Hoa hậu Hòa bình Việt Nam là hai cuộc thi riêng biệt nhưng chung tên gọi. Cty Sen Vàng là đơn vị nắm bản quyền tổ chức Miss Grand Vietnam (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam)-thuộc hệ thống Miss Grand International- tá hỏa khi thấy một đơn vị khác công bố bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (Miss Peace Vietnam), Hoa hậu Hòa bình Quốc tế (Miss Peace International). Bộ nhận diện, tên gọi tiếng Anh và kịch bản cuộc thi khác nhau nhưng công chúng rối trí khi tên gọi tiếng Việt trùng nhau. Cả hai bên đều trưng ra các giấy tờ pháp lý liên quan tới sở hữu trí tuệ, đăng ký bản quyền và đang chờ làm sáng tỏ về khía cạnh pháp lý.
Ban tổ chức Miss Grand Vietnam 2022 cùng ông Nawat và các người đẹp Thái Lan tại buổi khởi động cuộc thi. Ảnh: Ngô Tùng
Sự việc lần đầu tiên xảy ra này xuất phát từ việc mở cửa các cuộc thi nhan sắc quy định trong Nghị định số 144/2020/NĐ-CP. Nghị định (NĐ) quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực từ 1/2/2021 được cho là “cởi trói” các cuộc thi nhan sắc. Thay vì số lượng giới hạn không quá hai cuộc thi quy mô quốc gia trong năm, nay được thả nổi không chỉ về số lượng.
“Về cuộc thi Hoa hậu Hoà bình Việt Nam (Miss Peace Vietnam) tổ chức tại Đà Nẵng, vừa qua Công ty CP Quảng cáo Thương mại Sen Vàng đã phản đối kịch liệt vì trùng tên cuộc thi mà Sen Vàng đưa ra từ trước. Sen Vàng là đơn vị đang sở hữu bản quyền cuộc thi Miss Grand International tại Việt Nam, vẫn được dịch sang tên tiếng Việt là Hoa hậu Hoà bình Quốc tế Việt Nam, cũng là đơn vị đã đưa Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên đi thi và người đẹp này giành danh hiệu cao quý Miss Grand International (Hoa hậu Hoà bình quốc tế) 2021. Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên đi thi với danh vị Hoa hậu Hoà bình Việt Nam. Năm nay, Cty Sen Vàng tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoà Bình Việt Nam. Ban tổ chức công bố giải thưởng chung cuộc của Miss Grand Vietnam– Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, gồm: Ngôi vị Hoa hậu nhận phần thưởng trị giá 400 triệu đồng. Á hậu 1: 200 triệu đồng. Á hậu 2: 150 triệu đồng. Á hậu 3: 100 triệu đồng. Á hậu 4: 100 triệu đồng. Cùng với đó, không chỉ người đăng quang ngôi vị Hoa hậu, mà cả 4 Á hậu cũng sẽ được trao vương miện cùng sash danh vị. Vòng Chung kết Miss Grand Vietnam 2022 diễn ra từ 5-25/9/2022. Ngô Tùng |
Lo ngại về 63 cuộc thi cấp quốc gia mỗi năm (do các tỉnh thành đều có thể cấp phép tổ chức) không hề ngoa. Trong vòng nửa năm 2022 cỡ chục cuộc thi lớn nhỏ lộ diện, phần nhiều đều lần đầu được tổ chức. Chỉ riêng danh xưng ở lĩnh vực du lịch cũng có vài cuộc tên gọi na ná: Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu. Đà Nẵng cũng kịp tổ chức xong xuôi Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng hồi tháng 2/2022. Cuộc thi chỉ đáng quy mô Người đẹp, Hoa khôi nay cũng được đẩy lên thành Hoa hậu, nâng tầm thành cấp quốc gia. Chưa kể, một loạt các cuộc thi quốc tế lâu đời được mua bản quyền và đưa về Việt Nam tổ chức như Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam… Trăm hoa đua nở thì danh hiệu hoa hậu cũng loạn theo.
2. Nở rộ cuộc thi, loạn danh hiệu hoa hậu là hệ quả từ ý chí “nới lỏng” quy định tổ chức các cuộc thi người đẹp. Cái lý của những nhà soạn thảo ở chỗ đơn giản hóa thủ tục hành chính dẫn tới “thông thoáng” hơn kèm theo “tăng cường hậu kiểm”. Ước vọng là thế, nhưng lý thuyết luôn luôn chỉ là màu xám. Khi xảy ra tranh chấp bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam trên thực tế, chưa thấy có cơ quan quản lý nào đứng ra làm trọng tài phân xử. Địa phương cứ cấp phép, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp phép theo thẩm quyền và không tính đến câu chuyện chồng chéo.
Hàng chục cuộc thi nhan sắc tổ chức trong năm với số lượng thí sinh nhất định liệu có thể đảm bảo chất lượng và hiệu quả? Không phải ngẫu nhiên mà từ trước tới nay Bộ VHTTDL đề ra quy định hai năm tổ chức một lần cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia. Khoảng thời gian này vừa đủ để giữ được sự hấp dẫn của một cuộc thi nhan sắc, cũng vừa đẹp để một lứa thí sinh trưởng thành về nhan sắc và trau dồi tri thức.
Tinh thần tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật là chủ trương của Nhà nước, tuy nhiên khi NĐ 144 đi vào cuộc sống lại nảy sinh không ít bất cập. Đối với cuộc thi quốc gia trước đây do Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) (Bộ VHTTDL) cấp phép, đơn vị tổ chức chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo, địa phương diễn ra các vòng thi sẽ tiếp nhận. Thế nhưng NĐ 144 phân cấp cho địa phương cấp phép, BTC bắt buộc phải xin phép nhiều địa phương cùng lúc nếu cuộc thi có các vòng thi diễn ra ở các tỉnh/thành khác nhau. Cắt giảm thủ tục hành chính trong NĐ mới đã không còn ý nghĩa nữa, ngược lại thành ra đẻ thêm nhiều giấy phép con gây phiền hà cho nhà tổ chức.
Những người soạn thảo chưa lường hết kịch bản xảy ra sau khi cho phép các cuộc thi bung hết cỡ: Không có sự ràng buộc của các đơn vị tổ chức, không đề ra các tiêu chí nhất định để các nhà tổ chức đảm bảo năng lực tổ chức cuộc thi chất lượng, không có hướng dẫn cụ thể để các địa phương cấp phép làm đầu mối phối hợp tổ chức. Làn sóng ồ ạt tổ chức thi người đẹp chắc chắn sản sinh ra những danh hiệu hàng chợ, danh hiệu “ao làng”. Không biết tới bao giờ mới có thể để đạt tới độ “tự đào thải” đối với các cuộc thi kém chất lượng, chỉ biết rằng mới hơn một năm có hiệu lực mà NĐ 144 đã khiến các cuộc thi nhan sắc thêm loạn.
Đà Nẵng: Chờ phản hồi từ Cục Sở hữu trí tuệ Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam năm 2022 (Miss Peace Vietnam 2022) được chấp thuận tổ chức tại Đà Nẵng. Tháng 4/2022, cuộc thi này đã tổ chức họp báo công bố vòng bán kết và chung kết diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 9/2022. Theo bà Dương Lê Phương, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH-TT Đà Nẵng), việc cấp phép các cuộc thi sắc đẹp đã được “nới” lỏng, về hồ sơ, cuộc thi đảm bảo các thủ tục để được phép tổ chức. “Vấn đề phát sinh tranh chấp bản quyền với một đơn vị khác, chúng tôi cũng đã nắm được và đang xử lý. Sở đã có văn bản gửi Cục Sở hữu trí tuệ để đề nghị cung cấp thêm thông tin, cũng như hướng dẫn về vấn đề bản quyền. Sở cũng đã có văn bản gửi đến các bên liên quan và chờ phản hồi để có hướng xử lý sự việc, sau đó, sẽ có thông tin chính thức về vấn đề này”, bà Phương cho hay. Vào tháng 3/2021, cuộc thi (lúc này có tên là Hoa khôi Hòa bình Việt Nam 2021) cũng đã tổ chức họp báo và công bố tổ chức bán kết, chung kết ở Đà Nẵng vào tháng 6, tháng 7 cùng năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cuộc thi phải tạm dừng. Đến tháng 2/2022, BTC phát đi thông báo tái khởi động cuộc thi Hoa khôi Hòa bình Việt Nam. Giang Thanh |
Theo Bảo Hân/TPO
Bình luận (0)