Một bức ảnh của một thiếu nữ với nụ cười mang màu nắng được gói cẩn thận trong túi nilon, nằm sâu trong lòng đất ở vùng cao Đakrông (Quảng Trị) vừa được Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Quảng Trị phục dựng thành công mở ra nhiều hy vọng trả lại tên tuổi cho những liệt sĩ nằm lại với chiến khu Ba Lòng suốt nửa thế kỷ qua…
Ngôi mộ tập thể của 40 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở Ba Lòng
1.Tháng 6, nắng ở vùng cao Ba Lòng (Đakrông, Quảng Trị) như đổ lửa. Từng đận gió Lào khô khốc thổi khiến những giọt mồ hôi của các cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 968 đang tìm kiếm mộ liệt sĩ ở thôn Tân Xá chưa kịp ướt lưng áo đã in hình từng vệt dài lên vải. Trong nắng gắt, công cuộc tìm kiếm liệt sĩ của các anh vẫn không dừng lại, theo nhát cuốc, những chiếc hình chữ nhật cao quá đầu được đào rộng khắp cả khu vườn của một hộ dân ở Tân Xá.
Đầu tháng 3-2021, ngay sau khi vợ chồng ông Nguyễn Đức Quang và bà Nguyễn Thị Thi, ở thôn Tân Xá, xã Ba Lòng (huyện Đakrông) trong quá trình xây dựng nhà ở, phát hiện hài cốt liệt sĩ trong khu đất của gia đình mình và báo cơ quan chức năng, đơn vị đã phối hợp lực lượng dân quân địa phương tổ chức khai quật, tìm kiếm. Ròng rã suốt 2 tháng trời kể từ đó, các cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 968 đã khai quật tìm kiếm và phát hiện, cất bốc được 40 hài cốt liệt sĩ. Các hài cốt được phát hiện nằm ở độ sâu từ 0,5-1,4m, cách nhau từ 20-70cm, cùng nhiều di vật của bộ đội như cúc áo, dép cao su, bình tông, băng cá nhân, thắt lưng, xẻng… Bắt đầu từ 1-6 lực lượng quyết định khai quật tìm kiếm mở rộng khu vực xung quanh, tại một số điểm đã được nghiên cứu, khảo sát kỹ. Lực lượng tiến hành tìm kiếm bằng phương pháp đào các ô theo hai hàng ngang và dọc nhằm xác suất phát hiện cao nhất. Các ô được đào theo hình chữ nhật, chiều rộng hơn 1m, chiều dài gần 2m, sâu hơn 1,5m. Quá trình đào, phát hiện dấu vết khả nghi sẽ dùng máy móc san bớt phần đất mặt trên diện rộng, sau đó tiếp tục đào bằng dụng cụ cầm tay nhằm bảo đảm việc tìm kiếm từng chi tiết nhỏ xương cốt của liệt sĩ cũng như các di vật của bộ đội được chôn kèm theo.
2.Trong câu chuyện tìm 40 hài cốt liệt sĩ kể trên, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện bức ảnh chân dung của một cô gái được cất giữ trong một bao nilon chôn cùng hài cốt liệt sĩ với nụ cười rất thắm. Bằng kinh nghiệm dày dặn khi tìm thấy di vật đặc biệt của liệt sĩ, các chiến sĩ đội tìm kiếm đã đưa di vật này lên khỏi được mặt đất một cách nguyên vẹn. Sau đó bảo quản cẩn thận và khoa học, kịp thời đưa về Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Quảng Trị để tiến hành phục dựng. “Lúc đó anh em chúng tôi hồi hộp lắm, bởi bức ảnh sẽ là manh mối góp phần xác định được đơn vị, danh tính bộ đội hy sinh ở đây. Vì thế, chúng tôi đưa về ngay Phòng Kỹ thuật hình sự nhờ khẩn trương phục dựng. Bằng trình độ, kỹ thuật cao, bức ảnh đã được phục dựng hoàn hảo. Có được hình ảnh, chúng tôi đã phát thông tin tìm kiếm kèm theo bức ảnh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội với hy vọng sớm tìm ra manh mối liên quan…”, Trung tá Lê Ngọc Thông, Phó Chủ nhiệm chính trị, Sư đoàn 968 kể lại.
Trung tá Lê Ngọc Thông cho biết thêm: “Theo nhiều nguồn tài liệu và các nhân chứng, vào đêm 19 rạng ngày 20-10-1965, Trung đoàn 6 (đoàn Phú Xuân), Quân khu Trị Thiên đã thực hiện đợt đánh thứ 3 với quyết tâm đẩy hết quân địch ra khỏi đồn Ba Lòng. Tuy nhiên, do gặp phải một số yếu tố bất lợi, 71 chiến sĩ của ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Do điều kiện chiến tranh, có 53 chiến sĩ sau đó được chôn cất chung trong các hố chôn tập thể. Kể từ sau giải phóng, Sư đoàn 968 đã rất nhiều lần phối hợp Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 6 và cấp ủy, chính quyền địa phương cùng nhiều cá nhân, tổ chức, tiến hành nhiều đợt khảo sát, tìm kiếm, quy tập. Tuy nhiên, do bom đạn chiến tranh hồi đó đánh phá nhiều lần làm địa hình, địa vật thay đổi. Hòa bình, người dân trở về tái thiết xây dựng nhà cửa, vỡ hoang, cải tạo đất đai để phát triển sản xuất, cùng với đó thời gian, tuổi tác làm cho các cựu chiến binh của đơn vị trên không còn nhớ được một cách chính xác nơi hy sinh, chôn cất của đồng đội. Mãi đến cuối tháng 3-2021, sau qua rất nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu, đối chứng các thông tin từ hai phía bên ta và bên địch, đồng thời tiếp tục tổ chức hàng chục cuộc khai quật, tìm kiếm nữa mới tìm thấy 40 hài cốt liệt sĩ ở đây”.
Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị phục dựng thành công bức ảnh được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ ở chiến khu Ba Lòng
3.Vùng đất Ba Lòng có diện tích trên 73km2, cách TP.Đông Hà tầm 45km về phía Tây Bắc. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, Ba Lòng là căn cứ địa vững chắc của cách mạng, là đầu não kháng chiến của khu vực Trị Thiên thuộc hệ thống chiến khu miền Tây. Có nhiều đơn vị, chiến đấu hy sinh, nhiều người lính nằm lại ở đây. Những năm qua, có nhiều đơn vị đã tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Ba Lòng.
Theo Trung tá Lê Ngọc Thông, nhiều năm qua, đơn vị đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ được các thông tin liên quan đến các chiến sĩ Trung đoàn 6, nhiều lần tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực địa. Tuy nhiên, việc tìm thấy 40 hài cốt liệt sĩ kể trên, hiện tại chưa thể khẳng định được là chiến sĩ của Trung đoàn 6. “Đơn vị cần thêm thời gian để tìm kiếm thêm thông tin, manh mối, đồng thời sẽ tổ chức hội thảo khoa học mới mong có thể xác định được đơn vị, danh tính của các liệt sĩ”.
Trở lại với câu chuyện các di vật nằm lại cùng người lính, bức ảnh chân dung của cô gái được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ kể trên, không chỉ đơn vị tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở Ba Lòng là Sư đoàn 968, mà bất cứ ai khi đọc được thông tin trên đều quan tâm, hy vọng. Sau một tuần, kể từ khi thông tin liên quan kèm theo bức ảnh được phát đi, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội, hiện tại có một gia đình ở huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) khi nhìn bức ảnh, nghi cô gái chính là người yêu của thân nhân họ là bộ đội đã chiến đấu, hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Người trong ảnh hiện đang sinh sống ở miền Nam. Hiện tại, gia đình này đang tìm cách liên lạc để tìm hiểu thêm về thông tin. Manh mối về bức ảnh hé mở mang đến hy vọng sẽ xác định được danh tính, đơn vị cho các liệt sĩ sau hơn 50 năm ở lại với chiến khu.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)