Bước vào một tập thể mới, bạn cần phải học cách hòa nhập và làm quen với môi trường mới để không phải trở thành kẻ "lẻ loi" trong một khối thống nhất.
Gần một học kỳ đã trôi qua, những 9X đời đầu đã có một thời gian kha khá để hòa nhập và làm quen với cuộc sống của một tân sinh viên. Những 9X từ quê lên thành phố với nhiều bỡ ngỡ và đôi chút e dè đã đành, nhưng đừng tưởng những 9X thành phố là không gặp khó khăn gì nhé! Những rắc rối của họ thâm chí còn lớn hơn những bạn khác rất nhiều!
Khó khăn mang tên: "Hòa Nhập"
Nếu bạn thử điều tra lý lịch của các sinh viên trong bất cứ một trường đại học, cao đẳng nào thì bạn cũng sẽ phát hiện ra một điều, đó là đa số họ đều đến từ các vùng quê. Nhiều nhất là từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình,…đó là những miền đất nổi tiếng hiếu học.Thành ra những cư dân thành phố trở thành phần thiểu số, thuộc dạng hàng độc, hàng hiếm. Và cho dù muốn hay không thì họ cũng sẽ trở thành những đối tượng được quan tâm đặc biệt, “được” săm soi kĩ hơn. Và từ đó hàng loạt các câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra:
Câu chuyện thứ nhất mang tên: “Sự e ngại!”
Cho dù đã học được với nhau 3 tháng nhưng H (Đại học NT) vẫn không thể nào trò chuyện hay kết thân với bất kì ai trong lớp cho dù H đã cố gắng bắt chuyện và làm quen. rất nhiều. H tâm sự: “Từ đầu năm đến giờ câu duy nhất mà các bạn ý đã nói với tớ là hỏi: "Cậu quê ở đâu?" Khi biết tớ là người Hà Nội các bạn ý có vẻ không hào hứng lắm, mỗi lần tớ bắt chuyện các bạn đều tỏ vẻ lảng tránh và e ngại. Thành ra tớ cũng cụt cả hứng chẳng muốn làm quen nữa!”.
Hay như NA (cao đẳng NH) thì cảm thấy rất cô đơn bởi vì cô nàng chẳng kết bạn được với ai. Hóa ra lý do là bởi cô bạn là người thành phố, gia đình lại khá giả nên quần áo, đồ dùng của NA có phần xịn và thời trang hơn hẳn các bạn khác. Thành ra cô trở thành người nổi trội và bị các bạn khác "e dè" vì nghĩ rằng cô bé này trông giàu có thế kia, làm sao mình có thể chơi cùng được!.
Hãy học cách "Hòa nhập" với tập thể, Teen nhé! |
Câu chuyện thứ 2 mang tên: “Bất đồng ngôn ngữ”
Giọng Hà Nội vốn được coi là giọng phổ thông, chuẩn, dịu dàng và dễ nghe – đó là đánh giá của hầu hết tất cả mọi người. Tuy nhiên vấn đề xảy ra là mình nói thì người ta hiểu nhưng họ nói mình lại chẳng hiểu gì. Câu chuyện thật mà như đùa! Không chỉ riêng các bạn ở thành phố mà rất nhiều bạn ở các tỉnh phía Bắc đều không hiểu L (Đại học KTQD) nói gì. Cô bạn là người Hà Tĩnh, lại quen dùng tiếng địa phương thành ra chẳng ai hiểu “chi mô răng rứa” là cái chi. Thậm chí các bạn còn đố nhau: “Ao ni su ri” nghĩa là gì? Và ¾ trong số những người được hỏi đều cho rằng đấy là tiếng Nhật!!!
“Chỉ các bạn ý hiểu mình, còn mình thì chịu chẳng hiểu được bạn ấy nói gì. Hỏi đi hỏi lại nhiều lần quá thì mình cũng ngại, thế nên nhiều lúc đành cười cười, ậm ừ cho qua chuyện” – đó là nỗi lòng của T, cũng là của nhiều cư dân thành phố khác. “Vì thế nhiều khi bị mang tiếng oan là kiêu, là lạnh ” – T tỏ ra khá bức xúc nói!
Câu chuyện thứ 3: “Sự khác biệt văn hóa!”
Mỗi vùng miền đều có những nét văn hóa, cách sống, lối suy nghĩ riêng, vậy là lại vô số chuyện rắc rối khác lại tiếp diễn. Nhân dịp 20-10, lớp H tổ chức liên hoan chúc mừng, các bạn nam lần lượt lên tặng hoa cho các bạn nữ. Khi đến lượt H, theo phép lịch sự đã trở thành một thói quen, H tặng hoa và ôm nhẹ bạn gái đó một cái. Thế là các thành viên khác rú lên ầm ỹ, bạn gái được tặng hoa thì mặt đỏ bừng, còn H thì đứng như trời trồng vì sự thật là cậu bạn không hiểu nổi điều gì đang xảy ra!!!
Hay như việc tổ chức đi thăm quan cũng trở nên phức tạp khi mà các bạn ở thành phố thì muốn đi chơi ở những vùng ngoại ô, những vùng quê nơi có phong cảnh đẹp, không khí trong lành, còn các bạn ở nông thôn thì chả lấy gì làm hứng thú bởi vì: “Những nơi như thế quê tớ thiếu gì, còn đẹp hơn gấp trăm lần ấy chứ!”. Vì thế, các bạn nông thôn lại muốn đi những nơi như: Vườn Bách thú, công viên Lê-nin,
Hãy tìm cách dung hòa!
Cũng gặp rắc rối về việc chọn địa điểm thăm quan, cuối cùng thì TA ( đại học HN) cũng tìm ra được biện pháp tối ưu. Cô ghi điểm tuyệt đối trong mắt bạn bè khi trở thành hướng dẫn viên du lịch, dẫn các bạn đi thăm quan làng gốm Bát Tràng – quê nội của cô. Vì thế tại sao bạn lại không là người đề xuất việc cả lớp sẽ về quê một ai đó chơi nhỉ? Bạn sẽ học được nhiều điều lắm đó, và quan trọng nhất là mọi người sẽ gần gũi và tập thể lớp sẽ trở nên đoàn kết hơn.
“Vạn sự khởi đầu nan!” – những khó khăn trong việc hòa nhập là không dễ gì tránh khỏi. Hãy lắng nghe và tìm cách hòa nhập bạn nhé!. Hãy thẳng thắn hỏi lại khi bạn không hiểu bạn mình đang nói gì. Hãy tâm sự và sẻ chia những suy nghĩ của mình để cho các bạn hiểu. Và tại sao bạn lại không học một vài từ địa phương nhỉ? Hãy nhờ các bạn ý dạy cho bạn một vài từ địa phương. Một lời đề nghị dễ thương như vậy thì chẳng có ai nỡ lòng từ chối đâu. Cũng thú vị lắm đấy! Ví dụ như T đã há hốc mồm vì ngạc nhiên khi biết được: “ao ni su ri” nghĩa là “ao này sâu thế”. “Học tiếng địa phương để thấy rằng tiếng Việt phong phú và giàu đẹp đến mức nào!”– T vui vẻ tâm sự.
Hãy làm cho tuổi sinh viên của mình thật đẹp, hãy để tuổi sinh viên của bạn được “sống trong tình bạn thân”, để sau này khi đã ra trường ta sẽ “nhớ nhau thật nhiều”. Thể hiện bằng hững tình cảm chân thành nhất của bạn đi, điều đó không hề khó khăn chút nào đối với bạn, đúng không?
Theo kênh 14
Bình luận (0)