Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

“Lênh đênh” đường đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

Ngước nhìn nền trời xám xịt, ông Lâm Văn Em vừa chống chiếc tam bản chất đầy học sinh ra sông Bình Di – ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam – Campuchia – đang cuồn cuộn chảy, vừa nói vói lại: “Nhà báo thông cảm, có gì mai hỏi tiếp, để tôi tranh thủ đưa mấy đứa nhỏ về sớm. Ba giờ sáng hôm sau chúng còn phải xuống đò đi học tiếp”.
Câu chuyện không đầu không đũa với ông lái đò “xuyên quốc gia” Việt Nam – Campuchia đã hé mở một góc khuất đến nao lòng về hình trình “tìm chữ” của cộng đồng người Việt đang sống bên kia biên giới…
Vượt sóng nhặt chữ
Tháng Chín, lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về như thác khiến con sông Bình Di như một biển nước đỏ quạch phù sa. Thấy tôi ngạc nhiên trước hình ảnh học sinh (HS) từ con đò phía bên kia sông Bình Di (xã Pẹc-chậy, huyện Cỏ-thum, tỉnh Cần-đan, Campuchia) bước lên với tay vác cặp, tay quẩy gà-mên cơm, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang) Nguyễn Văn Thao giải thích: “HS người Việt đang sống bên Campuchia sang học. Mùa lũ đường sá ngập sâu, phải đi nhiều lần đò nên các em mang cơm theo ăn “cầm hơi”.

Mỗi "du học sinh",ngoài sách vở còn phải mang theo… gà-mên cơm đến
trường

 

Dọc biên giới Tây Nam, cứ vào độ khai trường là HS từ bên kia biên giới lại lũ lượt sang Việt Nam học. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã tiếp nhận gần 2.000 “du HS” kiểu này, trong đó, xã Khánh An là nơi đón nhận nhiều “du HS” nhất. Theo Phòng GD-ĐT huyện An Phú, năm học 2011 – 2012 An Phú tiếp nhận 911 HS từ bên kia biên giới sang học từ mầm non đến trung học cơ sở. Nếu cộng luôn số đang theo học THPT trong huyện thì có lẽ số “du HS” này lên đến trên 1.000 em. Giải thích hiện tượng này, Chi hội trưởng Chi hội Người Việt tại huyện Cỏ-thum, Nguyễn Quan Tựu, cho biết: "Xã Pẹc-chậy đối diện với xã Khánh An có 2.160 hộ người Việt với trên 12.000 nhân khẩu sinh sống, cao hơn hai lần tổng số Việt kiều đang sinh sống tại 17 xã trên toàn huyện Cỏ-thum nên có nhiều HS sang học”. Theo ông Tựu, tuy đa số là dân nghèo, sống bằng nghề làm thuê, nhưng phần lớn bà con đều nặng lòng với quê hương nên cố gắng lo cho con sang Việt Nam đi học. Em Diệp Thị Thu Nguyên, HS lớp 8 Trường THCS Khánh An cho biết: Tuy nhà chỉ cách trường khoảng 5km, nhưng em phải đi hai chặng đò và hai lần đường bộ mới đến trường được. Riêng HS ở địa bàn xa hơn phải đi đò dọc và thường phải thức dậy từ 3g sáng. Chủ đò Huỳnh Văn Dình cho biết, điểm xa nhất là khu vực Mương Chàm và Bồn Nước cách trường khoảng 8km đường ghe chạy, vì phải ghé rước khoảng 50 – 70 HS nên anh phải cho đò chạy từ lúc 3g sáng. Chiều hôm nào mưa gió, đến 19g – 20g đò mới đưa được các em về đến nhà, hôm sau chủ đò phải đến từng nhà đánh thức từng em một… 
Gập ghềnh vào đời
Khó khăn chồng chất, nhưng việc tìm đường để học tiếng mẹ đẻ ở vùng biên giới Tây Nam vẫn không ngừng gia tăng. Thầy Lê Văn Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THCS Khánh An nhận xét: “Tuy không có điều kiện học thêm, nhưng phần lớn “du HS” có sức học rất tốt, luôn có mặt trong danh sách HS giỏi của trường”. Vì thế, từ chỗ chỉ vài chục HS sang học cho biết đọc, biết viết, giờ đây đã có nhiều em bước chân vào cánh cửa đại học của các trường ĐH An Giang, ĐH Đồng Tháp… như: Nguyễn Văn Kỳ, Phạm Văn Tâm, Nguyễn Văn Khái… Thậm chí, có người còn tốt nghiệp sau đại học như: ThS Nguyễn Văn Sơn (Viện Cây ăn quả miền Nam), ThS Diệp Hoàng Ân (Khoa Sư phạm ĐH An Giang)… Tuy nhiên, do phần lớn gia đình Việt kiều ven biên thuộc diện nghèo, kiếm sống theo mùa nên đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc học của các em. Trưởng phòng GD-ĐT huyện An Phú Huỳnh Hữu Thêm cho biết: “Nhiều em có sức học rất tốt nhưng do phải di chuyển theo gia đình nên phải bỏ học giữa chừng, rất tiếc!”. Đáng tiếc hơn là nhiều em đã không thể theo học lên cao vì vướng ở khâu hoàn chỉnh hồ sơ.

Học sinh người Việt đang sinh sống tại huyện Cỏ-thum (Cần-đan, Campuchia)
sang xã Khánh An, An Phú (An Giang) để dự lễ khai giảng năm học mới.
Ảnh: T.Hương

Đã hơn mười năm rồi nhưng bà Hà Thị Chén, ở ấp Mương Vú, xã Pẹc-chậy vẫn ấm ức với chuyện cô gái út Sến Diễm không được thi đại học chỉ vì bị phát hiện đã sử dụng giấy tờ của người cháu tên Lê Thị Diễm (đã mất) có hộ khẩu ở xã Khánh An để đi học. Theo ông Võ Sĩ Nghị, cán bộ hộ tịch xã Khánh An, nguyên giáo viên Trường tiểu học A Khánh An, đây chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp đáng thương mà ông từng chứng kiến. Trước đây, để tạo điều kiện cho các em đi học để biết đọc, biết viết, nhiều địa phương đã “xé rào”, cho phép các trường nhận các em vào học mà không cần hồ sơ như khai sinh, hộ khẩu. Thời gian sau, khi các gia đình Việt kiều có nhu cầu cho con học cao lên, địa phương lại cho phép làm khai sinh rồi ghép vào nhà người dân trong địa bàn. Cách làm này đã giúp được nhiều “du HS” bước qua ngưỡng cửa đại học nhưng không phải ai cũng có được. ThS Diệp Hoàng Ân nhớ lại: “Lúc vào học lớp 1, nhóm của tôi có đến vài chục nhưng đến khi thi đại học, chỉ còn mỗi mình tôi. Trong số bỏ cuộc đó, có nhiều trường hợp thật đáng tiếc vì rất có năng lực học tập”. TS Nguyễn Thanh Bình, GĐ Sở GD-ĐT An Giang, nguyên Phó trưởng Khoa Sư phạm (ĐH An Giang) bức xúc: “Chúng tôi có ý định kết nạp Đảng cho Diệp Hoàng Ân từ thời em còn là sinh viên, nhưng mãi đến lúc em học xong chương trình thạc sĩ vẫn chưa thực hiện được chỉ vì gia đình em đang sống bên kia biên giới, chưa thể xác minh lý lịch…”.
Điều đáng lo hơn là tính hợp pháp của những “du HS” này. Việc “xé rào” của các địa phương có thể giúp các em hoàn chỉnh thủ tục hành chính để đi học, nhưng lại mở ra lỗ hổng pháp lý có thể ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp sau này của chính các em. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Hùng, Trưởng phòng Hành chính – tư pháp (Sở Tư pháp An Giang) cho biết: "Ngay sau khi được Phòng Tư pháp An Phú báo cáo, chúng tôi đã có công văn gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến và hướng dẫn cách xử lý vấn đề này nhưng chưa nhận được hồi âm".
Thực tế còn cho thấy, ngoại trừ huyện An Phú là có sự quan tâm chu đáo, hầu hết các địa phương còn lại gần như “bỏ quên” đối tượng này ngay từ bước đơn giản nhất của khâu quản lý là thống kê số liệu. Vì thế, không chỉ đường đi học mà cả đường vào đời của các em cũng hết sức gập ghềnh, lênh đênh. 
Chúng tôi xin mượn lời Trưởng phòng GD-ĐT huyện An Phú để kết thúc bài viết này: Theo quy luật “lá rụng về cội”, nếu hôm nay chúng ta thiếu đầu tư cho sự học cho các “du HS”, thì chúng ta sẽ rước lấy nguồn nhân lực kém chất xám trong tương lai.
Theo Tùng Hương
(PN)

Bình luận (0)