Chiều 5-8-2024, Ban Chủ nhiệm quyển Kinh tế và Xã hội Cần Thơ, tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đề cương bản thảo quyển Kinh tế và Xã hội Cần Thơ; Quy chế biên soạn quyển Kinh tế và Xã hội Cần Thơ”. Hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến (nối với điểm cầu tại TP.HCM).
Tham dự có các nhà khoa học, lãnh đạo các viện, trường đại học thuộc khu vực phía Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của Cần Thơ và nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL. Hội thảo nhằm thu thập thêm thông tin từ các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý… để bổ sung, hoàn thiện quy chế biên soạn và kiện toàn đề cương bản thảo quyển Kinh tế và Xã hội Cần Thơ.
Đề tài “Nghiên cứu và biên soạn Địa chí Cần Thơ”; trong đó có quyển Kinh tế và Xã hội Cần Thơ được Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phê duyệt danh mục và dự toán kinh phí nhiệm vụ khoa học cấp thành phố thực hiện năm 2023. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, có cách tiếp cận mới theo quy chuẩn biên soạn Quốc Chí; trong đó có quyển Kinh tế và Xã hội Cần Thơ được xác định bao gồm các nội dung chính: Tổng quan kinh tế – xã hội; hệ thống chính trị và cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế – xã hội; quốc phòng và an ninh; nông nghiệp; công nghiệp, thương nghiệp; xây dựng và phát triển đô thị; giao thông vận tải; dịch vụ; thể dục – thể thao; du lịch; tài chính và ngân hàng; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; đời sống xã hội và tổ chức xã hội; y tế và vệ sinh môi trường.
Bên cạnh những yêu cầu về đặc trưng mà quyển Kinh tế và Xã hội Cần Thơ cần có như tính khoa học, đại chúng, tổng hợp, địa vực, hiện thực và liên tục về các thông tin mô tả đối tượng, số liệu liên quan… còn phải bảo đảm cung cấp các thông tin hữu ích, toàn diện về kinh tế Cần Thơ, làm căn cứ cho công tác hoạch định chính sách hoặc làm tư liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu, giáo dục, giới thiệu và quảng bá thông tin về Cần Thơ. Tuy nội dung của quyển Kinh tế và Xã hội Cần Thơ bao quát, toàn diện nhưng phải thể hiện được tính khái quát, cô đọng trong 14 chương và khoảng 300 mục.
Hội thảo đã ghi nhận 14 ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học. Ðặc biệt là những ý kiến đóng góp, báo cáo về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình xây dựng và biên soạn; công tác sưu tầm, thẩm định và sử dụng tư liệu phục vụ cho biên soạn; chia sẻ những kinh nghiệm về chọn và biên soạn mục địa chí theo quy chuẩn quốc chí của TP.HCM; kinh nghiệm quản lý, điều hành biên soạn địa chí tỉnh Bến Tre theo quy chuẩn quốc chí…
Phát biểu kết luận, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ, Chủ nhiệm đề tài, trân trọng ghi nhận và cảm ơn những đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các vị chuyên gia. Đồng thời chỉ đạo biện pháp giải quyết các khó khăn cho các nhóm thực hiện, trong đó có việc ứng kinh phí hoạt động, bổ sung nhân sự: “Một số lĩnh vực được các nhóm đề nghị bổ sung nhân sự để cung cấp tư liệu và tổng hợp như: Bưu chính, Viễn thông, Dịch vụ công trực tuyến, Dịch vụ công chứng, Dịch vụ bất động sản, Dịch vụ quảng cáo, Dịch vụ Xổ số kiến thiết, Giáo dục nghề nghiệp, Khuyến học, Vệ sinh môi trường, Xử lý rác thải, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, Tôn giáo… Ban chủ nhiệm quyển Kinh tế và Xã hội Cần Thơ sẽ mời các ngành có liên quan cử người tham gia, và sẽ thông báo đến các nhóm” – ông Hiển cho biết.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố được mời biên soạn các mục của quyển sách cần nghiêm túc nghiên cứu, chọn lọc, áp dụng quy chế biên soạn, nghiên cứu tổng hợp những tư liệu đã thu thập… kết hợp những cách làm hay, kinh nghiệm phù hợp trong quá trình sưu tầm tư liệu và biên soạn; đồng thời điều chỉnh, bổ sung đề cương chi tiết ở các chương sao cho phù hợp hơn với đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực trạng kinh tế – xã hội Cần Thơ…. Qua đó, tạo điều kiện cho Ban Chủ nhiệm đề tài tổng hợp, tiếp tục bổ sung hoàn thiện, làm căn cứ cho công tác biên soạn đề cương bản thảo quyển Kinh tế và Xã hội Cần Thơ.
Đan Phượng
Bình luận (0)