Sau thời gian giãn cách, tình trạng chợ tự phát trên địa bàn TP.HCM càng trở nên trầm trọng hơn. Bất cứ chỗ nào cũng có thể thành… chợ; nhất là những khu vực quanh chợ truyền thống, chợ đầu mối. Điều đáng nói là ở những chợ tự phát này, người bán không có ý thức, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị…
Bãi đất phía trước chợ Phú Xuân (ngay dưới chân cầu Phú Xuân, Nhà Bè) được dọn sạch trước đó vài ngày nhưng nay đã bắt đầu xuất hiện rác
Rác chất cao như núi
Ghi nhận của chúng tôi tại các chợ Nguyễn Tri Phương, Hòa Hưng (Q.10), Bà Quẹo (Q.Tân Bình), Tân Định (Q.1), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Bình Tây (Q.6), Phạm Thế Hiển (Q.8), Bàn Cờ (Q.3)… cho thấy, túi ni lông, rau, củ hư hỏng vứt bừa bãi xung quanh chợ. Sau giờ tan chợ, rác được dọn dẹp sạch sẽ, không xuất hiện tình trạng ùn ứ, chất đống. Tuy là quy định nhưng không phải chợ nào cũng được như vậy…
Chẳng hạn như chợ Phú Xuân (huyện Nhà Bè). Bên ngoài lồng chợ (ngay dưới chân cầu Phú Xuân) có rất nhiều người tụ tập buôn bán tự phát và vô tư xả rác khiến con đường dẫn vào chợ vô cùng dơ bẩn.
Chị Nguyễn Thị Hà (tiểu thương chợ Phú Xuân) cho biết, chợ có nhà lồng cho tiểu thương đăng ký buôn bán nhưng bán trong đó ế ẩm, khách mua không nhiều. Trong khi đó bày hàng bán gần chân cầu lại đông khách mua nên nhiều người lấn đường làm nơi buôn bán rồi xả rác ngay tại chỗ.
Rác xuất hiện phía trước chợ Phước Long (Q.7), lấn ra đường 15B, rỉ nước đen hôi thối
“Hàng ngày đều có nhân viên dịch vụ công ích tới chợ thu gom rác. Tuy nhiên họ chỉ dọn rác ở trong chợ, những chỗ cho tiểu thương để rác. Còn bãi rác tự phát ở bãi đất trống gần chân cầu thì lâu lâu mới dọn một lần. Chỉ cách đây vài tuần thôi, bãi rác tự phát này chất cao như núi, lúc nào cũng như muốn tràn ra đường Huỳnh Tấn Phát”, chị Hà cho biết.
Tình trạng này cũng xuất hiện tại chợ Phước Long (Q.7). Ngay từ đầu chợ (đường 15B) đã xuất hiện rác thải vứt hai bên đường. Để phân luồng đi lại, đường 15B được phân thành 3 làn: làn cho người đi chợ, 2 làn còn lại (2 chiều) dành cho người đi đường. Điểm phân cách giữa các làn là khung trồng cây. Thay vì được dọn dẹp sạch sẽ thì những khung trồng cây được “tận dụng” để các tiểu thương ở chợ bỏ rác vào, thậm chí còn là nơi để ve chai. Rác thải không được dọn dẹp kịp thời, lâu ngày rỉ thành nước đen tràn xuống đường 15B khiến nhiều người dân nơi đây vô cùng bức xúc.
Người dân lãnh đủ “hương vị rác”
Sau giãn cách, chợ đầu mối Bình Điền đã hoạt động trở lại nhưng chỉ cho phép trong khoảng thời gian nhất định. Theo đó điểm mua bán tự phát phía trước chợ (đường Quản Trọng) lại càng nhộn nhịp hơn.
Theo quan sát của chúng tôi, nơi đây dù được bố trí các thùng rác nhưng rất nhiều người bán không có ý thức đã vứt rác bừa bãi, vứt vào khung trồng cây. Các loại rau củ hư hỏng tồn đọng lâu ngày phát sinh giòi, ruồi cùng với đó là mùi hôi nồng nặc.
Chú Hoàng Văn Minh (Nhân viên dịch vụ công ích Q.8) bức xúc: “Rác xuất hiện nhiều kể từ khi có điểm bán tự phát trên đường Quản Trọng. Theo quy định, người dân bán ở đâu bỏ rác ở đó để nhân viên đến hốt hoặc đem ra thùng rác. Chợ lúc nào cũng bố trí thùng rác nhưng do người dân ngoan cố, đem rác quăng vào khung trồng cây. Cứ vài ngày là chúng tôi tổng vệ sinh một lần nhưng rồi mọi thứ đâu lại vào đấy”.
Rác tràn lan ở khung trồng cây trước chợ đầu mối Bình Điền
Nhiều cư dân sinh sống gần chợ đầu mối Bình Điền cho biết, theo quy định mọi người không được bán ở đây, chỉ bán trong chợ nhưng tầm 2, 3 giờ sáng họ lại tụ tập vào các con đường trong khu dân cư rồi phát loa rao bán ầm ĩ, vứt rác lung tung. Cư dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết triệt để…
Anh Nguyễn Hữu Hà (Ban quản lý chợ Bình Điền) cho biết: “Hiện chợ Bình Điền mở cửa từ 6 giờ chiều đến 9 giờ sáng hôm sau. Ngoài giờ này chợ không bán nên nhiều tiểu thương tụ tập bán tự phát, gây ra tình trạng rác thải. Chúng tôi đã kiến nghị để rác thải được xử lý nhưng rác vẫn tồn động”.
Cùng chung cảnh ngộ, chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức cũng bị bao quanh bởi rác. Nhất là từ sau giãn cách, do xuất hiện nhiều điểm buôn bán tự phát quanh chợ nên rác thải nơi đây ùn ứ không khác gì một bãi tập kết rác cỡ lớn. Nhiều loại rau củ hư lâu ngày, phát sinh giòi nhặng…
Anh Tô Hữu Châu (Ban quản lý chợ) cho hay, hàng ngày đội ngũ nhân viên thu dọn vệ sinh tập kết rác để xử lý. Chợ hoạt động xuyên đêm nên nhân viên dọn vệ sinh thay ca nhau trực cả ngày lẫn đêm. Nhưng vào khung giờ cao điểm, lượng rác thải phát sinh rất lớn khiến việc thu dọn cũng trở nên khó khăn.
Bãi rác nằm trong khu dân cư Bình Điền (gần chợ Bình Điền)
Tình trạng rác thải ùn ứ kéo dài khiến bãi rác ngày càng lớn, lấn cả ra đường. Cụ thể như bãi rác gần giao lộ tỉnh lộ 43 và QL1A (P.Tam Bình). Bãi rác này tồn động nhiều ngày và kéo dài hàng trăm mét. Rác tràn xuống lòng đường, gây cản trở, mất an toàn đối với các phương tiện qua lại. Ngày nắng, các loại túi ni lông từ bãi rác tự phát bay đi khắp nơi. Còn ngày mưa, nước rác ô nhiễm chảy lênh láng.
Hành vi xả rác vô tội vạ của những người thiếu ý thức đã gây nên tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị ở nhiều khu vực. Theo đó, ngoài việc các công ty công ích tăng cường dọn dẹp vệ sinh, cũng rất cần chính quyền vào cuộc xử phạt những cá nhân xả rác bừa bãi; đồng thời mỗi người dân hãy nâng cao ý thức bảo vệ môi trường – đừng chỉ vì tiện lợi cho bản thân mà gây phiền toái cho cộng đồng…
Hậu Giang
Bình luận (0)