Năm 2021, trong điều kiện nhiều khó khăn do dịch Covid-19, Cục Hải quan TP HCM đã hoàn thành vượt chỉ tiêu nhiệm vụ, thu về cho thành phố 118.473 tỉ đồng, tăng 11,6% so với năm 2020, là đơn vị hải quan thu ngân sách lớn nhất của cả nước…
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đánh giá Cục Hải quan TP HCM là lá cờ đầu hoàn thành mục tiêu xây dựng hải quan số, hải quan thông minh; là đơn vị luôn chủ động, sáng tạo trong những điều kiện khó khăn, nhất là giai đoạn giãn cách xã hội.
Trước những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19, Cục Hải quan TP HCM đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động, phương án thích ứng, phù hợp nhằm hoàn thành nhiệm vụ kép – vừa bảo đảm các yêu cầu công tác phòng chống dịch vừa duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước về hải quan; thúc đẩy, tạo thuận lợi thương mại, phát triển kinh tế – xã hội.
Năm 2022, Cục Hải quan TP HCM được giao dự toán thu ngân sách 116.500 tỉ đồng, tăng 7,87% so với năm 2021. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đề nghị Cục Hải quan TP HCM tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, công tác giám sát hải quan, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, ma túy, cũng như công tác xây dựng lực lượng…
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, cho rằng nhiệm vụ năm 2022 khá nặng nề do tỉ trọng giao số thu ngân sách khá cao trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng do dịch Covid-19. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũ và mới mà Việt Nam tham gia đi vào giai đoạn cắt giảm mạnh thuế suất theo lộ trình ký kết, với hầu hết các dòng hàng có thuế nhập khẩu giảm còn 0%. Tuy nhiên, ngành hải quan thành phố sẽ nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Cán bộ, công chức Hải quan TP HCM vẫn làm việc liên tục trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát vừa qua
Ông Thắng nhìn nhận: "Chúng tôi rất tin tưởng vào sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế TP HCM cũng như cả nước trong năm 2022. Trong 3 tháng cuối năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) đã mạnh trở lại. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại với các nước chiếm 90% nền kinh tế thế giới để thu hút hoạt động xuất nhập khẩu".
Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM kiến nghị thành phố cần tập trung tăng vốn đầu tư hạ tầng, logistics; đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu, hệ sinh thái thương mại điện tử; tăng liên kết vùng để tận dụng các FTA. Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh hải quan điện tử, chuyển đổi hải quan số, tạo cơ sở và nền tảng vững chắc để tiến tới hải quan thông minh, phù hợp chuẩn mực quốc tế, quản lý DN, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh…
Theo ông Thắng, đầu năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam tham gia ký kết bắt đầu có hiệu lực, kết hợp với các FTA tự do thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu) đã mở ra một "đường siêu cao tốc" với thị trường hơn 2,5 tỉ dân, quy mô nền kinh tế chiếm hơn 50% GDP toàn cầu. Đây là cơ hội để TP HCM nắm bắt, chiếm lĩnh thị phần của thị trường đầy tiềm năng này.
Người đứng đầu ngành hải quan TP HCM cho biết Thủ tướng đã giao cho Hải quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành nên sẽ có 2 trung tâm đăng kiểm tại cảng Cát Lái và Hiệp Phước. Thời gian tới, tất cả hàng hóa cần đăng kiểm đều được lấy mẫu, kiểm tra và trả ngay tại chỗ, như vòng tròn khép kín, tạo thuận lợi cho DN cũng như cán bộ, công chức hải quan…
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng yêu cầu Cục Hải quan thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách và hiện đại hóa, xây dựng các giải pháp đột phá trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành nhằm giảm bớt phiền hà, thời gian và chi phí cho cộng đồng DN. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường đối thoại với DN xuất nhập khẩu, tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn sau đại dịch; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo các mục tiêu đặt ra của Chính phủ; quyết tâm thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu phấn đấu cho năm 2022…
Sơn Nhung (theo NLĐ)
Bình luận (0)