng, lại đứng lớp như thế này khiến cô cảm thấy tự hào, nhớ nghề vô bờ bến. Theo cô Lan, niềm hạnh phúc lớn lao của những người cầm phấn chính là giây phút nhìn thấy học sinh của mình trưởng thành. Trưởng thành không phải là quyền cao chức trọng hoặc giàu sang, mà chính là được hạnh phúc với công việc, lối đi đã chọn.
Tuy nhiên, thời khắc học sinh lớn lên cũng là lúc không ít thầy cô thấy mình đã không còn được trẻ nữa. Khi mái tóc của vài học sinh cũ lấm tấm bạc cũng là lúc mái tóc thầy cô đã đổi màu. “Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay. Con bỗng thấy tóc thầy bạc trắng”. Câu thơ này được nghe ở đâu đó, vô tình nhắc đến một khoảnh khắc mà nhiều cựu học sinh cảm thấy bùi ngùi xúc động; khoảnh khắc mà người ta cảm nhận rõ bước đi của thời gian, của những chia ly, hạnh ngộ; của những ước ao được mãi là học sinh và được thấy thầy cô của mình luôn luôn trẻ…
Không chỉ là hội khóa, lớp
Những năm gần đây, hành trình trở về của những học sinh cũ sau 10, 20 năm, thậm chí 25, 30 năm đã đầy ắp tiếng cười hơn, rộn rã và đầy đủ thành viên hơn. Sự xa cách bao giờ cũng thế, đem lại cảm giác đặc biệt cho ngày hạnh ngộ. Nếu ngày ra trường khiến bao học sinh rưng rưng nước mắt thì ngày trở về cũng tràn đầy niềm vui, hạnh phúc. Có lẽ, trải qua thời gian, qua bao thăng trầm của cuộc sống, được học nhiều bài học ý nghĩa nhưng cũng thấm phần “đắng cay” không thể tránh khỏi của cuộc đời, người ta sẽ cảm thấy trân quý những bài học làm người trong trẻo thuở đôi mươi, mười tám. Trở về trường cũ, họp lớp hay hội khóa ngày nay đã được nhắc đến nhiều hơn khi hoạt động này ngày càng trở nên rầm rộ. Không chỉ họp lớp thời phổ thông, nhiều nơi trên cả nước, cựu sinh viên các lớp ĐH hay CĐ… cũng đều có những dịp tựu về. Điều đặc biệt hơn cả là vượt qua khuôn khổ của buổi họp mặt ôn lại kỷ niệm, những dịp trở về như thế này cũng là cơ hội để lớp lớp học sinh cũ thể hiện sự tri ân với thầy cô, đồng thời khích lệ tinh thần hiếu học cho lớp học sinh kế cận thông qua những suất học bổng giá trị được trao tặng.
Tập thể lớp 12I Trường THPT Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) cùng thầy chủ nhiệm trở về lớp học sau 20 năm
ThS. Nguyễn Thị Diệu Anh (giảng viên Trường ĐH Văn Hiến) thổ lộ, để buổi họp lớp sau 15 năm của chúng tôi diễn ra thật đặc biệt, đằng sau đó là cả một thời gian dài chuẩn bị. Vì sau khi ra trường, mỗi bạn sống một nơi, làm những công việc có tính chất khác nhau. Có những bạn sinh sống và công tác ở nước ngoài, việc thu xếp để tập trung về đông đủ là cả một sự cân nhắc và đầy cố gắng. “Một hoạt động mà cả lớp thống nhất cao trong dịp 15 năm gặp lại chính là lập ra một quỹ để dành trao, chia sẻ động viên với những bạn học gặp biến cố trong cuộc sống, làm điểm tựa để các bạn vượt qua khó khăn; đồng thời, trao học bổng đóng góp xây dựng trường cũ để những thế hệ học sinh đi sau được kế thừa và phát triển”, chị Diệu Anh tâm sự. Cũng theo chị Diệu Anh, hoạt động họp lớp chính vì vậy là dịp mà những người từng có thời áo trắng tươi đẹp như chị gột bỏ lại sau lưng phần nào những bộn bề lo toan, áp lực thường nhật và cùng nhau hướng đến những điều ý nghĩa hơn trong cuộc sống.
Cô Nguyễn Hoa Lan cũng cho hay, không chỉ dừng lại ở buổi gặp mặt, các cựu học sinh lớp 12I Trường THPT Krông Bông sau thời khắc hội khóa còn thực hiện công trình đào ao, xây chuồng trại, trao con giống… cho một thành viên trong lớp bị khuyết tật gặp khó khăn để bạn có điều kiện thuận lợi làm kinh tế, cải thiện đời sống riêng. Toàn bộ kinh phí do các thành viên của lớp góp tặng. “Đây là một việc làm rất thiết thực và đầy nhân văn giúp cho những cuộc họp lớp, hội khóa trở nên đẹp đẽ, ý nghĩa. Nếu họp lớp, hội khóa gắn nhiều hơn với những hoạt động cao đẹp như vậy thì chắc chắn sẽ trở nên đáng nhớ và luôn được đón đợi”, cô Lan nhấn mạnh.
Việt Ngân
Bình luận (0)