Theo nguồn tin của Bloomberg, startup đến từ California Kernel chuẩn bị bán ra thị trường những chiếc mũ đọc sóng não tên là Flux với giá 50.000 USD, với khả năng phân tích và ghi lại nhịp độ sóng não của người đội theo thời gian thực.
Công nghệ đọc sóng não đã được con người phát triển từ lâu, nhưng đến thời điểm hiện tại, hầu hết những thiết bị như vậy đều chỉ ở mức độ thử nghiệm, và sản phẩm đầu tiên trong phòng thí nghiệm của Kernel cũng có trị giá 110 triệu USD, đi kèm với rất nhiều trang thiết bị chuyên biệt khác để phục vụ nhu cầu của các nhà nghiên cứu.
Cận cảnh chiếc mũ đọc sóng não tên là Kernel Flux.
Kernel hy vọng sẽ giúp giảm chi phí của công nghệ này bằng cách thương mại hóa chúng, và một thiết bị nhỏ nhắn gọn gàng hơn cũng sẽ giúp ích cho cả các nhà khoa học và người tình nguyện trong các cuộc nghiên cứu.
Kernel hiện giờ có hai sản phẩm. Một là nền tảng đọc sóng não Flow, có khả năng đo đạc “tốc độ nơ ron thần kinh theo thời gian thực”, cũng như “xác định mô hình hoạt động chính xác của não”, tất cả chỉ thông qua kết nối USB-C với máy tính. Sản phẩm thứ hai là món đồ trong hình cover, tên là Flux, qua đó cho phép các khoa học gia truy xuất “những hoạt động phức tạp của não, tạo ra những chức năng cơ bản của con người như kích thích, cảm xúc, chú ý, ghi nhớ và học tập”. Nói cách khác, ở một mức độ nào đó, Kernel Flux hoàn toàn có thể đọc ý nghĩ con người.
Kernel không phải đơn vị duy nhất nghiên cứu cách đọc sóng não của người. Startup của Elon Musk có Neuralink, và cả Facebook của Mark Zuckerberg cũng đang tìm cách biến những thiết bị thực tế ảo trở thành các thiết bị có khả năng đọc vị người dùng thông qua sóng não. Theo Bloomberg, chiếc mũ giá hơn tỷ Đồng của Kernel cho phép các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu để nghiên cứu quá trình lão hóa của não bộ, những bệnh lý tâm thần, tai biến, hoặc thậm chí là cả những tác động của các chất kích thích thần kinh đối với bộ não con người.
Chiếc mũ Kernel Flow chỉ dùng tia laser chiếu xuyên qua hộp sọ để ghi nhận sóng não, còn Neuralink của Elon Musk thì đòi hỏi phải cấy cả một con chip vào não người. Chiếc mũ can thiệp ít hơn vào cơ thể người, nhưng dĩ nhiên, mức độ chính xác cũng thấp hơn, và dễ bị xung điện từ gây ảnh hưởng.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)