Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thông tin Bộ GD-ĐT xây dựng phương án giảm học phí ĐH là không chính xác

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Bộ GD-ĐT, năm học tới các trường ĐH thực hiện việc thu học phí theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Giảm học phí hay không phụ thuộc vào quyền tự chủ của từng trường. Bộ GD-ĐT không xây dựng phương án giảm học phí ĐH.
Thông tin "Bộ GD-ĐT xây dựng ngay phương án giảm học phí cho sinh viên các trường đại học" là không chính xác.  /// Ảnh Ngọc Diệp.
Thông tin "Bộ GD-ĐT xây dựng ngay phương án giảm học phí cho sinh viên các trường đại học" là không chính xác. ẢNH NGỌC DIỆP.
Thông tin Bộ GD-ĐT xây dựng phương án giảm học phí ĐH là không chính xác
Sáng nay, 31.8, một số báo dẫn nguồn tin cho biết, cuối giờ chiều 30-8, Thủ tướng đã họp với Bộ GD-ĐT và đã đồng ý giao Bộ GD-ĐT xây dựng ngay phương án giảm học phí cho sinh viên các trường đại học. Bộ GD-ĐT sẽ làm gấp các phương án giảm và phổ biến cho các trường đại học, có thể đầu tháng 9 sẽ có tin vui cho sinh viên về vấn đề này.
Tuy nhiên, các lãnh đạo của Bộ GD-ĐT đều khẳng định, thông tin trên không chính xác. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, chiều 30.8 Thủ tướng không họp với Bộ GD-ĐT, cũng như không có chỉ đạo nào với nội dung như trên.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Năm học này các trường ĐH triển khai việc thu học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, trong đó có các quy định về miễn giảm học phí”.
Được biết, đại diện Văn phòng Bộ GD-ĐT đã liên hệ với nguồn tin các báo trích dẫn kể trên để thống nhất việc đính chính thông tin, vì phát biểu thiếu chính xác. 
Lãnh đạo Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT cũng thông tin, theo Nghị định 81 thì mức trần học phí đại học năm học 2021-2022 không tăng so với năm ngoái, nhưng cũng không giảm. Căn cứ vào quy định trần học phí của NĐ 81 tương ứng với từng năm học, đặc điểm tính chất đơn vị, yêu cầu phát triển ngành nghề đào tạo, hình thức đào tạo và điều kiện thực tiễn, thủ trưởng các ĐH, trường ĐH công lập chủ động quy định mức thu học phí cụ thể đối với các đơn vị, chương trình đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý. Vì thế, nếu có miễn giảm học phí với diện sinh viên đại trà thì việc đó thuộc thẩm quyền của thủ trưởng từng cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT không hướng dẫn thực hiện chung cho các trường.
Những sinh viên nào được miễn giảm học phí?
Theo Nghị định 81, đối tượng không phải đóng học phí đào tạo trình độ ĐH là người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của luật Giáo dục ĐH. Các ngành chuyên môn đặc thù là những ngành nào sẽ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Đối tượng được miễn học phí phần lớn thuộc diện trẻ em độ tuổi mầm non, học sinh độ tuổi phổ thông. Còn với sinh viên ĐH ngoài đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, còn có các diện sau:
Sinh viên hệ cử tuyển; sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; sinh viên học chuyên ngành Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh;
Sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước; sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9.5.2017 của Chính phủ; người học thuộc các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ.
Sinh viên được giảm 70% học phí gồm: sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa – nghệ thuật bao gồm: nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống;
Sinh viên học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Sinh viên được giảm 50% học phí là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.
Ngân sách Nhà nước sẽ cấp bù cho người học thuộc diện được miễn, giảm học phí đang học tại các cơ sở giáo dục đại học theo mức trần học phí tương ứng với ngành đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Theo Quý Hiên/TNO

 

Bình luận (0)