Báo chí là bộ phận của văn hóa, nhưng chính báo chí cũng sáng tạo ra văn hóa, phổ biến và lưu truyền những giá trị văn hóa. Như vậy báo chí và văn hóa là hai trong một, trong văn hóa có báo chí, và trong báo chí có văn hóa. Trong suốt chặng đường của mình, văn hóa và báo chí luôn ở trong nhau, và cùng song hành và thúc đẩy sự phát triển.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín (thứ 3 từ trái sang) trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Báo Giáo dục TP.HCM năm 2019 (nay là Tạp chí Giáo dục TP.HCM)
Báo chí, tấm gương phản chiếu của văn hóa
Báo chí với chức năng hàng đầu là thông tin mọi mặt đời sống xã hội, là lực lượng chủ lực và xung kích của truyền thông đại chúng, có mối quan hệ khăng khít, biện chứng với văn hóa. Có thể nói, từ khi ra đời, truyền thông, báo chí luôn gắn bó mật thiết với văn hóa, là một thành tố của văn hóa, sản phẩm báo chí là sản phẩm của văn hóa. Bản chất, mục đích hoạt động và thành tựu của báo chí cũng là thành tựu văn hóa. Văn hóa đã khởi nguồn sáng tạo của báo chí. Lao động chủ thể sáng tạo của báo chí cũng là lao động sáng tạo văn hóa. Bởi lẽ, văn hóa chính là thực tiễn cuộc sống sinh động, là nguồn đề tài vô tận để báo chí có thể khai thác, phản ánh. Thông qua truyền thông, báo chí, cuộc sống thực tế lại được tiếp thu, bổ sung thêm những tri thức mới, bồi đắp cho những hiểu biết còn hạn chế của con người, từ đó có thêm năng lực, trí tuệ để tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo, thỏa mãn nhu cầu xã hội. Do vậy, báo chí như tấm gương phản chiếu văn hóa, qua đó văn hóa biết phải làm gì bổ sung, chỉnh sửa chính mình.
Thật vậy, là bộ phận của văn hóa, nhưng chính báo chí cũng sáng tạo ra văn hóa, phổ biến và lưu truyền những giá trị văn hóa. Như vậy báo chí và văn hóa là hai trong một, trong văn hóa có báo chí, và trong báo chí có văn hóa. Trong suốt chặng đường của mình, văn hóa và báo chí luôn ở trong nhau, và cùng song hành và thúc đẩy sự phát triển.
Truyền thông thời kỹ thuật số đã, đang và sẽ làm gia tăng sự lan truyền và ảnh hưởng của các nền văn hóa với nhau, và bản thân các phương tiện truyền thông, kỹ thuật số tạo ra văn hóa hưởng thụ và sử dụng chúng trong xã hội đương đại. Quá trình này lại diễn ra vô cùng mạnh mẽ, nhanh chóng và sôi động, nhất là trong thời kỳ hội nhập. Điều này, khiến tri thức văn hóa của mỗi quốc gia trở thành tài sản chung của nhân loại, làm giàu cho nhau bằng sự thâm nhập, tái sinh rồi trở lại trở về với văn hóa dân tộc, gõ cửa mỗi tâm hồn theo nhiều phương thức, phương tiện khác nhau. Bên cạnh đó, cũng không ít những tác động không hay, những thông tin truyền thông phi chính thống, phụ thuộc thị hiếu, lợi dụng báo chí… xuất phát từ mặt trái của quá trình toàn cầu hóa sẽ là vấn nạn của truyền thông. Hơn lúc nào hết, chính báo chí ngày nay không chỉ thích ứng với thời đại, mà còn phải truyền tải khuôn mẫu, giá trị giáo dục, văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tác giả – ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Quan trọng nhất, văn hóa và báo chí biểu hiện cuối cùng ở hiệu quả xã hội của từng tác phẩm, ở cống hiến của từng người làm báo trong suốt cuộc đời tác nghiệp, ở tác động lâu dài của từng cơ quan báo chí, truyền thông vào tiến trình phát triển. Mối quan hệ văn hóa – báo chí thường là tiềm ẩn, song đấy là cái âm thầm, bền bỉ, khắc họa nhân cách nhà báo chân chính, phân biệt với những người lợi dụng báo chí vì mục đích tầm thường, là cái hun đúc, kết tinh nên thực chất của nền báo chí quốc gia.
Tạp chí Giáo dục – Nét tinh anh thời hội nhập
Có thể nói, nghề báo là nghề vinh quang, khó khăn và hấp dẫn, nhất là trong thời đại hội nhập, giao lưu văn hóa toàn cầu. Nó tác động vào nhiều phương diện đời sống xã hội, trong đó có giáo dục học đường. Trước tình hình đó, phụ huynh/ người học vốn năng động và nhạy cảm, họ có quyền lựa chọn tri thức, có nhu cầu tìm hiểu bức tranh sôi động của đời sống, nhìn nhận lại những giá trị văn hóa cổ xưa để được cảm biết và được ứng biến trước đổi thay của cuộc sống hôm nay. Truyền tải thông tin về văn hóa học đường là một phần quan trọng của ngành giáo dục, giúp người học thích ứng với xã hội hiện tại và có định hướng tương lai rõ ràng, để khi vào đời các em có thể tự tin đối mặt với những vấn đề nảy sinh trong dòng đời luôn biến đổi.
Báo chí mang đến cho bạn đọc những thông tin chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục đã và đang diễn ra trên thế giới từng ngày, từng giờ. Nghề làm báo hôm nay không thể khép mình trong văn hóa nội sinh, mà phải biến báo chí thành cầu nối, đưa văn hóa dân tộc lên tầm cao nhân loại, phải thu vào trang báo cả thế giới trong chiều sâu vô tận và chiều rộng vô cùng. Bằng cách nào đó, báo chí góp phần đắc lực để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến mà đậm đà bản sắc, nền văn hóa trí tuệ Việt Nam. |
Tôi may mắn có nhiều “duyên lành” khi được cộng tác với Tạp chí Giáo dục TP.HCM từ nhiều năm qua, chứng kiến được sự trưởng thành và phát triển không ngừng của Tạp chí Giáo dục. Tên gọi của tờ tạp chí đã đặt ra cho tôi một hướng tiếp cận liên ngành trong việc khai thác các đề tài văn hóa, xã hội… và đặc biệt là những bài học về cách ứng xử, cách viết. Phải nói rằng tôi khá may mắn khi được chia sẻ với bạn đọc những điều tâm đắc, nhưng may mắn thôi thì chưa đủ nếu không có những lời khích lệ động viên từ Ban Biên tập tạp chí. Có thể nói, Tạp chí Giáo dục đã trở thành một mảnh đất tốt lành nuôi dưỡng lòng đam mê, một môi trường, một cơ hội cho những nhà nghiên cứu, những người tâm huyết về giáo dục.
Cái hay của Tạp chí Giáo dục TP.HCM là sự sáng tạo, linh hoạt và nhạy bén của người làm báo, liên tục cập nhật và điều chỉnh kịp thời các chuyên mục sao cho phù hợp với thời đại, với từng sự kiện cụ thể và mở rộng cách suy nghĩ, suy tư nhiều chiều của dư luận, ngỏ hầu mang lại những giá trị cốt yếu cho giáo dục nước nhà. Ở chừng mục nào đó, Giáo dục là nơi gặp gỡ những tâm hồn đồng điệu và chung một khát vọng là cùng nhau xây dựng cho xã hội, cuộc sống được tốt đẹp hơn, nâng cao chất lượng giáo dục thông qua các chuyên mục đổi mới phương pháp, tư duy giảng dạy, thông qua những bài viết hay, ý tưởng lạ.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)