Đam mê chụp ảnh, thích những tấm ảnh mang vẻ đẹp hoài cổ, Phan Thùy An, sinh viên năm 3, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đã khởi nghiệp bằng nghề nhận tour chụp ảnh và kinh doanh máy ảnh chụp bằng film. Dù việc tiếp cận các dòng máy ảnh kỹ thuật số đời cũ đối với con gái có rất nhiều khó khăn nhưng Thùy An đã vượt qua mọi thử thách bằng tình yêu và nỗ lực vì đam mê của mình.
Phan Thùy An với niềm đam mê những gam màu retro
Từ mê chụp ảnh hoài cổ
Tròn 21 tuổi, Phan Thùy An đã có kinh nghiệm 3 năm làm nghề chụp ảnh bằng máy sử dụng film. Khó để hình dung một nữ sinh trẻ lại có niềm đam mê đặc biệt dành cho những gam màu hoài niệm. Thứ gam màu mà giới trẻ thường hay gọi bằng cụm từ “thời ông bà anh”. Thùy An kể, vốn rất mê chụp ảnh, ngay từ lần đầu tiên nhìn ngắm nước màu ảnh được chụp từ chiếc máy sử dụng film đã thấy mê. Như có một sức hút kỳ lạ cứ thôi thúc An tìm hiểu rồi dấn thân.
Cuối năm lớp 12, An tham gia một cuộc thi ảnh và xuất sắc đạt giải nhất. Giải thưởng là một chiếc máy ảnh chụp bằng film. An bảo, đó là phần thưởng lớn nhất, vui nhất. Từ cơ duyên đầu tiên ấy, An bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về chụp ảnh bằng film. Khi nắm được một số kỹ thuật cơ bản và đủ tự tin để chụp được những khuôn hình như ý, An đầu tư mua một chiếc máy và bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề chụp ảnh dạo. “Để sử dụng được máy ảnh chụp bằng film thì em phải học hỏi rất nhiều. Dành khá nhiều thời gian để tìm đọc các tài liệu trên mạng, kết bạn với các anh sử dụng chuyên nghiệp máy ảnh film để học hỏi thêm. Mày mò học rồi tự mình bấm máy thực hành. Kinh nghiệm cũng tự mình rút ra sau những cú bấm máy thất bại”, An chia sẻ.
Người chơi máy ảnh số thường được nhìn thấy ảnh ngay sau khi chụp. Với máy ảnh film, người ta thường hướng về những gì mang đậm nét hoài cổ, vintage. Một khi đã bấm máy và muốn có ảnh là phải chụp hết cuộn film, chờ đợi một khoảng thời gian tráng ảnh rồi mới có thể nhìn ngắm thành quả của mình. Nhưng với người mê ảnh film, sự chờ đợi đó là xứng đáng. Còn với người thợ ảnh, cầm trên tay chiếc máy ảnh film, bao giờ cũng vậy, bắt buộc họ phải nhìn ngắm tỉ mỉ, cẩn trọng từng chi tiết trong khuôn hình rồi mới bấm máy. Bởi chỉ cần một chút sơ suất, bức ảnh sẽ hỏng, tấm film phải bỏ.
Vượt qua rất nhiều thử thách, khó khăn. Phan Thùy An khẳng định niềm đam mê và bản lĩnh của người trẻ trên con đường khởi nghiệp. An cho biết, tương lai dự định sẽ đầu tư không gian quán cà phê. Ở đó, không chỉ phục vụ cà phê mà còn là điểm đến cho những ai yêu thích dòng máy ảnh chụp bằng film và đam mê những gam màu hoài cổ này. Khơi dậy trào lưu chụp ảnh mang xu hướng văn hóa của thập niên 70-80 (khuynh hướng retro) với sự biểu hiện chân thật, đơn giản nhưng đầy hấp dẫn cũng ít nhiều góp phần bảo tồn, nối tiếp nét đẹp văn hóa của nghệ thuật nhiếp ảnh. |
An vẫn nhớ như in lần đầu tiên nhận lời chụp ảnh cho khách. Đó là một tour chụp trong không gian quán cà phê. Kinh nghiệm còn non, chưa hiểu cụ thể về các loại film. Thêm vào đó, việc chọn nơi để sang ảnh cũng chỉ là tìm một địa chỉ có thể sang được chứ chưa thực sự chọn được nơi vừa ý. Lần đó nhiều tấm bị hỏng, màu ảnh lên không như ý muốn. Sau những thay đổi và chọn lựa, ảnh An chụp ngày càng bắt mắt. Từ những người khách quen, nhiều khách lạ đã đăng ký tour chụp. Nhiều khách đặt chụp tận Hội An, Huế… “Trước một điểm đến theo đăng ký của khách em đều tìm hiểu, đọc thông tin và hình dung về các góc chụp để làm sao mình cho ra được tấm ảnh đẹp cho khách. Khách của em chủ yếu là giới trẻ, thi thoảng có thêm các vị khách tuổi trung niên… Tất cả họ đều có điểm chung là thích hoài cổ”, An nói.
Đến kinh doanh máy ảnh chụp bằng film
Fanpage “Phở Film” của Thùy An có hơn 5.000 người theo dõi sau một thời gian ngắn hiện diện. Trang tin này An lập để giới thiệu dòng máy ảnh chụp film secondhand được An chọn lựa ở Nhật để order về. “Em chọn tên Phở film là do em lấy cảm hứng từ món ăn yêu thích của mình là phở – một món ăn truyền thống mang đầy đủ những tinh túy của đất nước với mong muốn những gì mình mang lại cho mọi người thật là thân thuộc như món phở của quê hương mình”, An chia sẻ.
Những chiếc máy ảnh secondhand của thập niên 70-80 luôn hấp dẫn giới trẻ
Việc kinh doanh máy ảnh của An ban đầu chỉ với số vốn khoảng 6 triệu đồng. Đó là số tiền An trích ra trong phần giải thưởng 10 triệu mà cô giành được trong một cuộc thi ảnh cách đây gần 4 năm. Nắm bắt được nhu cầu “săn ảnh” đẹp của giới trẻ với trào lưu quay lại sử dụng máy ảnh cơ chụp bằng film, An mạnh dạn chọn lựa ý tưởng kinh doanh này. An cho biết, với số vốn ít ỏi đó chỉ đủ để tuyển được tầm 2, 3 chiếc máy ảnh cũ. Tuyển được máy về, An bắt đầu tìm hiểu chi tiết để giới thiệu đến cho mọi người biết. Cứ thế, chiếc máy này bán đi, An lại có tiền để order chiếc tiếp theo. “Nhiều khách khi đến nhà tìm mua máy ảnh, thấy cô chủ trẻ họ ngạc nhiên. Nhiều người nhất quyết phải gặp cho bằng được… anh An! Ít người tin một đứa con gái như em lại am hiểu gì về máy ảnh cũ. Sau khi nghe em giới thiệu thì họ mới bắt đầu tin tưởng và sẻ chia niềm yêu thích của mình. Nhiều khách hàng mua xong máy ảnh đã trở thành bạn, thường xuyên trao đổi về cách chụp ảnh cùng em”, An cho biết thêm.
Một chiếc máy ảnh cũ, chụp bằng film có giá dao động từ 500 ngàn đồng đến 4 triệu đồng. Với phân khúc giá mềm, lại được cô chủ cam kết bảo hành rất uy tín nên ngày càng thu hút được khách. Theo An, hiện số vốn của cô lên đến hơn 100 triệu đồng. Ngần ấy, ngăn tủ của cô thường xuyên có vài chục chiếc máy ảnh order từ Nhật về để sẵn sàng phục vụ khách hàng theo mong muốn của họ. Hiện Phở Film còn cung cấp các loại film, các dòng máy film với các thương hiệu từ Nikon, Canon, Olympus, Konica, Minolta… và nhiều phụ kiện liên quan đến máy ảnh khác. Thùy An cho biết, ngoài vai trò founder của An, Phở Film còn có rất nhiều bạn trẻ là cộng tác viên ở các mảng như content writer, designer và seller… Điểm chung của tất cả các thành viên là đều có niềm đam mê với ảnh, ảnh film.
Thiên Vĩnh
Bình luận (0)