Góp ý về dự thảo “Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015” mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, chia sẻ: “Cải cách giáo dục cần bám sát vào thực tế”.
Dưới đây là trao đổi của GS.TS Phạm Tất Dong với phóng viên về dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến.
GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Cần tổng kết nền giáo dục Việt Nam đang cần cái gì?
Là người tâm huyết với giáo dục, nhiều năm tham gia nghiên cứu và phản biện các đề tài giáo dục cấp nhà nước, trước dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015 mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến đã có nhiều ý kiến không đồng tình. Còn ý kiến của ông về Đề án này thế nào?
Đề án đặt ra, nhiều người không đồng tình là đúng vì đề án không phải cải cách mà chỉ sửa đi những điều cũ. Chúng ta đang muốn 10 năm nữa kết thúc công nghiệp hóa thì rõ ràng một nước nông nghiệp sang nước công nghiệp con người phải khác để hội nhập quốc tế. Mà đã hội nhập quốc tế thì phải cải cách giáo dục (CCGD).
Theo quan niệm của tôi khi cách mạng chuyển sang giai đoạn mới thì mục tiêu sẽ thay đổi, lúc đó GD cần thay đổi một cách căn bản. Phần lớn giải quyết thay đổi đó bằng cuộc cải cách.
Nước ta đã trải qua 3 cuộc CCGD. Cuộc cải cách lần thứ nhất là năm 1950, cuộc cải cách lần thứ 2 vào năm 1956 và cuộc cải cách lần thứ 3 năm 1979. Đến năm 1986, chuyển sang kinh tế thị trường nên chương trình trở nên bất cập. Chúng ta cũng có sửa đổi từng mảng trong nhưng đó là sự chắp vá. Đến Đại hội VIII, có nhiều ý kiến cho rằng cần có cuộc CCGD nhưng muốn có cuộc cải cách thì phải có tổng kết cải cách trước nhưng cuộc CCGD này không tổng kết được và kéo dài đến ngày nay.
Hiện nay chúng ta đang đi vào xây dựng xã hội học tập để chuẩn bị xây dựng một nền kinh tế tri thức. Vậy mà, đề án Bộ GD-DDT đưa ra không có bóng dáng của cái này. Đề án chỉ đưa ra chương trình, SGK và đổi mới theo hướng nào cũng không rõ.
Đáng lẽ đề án đổi mới này phải bám vào đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước trở thành nước công nghiệp, bám vào hội nhập quốc tế, bám vào vấn đề đưa công dân Việt Nam trở thành công dân toàn cầu. Ba mục tiêu trên đều hướng đến CCGD. Đề án của Bộ không nói lên được 3 vấn đề này.
Hiện nay chưa tổng kết được cuộc cải cách trước, vậy theo ông CCGD lần này cần thực hiện như thế nào?
Do cuộc cải cách trước quá xa nên không tổng kết CCGD nữa mà nên tổng kết lại GD ở Việt Nam đang cần cái gì. Ví dụ: cơ cấu lao động hiện nay có khớp với cơ cấu kinh tế không. Bên cạnh đó, cần tổng kết GD ở nhiều nước trên thế giới đi trước mình một bước xem họ làm hướng như thế nào vì văn hóa chung của loài người mình phải tiếp thu như toán, lý, công nghệ… tất nhiên văn học, lịch sử mình phải học riêng rồi.
Khó nhất đối với chúng ta là bị mắc bệnh trầm kha, đào tạo lý thuyết suông nên hiện nay sinh viên học xong đại học không hiểu mình làm cái gì. Do vậy, cải cách bây giờ không thể giống ngày trước được. Ngày trước mất 10 năm để làm chương trình, SGK. Bây giờ điều kiện thế giới thay đổi, làm chương trình, SGK 3 – 4 năm đã lạc hậu rồi. Cho nên chỉ có một cách đặt ra mục tiêu chung nhất để Quốc hội thông qua là phải phấn đấu đến mức độ nào của nền GD trong những năm tới, ví dụ: xác định con người đào tạo là con người thế nào, nguồn nhân lực đòi hỏi cái gì. Từ mục tiêu ấy xét lại toàn bộ chương trình. Xác định rõ mục tiêu rồi thì mới nghĩ đến chương trình, SGK viết như thế nào. Viết chương trình và SGK cần bám sát thực tế
Huy động các nhà khoa học của nhiều ngành trong xã hội tham gia cải cách
Nhiều năm trở lại đây, ngành GD liên tục đổi mới nhưng đổi mới vấn đề nào cũng bị dư luận phản ánh, theo ông tại sao vậy ?
Làm GD khó lắm. Theo tôi nghĩ chúng ta thiếu định hướng chung, bản thân GD chưa xác định được hướng đi cơ bản là gì. Cho nên nhiều khi đưa ra quy định hơi ngẫu hứng. Chúng ta chạy theo sự việc chứ không chạy theo nguyên tắc thay đổi cơ bản.
Bây giờ, Bộ GD-ĐT tung ra đề án với dự kiến kinh phí 70.000 tỷ đồng nhưng không rõ mục tiêu nên dư luận lo lắng vì sợ không giải quyết được gì. Sợ tiêu xong số tiền này, người mù chữ vẫn còn, nông dân đi học rất ít, công nhân trong doanh nghiệp không biết học ở đâu, cán bộ nhà nước học thì nhiều nhưng trình độ thực thì ít. Nếu Đề án đã rõ mục tiêu mới, được Đảng và Quốc hội khẳng định bắt buộc phải có thì 100.000 tỷ đồng cũng chưa là gì.
Về mặt chiến lược GD, đến nay chiến lược không rõ. Đã đưa ra nhiều lần nhưng chiến lược không thể hiện được tầm nhìn chiến lược đi đến đâu và từng bước chiến thuật của nó như thế nào, mọi người không hiểu và coi đó như là một bản kế hoạch chứ không phải chiến lược. Làm như vậy không ổn, không giải quyết được vấn đề nhà trường. Ví dụ: bao nhiêu năm đổi mới rồi nhưng chương trình vẫn rất nặng, quá thiên về những vấn đề lý thuyết mà thực hành không có. Càng ngày học sinh của chúng ta càng xa rời dân, xa rời lao động, xa rời nhà máy…cái này mình thua các nước khác. Nếu cứ tiếp tục thực hiện chương trình này thì học sinh ngày càng chỉ học, sẽ hỏng.
Để thực hiện cuộc CCGD quan trọng này, một mình ngành GD có làm nổi không, thưa ông?
Theo tôi ngành giáo dục tham gia cải cách như một thành viên nhỏ thôi vì tư duy GD trở thành đường mòn rồi. Nếu tiếp tục thực hiện cũng sẽ chạy theo đường mòn tư duy đó, không giải quyết được gì. CCGD lần này phải vượt qua giới hạn tư duy cũ mới nhìn ra vấn đề mới được. Do vậy, phải huy động các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở mọi lĩnh vực trong và ngoài nước cùng tham gia vào và lập ra nhiều hội đồng nghiên cứu để thực hiện.
Là nhà nghiên cứu GD nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm, ông chia sẻ gì với các nhà GD hiện nay trong việc soạn chương trình, viết SGK giai đoạn sắp tới?
Thứ nhất, các nhà làm chương trình, SGK nên hiểu thực tiễn, nên hiểu yêu cầu cuộc sống của đất nước mình những năm tới đi đến đâu. Như vậy, các nhà soạn chương trình cần như nhà văn, phải đi thực tế nhiều, phải nằm vùng mới viết được. Chớ quá tự tin vào kiến thức của mình và nghĩ rằng kiến thức của mình là hay vì chương trình hay như thế nào phải do cuộc sống chấp nhận.
Thứ hai, các nhà làm GD phải làm sao cho học sinh hiểu rằng lớn lên làm gì. Nên thực hiện giống các nước khác có sổ theo dõi học sinh từ bé tới lớn.
Đặc biệt phải ưu tiên khâu đầu tiên trong đổi mới là đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn và nắm vững nghiệp vụ sư phạm và SGK phải viết chuẩn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Dân Trí
Bình luận (0)