Yêu thích đồng quê, trăn trở với các sản phẩm truyền thống, 5 năm qua, trong góc nhỏ dưới chân núi Sơn Trà (TP.Đà Nẵng), anh Lê Thanh Hà miệt mài chế tác ra những bức tranh chất chứa hồn quê tuyệt đẹp từ cành dừa cạn. Với Lê Thanh Hà, truyền thống luôn là câu chuyện đầy ma lực hấp dẫn. Giữ truyền thống là giữ lấy cái gốc của mình.
Lê Thanh Hà chế tác tranh giấy dừa cạn
“Cha đẻ” tranh giấy dừa cạn
Căn nhà nhỏ ở đường Nguyễn Đăng Tuyển (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) của anh Lê Thanh Hà suốt 5 năm trở lại đây luôn rộn rã bởi thanh âm chẻ dừa, của tiếng vòi nước chạy trên những bức tranh dưới đôi bàn tay tài hoa của người thợ lành nghề. Ở không gian trang trọng nhất của ngôi nhà là những bức tranh đã hoàn thiện, được chiếu đèn, ánh sáng tỏa rạng làm nổi bật và tôn thêm vẻ đẹp từng chi tiết nhỏ của tranh. Chủ nhân của không gian tranh ấy là họa sĩ trẻ Lê Thanh Hà.
Lê Thanh Hà quê ở Nghệ An. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế, anh từng đi nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam để tìm hiểu về các nghề truyền thống. Anh chọn mảnh đất Quảng Nam, Đà Nẵng làm nơi dừng chân cho sự nghiệp sáng tác của mình. Năm 2015, Lê Thanh Hà cùng một người cộng sự mở không gian Vườn giấy Việt ở Hội An để sáng chế tranh từ dừa nước. “Tôi mở xưởng làm tranh giấy từ cành dừa nước ở TP.Hội An vì ở đó, nguồn nguyên liệu dừa nước từ rừng dừa Bảy Mẫu khá dồi dào. Quá trình làm, tôi vẫn đau đáu với nghề truyền thống, với việc giữ gìn điều gì đó truyền thống nhất, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Vừa làm, tôi vừa để ý tìm tòi ra cái mới”, anh Hà kể.
Một lần tình cờ chạy xe dọc con đường biển từ Hội An lên Đà Nẵng, nhìn thấy các khu resort cắt cành dừa cạn trước mùa mưa bão. Những chuyến xe của công ty môi trường chất cành dừa lên xe chở đi tiêu hủy rác. Ý tưởng làm giấy từ cành dừa cạn bật ra. Anh Hà tấp xe vào lề đường, nhặt từng cành dừa lên ngắm nghía và suy nghĩ. “Từ hôm đó tôi bắt tay vào làm thử. Làm thử mà thành công thật. Tranh giấy dừa cạn ra đời hoàn toàn bằng các công đoạn thủ công, không sử dụng hóa chất”, anh Hà nói.
Những bức tranh giấy dừa được xuyên sáng làm nổi bật thêm họa tiết
Đó là năm 2017. Sản phẩm mang tên giấy dừa Đà Nẵng (Giấy quê tôi) chính thức được Lê Thanh Hà cho ra đời. Theo anh Hà, công đoạn sản xuất chính của tranh giấy dừa gồm 2 công đoạn: chế biến cành dừa thành bột và seo giấy. Cành dừa mang về được anh thuê nhân công chẻ, bỏ vỏ, phần thịt cành dừa được chặt thành từng đoạn nhỏ sẽ được nấu cùng với một hàm lượng vôi trong 24 giờ đồng hồ rồi cho vào máy nghiền bột. Công đoạn seo giấy được cho là khó nhất. Người thợ phải giàn bột lên khung lụa cho thật phẳng và đều. Tiếp đó, sẽ in các họa tiết, hoa văn, hình ảnh theo chủ đề tranh và mang đi phơi nắng. Để tạo ra sự đa dạng các loại tranh, đích thân anh Hà tìm tòi, vẽ khuôn bằng tay đến lúc vừa ý mới sao chụp và vẽ lại bằng máy. Tiếp đó là công đoạn in decal rồi cắt dán để tạo khuôn in hoàn chỉnh. Anh Hà dùng phương pháp in bằng áp lực nước để chế tác tranh. Đây là một phương pháp in của Nhật Bản có tên gọi là Rakusui Washi. “Tất cả các công đoạn làm ra tranh giấy dừa đều thủ công, không sử dụng hóa chất. Mục đích của tôi là vừa bảo vệ môi trường vừa giữ màu nguyên bản của giấy dừa như một nét đặc trưng”, anh Hà nói.
Nghệ thuật là không ngừng sáng tạo. Lê Thanh Hà luôn tìm tòi và sáng chế ra các văn hoa tranh mới để đa dạng hóa sản phẩm của mình. Bên cạnh các dòng tranh về phong cảnh thiên nhiên, chân dung danh nhân, tranh của anh còn mang đậm nét đặc trưng địa phương Đà Nẵng như: Tranh voọc chà vá chân nâu, hoa đào chuông, cá chuồn… Điều đó thu hút sự quan tâm của khách chơi tranh, kể cả khách ở nước ngoài. “Bên cạnh khách tìm mua những bức tranh vừa ý, có nhiều đơn vị đặt hàng tranh theo ý tưởng của họ với số lượng lớn. Đó cũng là động lực để tôi theo đuổi dòng tranh thủ công này”, anh Hà cho biết.
Giấu nghề là giết nghề
3 năm trước, đồng bào người H’Mông ở bản Pà Cò, Mai Châu (Hòa Bình) lần đầu tiên được tiếp cận phương pháp làm giấy giang bằng áp lực nước. Người hướng dẫn không ai khác, chính là Lê Thanh Hà. “Tháng 10-2019, tôi đến Pà Cò tìm hiểu về nghề làm giấy giang của bà con. Thấy người dân ở đó giữ nghề nhưng các công đoạn còn rất chậm, thu nhập thấp nên tôi quyết định hướng dẫn bà con sử dụng phương pháp làm tranh Rakusui Washi và sử dụng nghệ thuật xuyên sáng để tôn lên vẻ đẹp của dòng tranh này”, Lê Thanh Hà kể. Thời điểm ấy, đã có nhiều người dân làm giấy giang ở Pà Cò đã bắt đầu mở rộng quy mô xưởng, đầu tư phương pháp làm giấy mà họ vừa được tiếp cận.
Phơi nắng là một trong những công đoạn quan trọng của tranh giấy dừa cạn của Lê Thanh Hà
Lê Thanh Hà bảo, nghệ thuật truyền thống luôn phải tìm cách sáng tạo và giữ gìn. Mỗi dòng tranh, mỗi loại nguyên liệu sẽ cho ra sản phẩm độc đáo, đặc trưng khác nhau. Tính chất vùng miền cũng đóng yếu tố quan trọng. Vì vậy, phát huy cái mới trong nghệ thuật truyền thống luôn phải biết cách giữ gìn tinh hoa cái cũ. Nhưng biết nghề, muốn giữ nghề thì cái cốt yếu là không giấu nghề. “Tôi từng đi nhiều nơi, tìm hiểu về nhiều làng nghề và nhận thấy cùng với nhiều yếu tố khách quan khác thì có một yếu tố chủ quan đó là giấu nghề dẫn đến mai một tinh hoa của nghề truyền thống”, anh Hà bày tỏ.
Hiểu được điều đó, anh Hà luôn sẵn sàng chia sẻ lại với những ai quan tâm. Xưởng tranh giấy dừa của anh có tới 8 tay thợ trẻ là sinh viên các trường mỹ thuật hoặc người có năng khiếu và đam mê nghệ thuật thường xuyên chế tác tranh. Anh không ngần ngại chỉ bày cho họ từng bước một, từ gợi ý ý tưởng sáng tạo cho đến các kỹ thuật để hoàn thiện tranh. Anh Hà nói: “Tôi rất vui khi các bạn trẻ ham học hỏi. Có như vậy, những gì mình sáng tạo ra sẽ có người gìn giữ, truyền nối. Tôi thích cạnh tranh bằng trí tuệ thay vì bí mật bí quyết làm nghề. Bởi chính việc giấu bí quyết sẽ làm mất nét tinh hoa vốn là thứ quý nhất của nghề”.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)