Năm nay, công tác chấm thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn TP có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Để đảm bảo an toàn, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch tại hội đồng chấm thi, các quy tắc về phòng, chống dịch được Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai nghiêm ngặt, chặt chẽ đến từng cán bộ, giám khảo tham gia chấm thi.
Thí sinh TP.HCM dự thi môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1
Chia ca chấm thi, bố trí lệch giờ ăn, lệch giờ ra về theo từng tổ chấm thi; Chia theo phòng giám khảo 1, giám khảo 2 để sinh hoạt thống nhất về đáp án, biểu điểm môn tự luận (ngữ văn)… để đảm bảo giãn cách, tránh tập trung đông người.
Chia ca chấm thi, lệch giờ ăn trưa, giờ ra về
Năm nay, TP.HCM có 20 tổ chấm môn ngữ văn (18 giám khảo/tổ). Chiều 11-7, các tổ bắt đầu chấm chung để thống nhất về đáp án, biểu điểm cho các giám khảo. Nhằm đảm bảo an toàn, giữ khoảng cách phòng chống dịch Covid-19, mỗi tổ được chia thành 2 phòng (dưới 10 giám khảo/phòng) tương đương với phòng giám khảo 1 và giám khảo 2. Quá trình sinh hoạt chung thống nhất đáp án cũng được triển khai theo từng phòng, thực hiện giãn cách.
Các quy tắc về phòng, chống dịch tại hội đồng chấm thi được Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai nghiêm ngặt, chặt chẽ đến từng cán bộ, giám khảo tham gia chấm thi. Giám khảo chấm thi sẽ được… chia theo ca để đến hội đồng chấm theo nhóm tổ chấm, thời gian mỗi ca lệch nhau 30 phút. Giờ ăn trưa, giờ ra về của các tổ chấm cũng được bố trí lệch giờ, tránh tập trung đông, đảm bảo giãn cách.
Cụ thể, ca 1 từ 7g đến 15g, ăn trưa lúc 10g30, bao gồm giám khảo chấm môn ngữ văn tổ 1, 2, 3, 4; ca 2 gồm giám khảo chấm Ngữ văn tổ 17, 18 và giám khảo chấm trắc nghiệm từ 7g30-15g30, ăn trưa lúc 11g; ca 3 gồm giám khảo chấm Ngữ văn tổ 5 đến tổ 12, thời gian làm việc từ 8g-16g, ăn trưa lúc 11g30; ca 4 thời gian làm việc từ 8g30-16g30, ăn trưa lúc 12g, gồm giám khảo chấm môn n gữ văn tổ 13 đến tổ 20 và cán bộ nhập điểm.
Khi đến hội đồng chấm, giám khảo vào điểm chấm thi bằng 1 cổng, phải trình phiếu tham gia xét nghiệm Covid-19, được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Ra về, giám khảo sẽ di chuyển theo 2 cổng để đảm bảo giãn cách.
Trong quá trình chấm thi, giám khảo bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch: tuân thủ quy tắc 5K, đeo khẩu trang, găng tay và kính chắn giọt bắn suốt thời gian làm việc, giữ đúng khoảng cách khi giao tiếp, không tập trung quá số người quy định tại mỗi phòng chấm thi.
Sở GD-ĐT TP lưu ý, khi có các biểu hiện về sức khoẻ như ho, sốt, khó thở, giám khảo phải báo ngay với tổ phó/ tổ trưởng mỗi tổ hoặc nhân viên y tế được được can thiệp và xử lý kịp thời.
Hội đồng chấm thi có nhân viên y tế túc trực, được khử khuẩn vệ sinh liên tục trong suốt thời gian công tác chấm thi diễn ra.
Không vì dịch bệnh mà “xuề xoà”, làm tắt
Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, việc chấm thi tại TP.HCM sẽ được triển khai nghiêm túc, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong quy chế về khâu chấm thi song song với các quy định về phòng chống dịch. Tuy nhiên, sẽ tuyệt đối không vì dịch bệnh mà xuề xoà, làm tắt hay bỏ qua một khâu nào trong quá trình chấm thi, nhất là đối với việc chấm môn tự luận, đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh.
Riêng bộ môn ngữ văn, theo các giám khảo tham gia chấm thi tại TP.HCM, khung đáp án chấm của TP được triển khai bám sát đáp án chấm thi của Bộ GD-ĐT từ hướng dẫn chấm cho đến thang điểm chấm. Các giám khảo được nhấn mạnh không cứng nhắc trong quá trình chấm. Bài làm của thí sinh khi trình bày các ý trong đáp án bằng cách diễn đạt tương đương thì vẫn có điểm tối đa.
“Năm nay, thang điểm trong phần đọc hiểu được Bộ GD-ĐT quy định có khác so với mọi năm. Các năm trước, câu 1, 2 trong phần này là 0,5 điểm/câu thì năm nay biểu điểm mỗi câu là 0,75 điểm. Trong câu 4 phần đọc hiểu thông thường là 1 điểm thì năm nay tối đa chỉ 0,5 điểm. Tuy nhiên, sự thay đổi này dù mới nhưng không gây khó cho học sinh, học sinh dễ dàng lấy điểm 2 câu đầu”, một giám khảo chấm ngữ văn nhận định.
Đề thi ngữ văn năm nay được đánh giá là thoáng và khá dễ ăn điểm, song nhiều giám khảo cho biết, tính phân hoá vẫn được thể hiện rõ rệt trong biểu điểm chấm, đánh giá cao tư duy và sự sáng tạo của thí sinh trong quá trình làm bài, chọn lọc được học sinh khá, giỏi.
“Phần đọc hiểu thí sinh khá, giỏi, có tư duy sẽ làm tốt được câu 3, 4; Đối với phần NLXH, học sinh có sức học trung bình thường thì bài làm dễ sa vào bàn “sống cống hiến” một cách mông lung, chung chung. Còn với học sinh khá, giỏi bài làm sẽ đi vào chiều sâu, sự cần thiết của “sống cống hiến”, đưa ra được những dẫn chứng hợp với thực tiễn; Với câu NLVH, tính phân hoá nằm trong phần nhận xét về vẻ đẹp nữ tính của thơ Xuân Quỳnh, thậm chí ngay cả phần cảm nhận nếu học sinh học bình thường chỉ diễn xuôi thì học sinh khá, giỏi sẽ mở rộng ra thêm những trăn trở…”.
Theo các giám khảo, sẽ không có chuyện bài thi tự luận được chấm theo “cảm xúc” của giám khảo. Bởi mỗi một bài làm của thí sinh sẽ được chấm qua 2 vòng, giám khảo 1 và giám khảo 2. Qua quá trình chấm, từng giám khảo sẽ có phiếu chấm, căn cứ vào phiếu chấm để hạn chế khả năng lệch điểm trong bài làm của thí sinh.
Nếu bài làm của thí sinh có điểm lệch giữa 2 giám khảo dưới 0,75 điểm thì 2 giám khảo sẽ thảo luận lại để thống nhất về điểm số. Lệch từ 1-1,25 điểm thì ghi biên bản báo cáo để điều chỉnh. Lệch 1,5 điểm trở lên sẽ có giám khảo chấm lần 3.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 1 TP.HCM có 86.943 thí sinh làm thủ tục dự thi trong tổng số 89.275 thí sinh, đạt tỷ lệ 97,39%. Riêng môn ngữ văn, có 82.978 thí sinh dự thi, chiếm tỉ lệ 94,03%. Đối với các bộ môn thi khác, tỷ lệ thí sinh tham gia dự thi dao động từ 94,03%-97,94%. Theo kế hoạch, công tác chấm thi sẽ kéo dài đến ngày 28-7.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)