Bước vào học kỳ 2 năm học 2021-2022, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ca mắc tăng cao, các trường học ở TP.Đà Nẵng đã đưa ra giải pháp khoanh vùng hẹp, nhanh, kịp thời và thắt chặt phòng dịch để tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện tốt nhất có thể.
Học sinh Đà Nẵng trở lại trường học trực tiếp
Khoanh vùng hẹp để đảm bảo dạy học
Không như trước đây, khi lớp có trường hợp học sinh mắc Covid-19, cả lớp phải nghỉ học để chuyển sang học trực tuyến tại nhà. Hiện nay, nhiều trường trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã linh hoạt với nhiều giải pháp để thích ứng. Thầy Nguyễn Bá Hảo – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang) cho biết, việc cho học sinh đến trường học trực tiếp là rất cần thiết. Tuy nhiên các công tác phòng dịch theo đó cũng cần thắt chặt. Hiện trường có 4 học sinh, 1 giáo viên thuộc diện F0 và 9 học sinh cùng 2 giáo viên là F1. Các học sinh và giáo viên này đang thực hiện ở nhà điều trị, cách ly song song với dạy học trực tuyến để bắt nhịp kiến thức cùng các bạn đi học trực tiếp ở trường. Quan điểm của nhà trường là khoanh vùng hẹp. Cụ thể, khi lớp học phát hiện F0 thì bộ phận y tế nhà trường lập tức đưa học sinh về phòng cách ly đồng thời khoanh vùng các học sinh ngồi gần để xác định F1. “Mình đánh giá khoanh vùng cụ thể để việc dạy học không bị xáo trộn. Nếu mình cho cả lớp cùng nghĩ học thì sẽ thiệt thòi cho các em vì đã một thời gian quá dài các em không được đến trường học trực tiếp, nhất là với học sinh khối lớp 10 – năm học đầu tiên bước vào THPT”, thầy Hảo nói.
Tương tự, tại Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu), thầy Nguyễn Đức Tú Anh cho biết, hiện nhà trường có hơn 10 học sinh F0. Với việc phát hiện F0 trong lớp học hoặc nhận thông báo từ phụ huynh sau khi học sinh tan học về nhà bị mắc bệnh, y tế nhà trường sẽ khoanh vùng F1 trong phạm vi hẹp và tổ chức gộp nhóm lớp cho các em học trực tuyến ở nhà. Với các bạn bị F1, sau 3 ngày nhà trường sẽ kiến nghị phụ huynh thực hiện test Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y tế, tiếp đó sau 7 ngày sẽ test lại nếu âm tính thì sẽ được trở lại trường học trực tiếp. Việc khoanh vùng hẹp này nhằm đảm bảo quyền lợi đến trường cho học sinh.
Còn tại Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu), thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ sau Tết đến nay toàn trường có 20 ca mắc Covid-19. Nhà trường thực hiện dạy song song trực tuyến và trực tiếp. Điều này cũng rất khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên đứng lớp giảng dạy. Trường bố trí phòng và đảm bảo đường truyền internet để giáo viên dạy song song hai phương thức trên trong một buổi học để đảm bảo số giờ đúng quy định.
Đảm bảo chất lượng dạy học
Việc đến trường trực tiếp không chỉ giúp học sinh ổn định tâm lý mà còn củng cố và đảm bảo chất lượng tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Thầy Võ Thanh Phước cho biết, ngay từ buổi học đầu tiên khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, các giáo viên không dạy bài mới ngay mà hệ thống lại kiến thức học sinh đã học trong thời gian học trực tuyến ở nhà để có đánh giá và từ đó đưa ra phương pháp dạy học phù hợp trên cơ sở đảm bảo nội dung chương trình. Riêng với học sinh khối lớp 6, nhà trường dành tiết đầu tiên để gặp giáo viên chủ nhiệm, nghe tuyên truyền về các nội quy, quy định của nhà trường, hướng dẫn phòng dịch và hướng dẫn các em thêm phương pháp học trực tiếp để các em vượt qua bỡ ngỡ, tiếp cận môi trường học mới.
Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng – cho biết đơn vị đã có thông báo về việc cho trẻ mầm non trở lại trường. Theo đó, từ ngày 21-2, các cơ sở GD mầm non tại địa bàn có cấp độ dịch Covid-19 thuộc diện 1, 2, 3 được tổ chức dạy học trực tiếp. Thời gian cụ thể đối với từng trường do UBND các quận, huyện quyết định sau khi tổ chức kiểm tra thực tế. Trên cơ sở đăng ký tự nguyện của cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ, các cơ sở GD mầm non xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp, phương án phòng chống dịch, xác định thời gian hợp lý để quyết định tổ chức dạy học, tổ chức bán trú. Công tác bán trú được tổ chức khi cơ sở GD cam kết đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng; tuân thủ các nguyên tắc trong phòng, chống dịch Covid-19. Tuần đầu tiên khi trẻ trở lại trường, các cơ sở GD tiến hành cho trẻ ổn định nề nếp, làm quen với các hoạt động theo chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ ở từng độ tuổi. Cán bộ, giáo viên, nhân viên quan tâm đến cảm xúc của trẻ, tạo bầu không khí an toàn, thân thiện và giúp trẻ không bỡ ngỡ khi làm quen với trường, nhóm, lớp, cô giáo và bạn bè.
|
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Đức Tú Anh cho rằng, học sinh đến trường học trực tiếp rất quan trọng trong việc giúp các em rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, có trách nhiệm tập thể, giao lưu để phát triển bản thân đồng thời tiếp thu kiến thức nhanh hơn do có giáo viên sẵn sàng giải đáp thắc mắc bất cứ lúc nào, kể cả giờ giải lao.
Trong khi đó, đóng chân ở địa bàn miền núi, có nhiều học sinh là con em đồng bào thiểu số, đời sống kinh tế còn khó khăn thì việc đến trường học trực tiếp rất cần thiết. Thầy Nguyễn Bá Hảo cho rằng, nếu học trực tuyến thì dù có giáo viên thường xuyên nhắc nhở, điểm danh nhưng do điều kiện nhiều học sinh ở xa, không có máy tính, sóng mạng yếu dẫn đến chất lượng không bằng học trực tiếp. Được đến trường, học nội trú, giáo viên có nhiều thời gian để nhắc nhở và kèm cặp thêm để học sinh đồng bào nắm vững kiến thức.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)