Từ đây đến cuối năm, tại TP HCM sẽ diễn ra nhiều cuộc tranh tài dành cho người đam mê sân khấu cải lương như các cuộc thi: Chuông vàng Vọng cổ năm 2022, Tài năng Diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang và Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2022.
Các nghệ sĩ tham gia vòng sơ tuyển cuộc thi Tài năng Diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020. Ảnh: Thanh Hiệp
"Ban tổ chức cần rà soát và hệ thống lại nguồn kịch bản văn học để thí sinh, diễn viên có thể tham khảo. Vì việc tự tìm và chọn kịch bản dự thi không dễ, vì vậy cần tạo điều kiện cho thí sinh, diễn viên tiếp cận những vai mẫu trong hệ thống tuồng tích của sân khấu cải lương, qua đó giúp các thí sinh, diễn viên chọn được nhân vật phù hợp, có đủ đất diễn để thi thố. Các đạo diễn tham gia dàn dựng cũng cần hạn chế cái tôi, dựng những vở vừa với sức của diễn viên" – NSƯT Ca Lê Hồng đề xuất.
Với tư duy chạy theo thành tích, vẫn còn có tình trạng một số đơn vị nghệ thuật địa phương đưa "gà nhà" đi tranh tài tại các cuộc thi dành cho người đam mê sân khấu cải lương để nắm chắc huy chương. Các thí sinh tham gia cuộc thi sẽ được ban tổ chức hỗ trợ kinh phí (khoảng 10 triệu đồng/người) nhưng do muốn tiết mục hoành tráng, rực rỡ nên có thí sinh đã bỏ thêm tiền túi. Điều này hoàn toàn chính đáng khi thí sinh muốn tiết mục của mình đạt điểm số cao. Tuy nhiên, có thí sinh phải tốn kém khá nhiều theo sự vẽ vời quá lố của đạo diễn, để rồi tiết mục không đạt hiệu quả, gây lãng phí tiền vô ích.
Thậm chí đã xuất hiện sự ganh đua xài tiền giữa các thí sinh, hễ thí sinh này đầu tư gần cả trăm triệu đồng may phục trang, mua sắm đạo cụ, thuê đạo diễn tên tuổi thì thí sinh kia cũng phải đầu tư cao hơn để chứng tỏ đẳng cấp.
Cuối cùng thì giải thưởng vụt mất chỉ vì sự nông nổi, giấc mơ đoạt huy chương vàng, trở thành diễn viên ngôi sao không thể thành hiện thực, bởi tài năng thì không thể mua bằng tiền, không thể sở hữu nếu không có sự nỗ lực, dấn thân.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO
Bình luận (0)