Đoàn tàu SE74 chầm chậm dừng bánh lại sân ga Đông Hà, mang theo 384 người con Quảng Trị trở về quê tránh dịch Covid-19 vào một chiều mùa hè đầy nắng. Những cái vẫy tay từ xa của người về và người đón đều rưng rưng niềm xúc động. Quê nhà một vòng tay thật êm ấm và an yên, xoa dịu nỗi âu lo vì dịch bệnh nơi xứ người giữa tháng ngày bất bạt mưu sinh…
Những lao động nghèo Quảng Trị trở về quê trên chuyến tàu SE74
Hơn 10 năm trước, chị Nguyễn Thị Phương, quê xã Cam Chính (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh tìm việc làm, trở thành công nhân một công ty may với mức thu nhập ổn định. Cuộc sống xa nhà vất vả, thiếu thốn nhiều thứ nhưng vẫn ổn. Chị bảo: “Hàng năm đến dịp Tết là tôi đều sắp xếp về quê. Riêng 2 năm nay sinh con đầu lòng nên tôi chưa về được, còn lại năm nào cũng về nhà. Nhưng chưa có lần trở về nào lại có cảm xúc như lần này”. Hai tuần trước, chị Phương được công ty cho nghỉ việc, ở nhà để phòng chống dịch. Trong căn phòng trọ nhỏ, chị bày đủ trò để đứa con vừa lên 2 tuổi có thể ngồi yên một chỗ, không đòi ra ngoài chơi. “Không gian trọ thì chật, cả ngày ôm con cảm giác rất ngột ngạt, phần thì thương con bị gò bó, phần khác lại lo sợ bệnh tật ập đến trong khi đối với bệnh này thì không ai chăm ai được, con mình lại còn quá nhỏ. Hôm đọc được thông tin tỉnh tạo điều kiền cho lao động về quê, hai vợ chồng thao thức cả đêm và đưa ra quyết định cho con về quê để đảm bảo an toàn”, chị Phương nói. Trong khu cách ly ở thị xã Quảng Trị, hai mẹ con chị dù phải tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch nhưng nỗi âu lo đã vợi bớt.
Trở về sau chặng đường dài hơn 1000km, bà Lê Thị Mau, 65 tuổi, quê ở huyện Hải Lăng vẫn còn thấm mệt nhưng gương mặt đã giãn ra, tươi vui hơn mấy ngày trước. Gia đình con trai của bà Mau đã vào TP.Hồ Chí Minh làm công nhân may từ 3 năm trước. “Cuộc sống ở quê cũng khó khăn, chủ yếu dựa vào đồng ruộng nên con quyết định vô Nam. Chừ dịch bệnh, mấy tháng nay công ty cho con trai nghỉ để phòng dịch. Con dâu thì mới sinh được hơn 3 tháng, tui vô chăm con cháu rồi dịch giã cũng mắc kẹt lại. Phòng trọ chật chội, nhà có tới 5 miệng ăn nhưng không có thu nhập. Mấy ngày dịch, nhờ những phần quà hỗ trợ của chính quyền và bà con trong đó để đắp đổi qua ngày. Chừ cả nhà được tỉnh tạo điều kiện cho về, tui vui lắm. Về ở khu cách ly thì được bà con họ hàng tiếp tế thêm thực phẩm. Mai mốt hoàn thành cách ly rồi thì về nhà dù gì cũng có rau, có gạo. Vất vả tới mô rồi cũng qua, miễn là được ở nhà mình, dịch bệnh không lây lan. Sau ni yên ổn con có vô Nam lại mình cũng yên tâm hơn”, bà Mau bộc bạch.
Tốt nghiệp đại học, làm kế toán cho một doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh đã 5 năm nay, chị Nguyễn Thị Thương, quê xã trung Hải (huyện Gio Linh) bảo: “Đưa con về tới quê mình cảm giác như trút đi được gánh nặng ngàn cân trên vai. Hai tháng rồi tôi làm việc online ở nhà, vừa chăm con. Nhưng không gian phòng trọ luôn chật hẹp trong khi dịch bệnh phức tạp. Nhiều đêm ngồi nhìn con ngủ, nghĩ đến dịch bệnh lại lo không ngủ được. Về quê rồi mình không còn thấp thỏm âu lo nữa, giờ chỉ tuân thủ 5K, phòng dịch để sớm được về gặp gia đình thôi”. Hành lý trở về của chị Thương lần này có thêm chiếc máy tính. Ở trong khu cách ly chị vẫn giữ liên lạc liên tục để hỗ trợ công việc cho các đồng nghiệp đang ở lại và làm những công việc do công ty yêu cầu. “Tôi mong sớm khống chế được dịch để cuộc sống trở lại bình thường, công việc suôn sẻ trở lại để đời sống ổn định”, chị Thương nói.
Những cuộc “hành hương” về phương Nam với người lao động nghèo miền Trung luôn mang nhiều hi vọng về một việc làm với thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống, về sự đổi thay nơi xứ người. Miền đất hứa bao lâu nay đã dang rộng vòng tay, san sẻ đời sống với bao người nghèo khó. Về nhà là ý niệm luôn đau đáu trong lòng những người dân xa quê, nhất là vào những phút chùng chân mỏi gối. Dịch bệnh không loại trừ một miền đất nào. Sự trở về cũng là cần thiết để sẻ chia với địa phương bạn.
Với những lao động nghèo Quảng Trị, chuyến tàu mang tên SE74 thật đặc biệt- Bao nhiêu năm ngược Bắc, xuôi Nam, hàng chục đận đi về họ chưa một lần đặt chân lên như bao chuyến tàu thông thường khác. SE74 là số hiệu quê nhà, thân quen như ngõ xóm, tên làng. Thương đến lạ!
Trong số 384 người được trở về lần này phần lớn là công nhân nghèo, phụ nữ đang mang thai, có con nhỏ, người già và những người ốm đau. Chuyến tàu trở về nhà với họ là trở về nơi an yên trong những ngày giông bão. Xúc động hơn khi trên sân ga, những người đứng đầu quê hương đón chào bằng những cái vẫy tay và nụ cười khi tàu vừa dừng bánh. Những bước đi mệt mỏi của các lao động nghèo sau hành tình dài trong trang phục bảo hộ kín mít dường như nhanh nhẹn hơn, họ đáp lại nghĩa cử ân tình ấy bằng ánh mắt rưng rưng. Ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn dõi theo tin tức cập nhật dịch bệnh mỗi ngày ở miền Nam- nơi có nhiều lao động quê nhà đang làm việc và sinh sống, học tập. Xem xét sát sao từng nguyện vọng trở về của người dân để đưa họ trở về quê. Dù tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng không vì thế mà từ chối người dân của mình trở về nhà.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)