Gần đây, khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM xuất hiện một giống xoài mới có trái lớn, vỏ dày màu xanh đậm, rất dễ phân biệt với các giống xoài khác, đó là xoài “3 Cẩm”.
Giống xoài này thường được dùng ăn sống vì có hạt nhỏ, thịt dày, giòn và có mùi thơm đặc trưng. Dù giá bán của giống xoài lạ này cao hơn nhiều lần so với các giống đã quen thuộc trên thị trường nhưng vẫn thu hút người tiêu dùng. Thực khách bị hấp dẫn bởi vị ngon, giòn của trái xoài, nhưng ít ai biết, để trái xoài này có mặt trên thị trường Việt Nam là cả một câu chuyện dài.
Gian nan tìm giống
Năm 1997, nghe một người bạn nói về một giống xoài lạ cho năng suất cao, trái đẹp và ngon do một công ty của Đài Loan đưa sang trồng tại tỉnh Bình Dương, bà Ba (bà Nguyễn Thị Sinh, SN 1953) đã nung nấu ý nghĩ tìm giống đó về trồng thử. Gia đình bà Ba ở tổ 2, ấp 4, xã Tân Thanh, Cái Bè, Tiền Giang đã nhiều đời trồng cây ăn trái. Do diện tích vườn nhà bà không lớn, giá cả nông sản bấp bênh nên cả nhà vất vả quanh năm vẫn lẩn quẩn với cái nghèo. Nghe giống xoài Đài Loan có hiệu quả kinh tế cao, bà có niềm tin, nếu đưa được giống về trồng thì trái xoài này có thể giúp gia đình bà thoát nghèo.
Bà Ba đã cùng chồng (ông Ba Cẩm-Bùi Thanh Cẩm, SN 1954) thu xếp công việc, xin vào công ty có giống xoài Đài Loan ở Bình Dương để làm việc. Tuổi cao, không đủ nhanh nhạy để tiếp thu những kiến thức trồng trọt tiên tiến, ông bà “huy động” cậu con trai thứ là Bùi Tấn Lộc (1982) vào công ty làm. Lộc được nhận vào làm nhân viên kỹ thuật, được đào tạo kỹ thuật tháp ghép và nhanh chóng thành thạo. Khi quyết định đưa con trai vào công ty, ông bà Ba Cẩm đã đặt cược rất lớn vì lúc này Lộc đang học lớp 11 phải bỏ dở chuyện học. “Để con phải nghỉ học vợ chồng tôi cũng xót lắm. Nhưng, tui nghĩ, cho con ăn học cũng cốt học được cái nghề để gầy dựng sự nghiệp. Mà gia đình tôi đã gắn bó với mảnh đất này nhiều đời, nên có làm giàu thì tôi cũng chỉ muốn làm giàu trên mảnh đất này, làm giàu cho bà con quê mình” – bà Ba Cẩm tâm sự. Khi đã vững tay nghề, Lộc xin nghỉ về quê, cùng cha mẹ gầy dựng giống xoài mới.
Xoài "3 Cẩm" đang thu hút người tiêu dùng bởi vị ngon, giòn…
|
Vất vả tìm đầu ra
Ghép thành công giống xoài mới, vườn cây ăn trái già cỗi của nhà bà Ba nhanh chóng được thay thế bằng vườn xoài xanh mướt. Đằng đẵng bốn năm, vườn xoài mới cho thu hoạch. Năm 2004, vườn xoài cho đợt trái đầu tiên, cứ tưởng đã đến lúc thu vốn nhưng chuyện hóa ra không dễ dàng. Bà Ba nhớ lại những ngày đầu gánh xoài ra chợ bán: “Giống xoài của mình lạ hoắc, bà con đi qua ai cũng dòm, cũng hỏi thăm, ăn thử, rồi… đi. Cứ thế, cả ngày chỉ bán được vài trái. Bà con mình còn nghèo, giống xoài này trái lớn, mỗi trái cả gần ký lô, lại phải bán giá cao hơn mấy giống thường, khó bán là phải”.
Không nản lòng, bà Ba lặn lội gõ cửa các siêu thị, cửa hàng bán trái cây an toàn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả ở TP.HCM. Vì trái xoài của bà mẫu mã đẹp, vỏ dày bảo quản được lâu, chất lượng lại ngon nên đã dần được đón nhận, nhưng chuyện mua bán vẫn cứ trầy trật mãi.
Mãi đến năm 2006, sản phẩm xoài của ông bà Ba Cẩm đoạt giải nhì Hội thi Trái cây ngon và an toàn – tỉnh Tiền Giang 2006 (không có giải nhất) và được đăng ký thương hiệu. Từ khi được dán nhãn, xoài “3 Cẩm” đã “vào ra” siêu thị thuận lợi hơn và được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Bà Ba cười phấn khởi: “Bữa nay xoài trong vườn mình hái xuống bán bao nhiêu cũng hết, dù giá bán cao hơn mấy lần so với mấy giống xoài cũ. Giá bán sỉ thấp nhất cũng 14.000đ/kg, thường thì đưa xuống Sài Gòn bán 28.000đ/kg, họ bán lẻ ra đến 40 – 45.000đ/kg”.
Từ khi đoạt giải, năm nào xoài “3 Cẩm” cũng được mời lập gian hàng tại các hội chợ trái cây ở tỉnh, lần nào tham dự cũng không đủ xoài để bán, dù đã gom hết xoài của những nhà trong vùng đã mua giống từ nhà bà Ba về trồng.
Khi được hỏi có cảm thấy tiếc vì đã phải bỏ ngang việc học, anh Lộc cười hiền: “Tôi thích đi học lắm nhưng quá yêu nghề nông. Nếu ngày trước học tiếp, đến giờ chưa chắc đã có được cơ ngơi như thế này. Vả lại, quan trọng là mình được ở gần cha mẹ, anh em, được gắn bó với làng quê mình”. Hiện anh Lộc đã có một cơ sở chuyên sản xuất cây xoài giống. Bà con đến mua cây giống được anh Lộc “tặng” kèm cả công nghệ trồng trọt.
Gần đây, lại có người đến đề nghị ký hợp đồng đưa sản phẩm xoài “3 Cẩm” xuất khẩu, gia đình bà Ba đang hào hứng lên kế hoạch quản lý những vườn trồng xoài trong vùng để thu gom sản phẩm vì vườn nhà không thể đáp ứng được số lượng. Hàng xuất khẩu yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng và độ an toàn nên trong quá trình sản xuất cần quản lý sát về liều lượng và thành phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. “Chỉ mong sao trái xoài này có thể xuất khẩu được để đời sống dân mình khá hơn một chút” – bà Ba chia sẻ.
Hà Nam / Phụ Nữ
Bình luận (0)