Năm học 2024-2025, TP.HCM tiếp tục kiên định dạy tích hợp môn Khoa học tự nhiên bậc THCS.
Trên 97% giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên TP.HCM đã có chứng chỉ bồi dưỡng
Tại TP.HCM, từ năm học 2021-2022 – năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp THCS ở khối lớp 6 cho đến nay, Sở GD-ĐT TP kiên định với định hướng dạy học tích hợp trong môn Khoa học tự nhiên – một giáo viên phụ trách xuyên suốt môn học. TP chú trọng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên; phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn triển khai các khoá tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên các mạch kiến thức nâng cao…
Hiện, 97,3% giáo viên Khoa học tự nhiên của TP.HCM có chứng chỉ Khoa học tự nhiên; Gần 3% giáo viên chưa có chứng chỉ đến từ nhiều lý do như giáo viên bận việc gia đình; nghỉ thai sản; giáo viên lớn tuổi không đủ sức khỏe; giáo viên chưa có điều kiện tham dự do mới vừa tuyển dụng…
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, năm học 2024-2025, TP.HCM tiếp tục kiên định với mục tiêu dạy học theo hướng tích hợp môn Khoa học tự nhiên ở cả 4 khối lớp cấp THCS.
Nhằm giúp giáo viên thực sự vững tay, tự tin đứng lớp trong năm học mới, sáng 9-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị chuyên môn Khoa học tự nhiên cấp THCS trong Chương trình GDPT 2018, triển khai tập huấn chuyên sâu cho gần 1.400 giáo viên giảng dạy môn Khoa học tự nhiên toàn TP.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá thực trạng dạy và học môn Khoa học tự nhiên cấp THCS theo Chương trình GDPT 2018 sau 3 năm triển khai với khối 6, 7, 8; đồng thời nêu ra các giải pháp và tập huấn giáo viên các phương pháp giảng dạy đại trà, chuyên sâu các mạch kiến thức thuộc môn Khoa học tự nhiên trong năm học 2024-2025 ở cả cấp THCS, từ đó giúp mỗi giáo viên TP thực sự tự tin khi đảm nhiệm môn học.
Trong khuôn khổ hội nghị, giáo viên khoa học tự nhiên TP tiếp tục được tập huấn chuyên môn qua các chuyên đề về Phương pháp tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh trong môn Khoa học tự nhiên; Đa dạng hóa nội dung và hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn, tăng cường sự tương hỗ giữa các thành viên trong tổ để giáo viên tự tin khi tổ chức dạy học các chủ đề khó của môn Khoa học tự nhiên; Định hướng giáo dục STEM trong các mạch nội dung môn Khoa học tự nhiên.
Giáo viên “vững tay” khi được tập huấn bài bản
Ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định, việc dạy học môn Khoa học tự nhiên không đòi hỏi giáo viên phải dạy chuyên sâu, đặt nặng về mặt nội dung, kiến thức mà chỉ dạy theo yêu cầu cơ bản, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Giáo viên cần thay đổi tư duy để thích nghi và đáp ứng chương trình mới…
3 năm nay, các buổi sinh hoạt chuyên môn môn Khoa học tự nhiên bậc THCS của quận Gò Vấp đều được lồng ghép các tiết thao giảng chuyên đề, xây dựng những phương pháp dạy học tích cực. Thông qua đó, giáo viên Khoa học tự nhiên ở các trường THCS trên địa bàn quận được học tập, trao đổi kinh nghiệm và tháo gỡ những khó khăn trong giảng dạy môn Khoa học tự nhiên, từng bước tự tin khi đứng lớp…
Nhìn lại quá trình triển khai giảng dạy môn Khoa học tự nhiên tại đơn vị sau 3 năm học, thầy Lê Tấn Phát – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ (quận Gò Vấp) thẳng thắn, bước đầu nhà trường gặp một số khó khăn như giáo viên còn chưa “quen tay” do ngay từ năm học đầu tiên, nhà trường đã thực hiện phân công một giáo viên phụ trách giảng dạy xuyên suốt môn học.
Để gỡ khó cho đội ngũ, bên cạnh việc hỗ trợ chuyên môn từ phòng GD-ĐT, nhà trường đã chủ động, linh hoạt sắp xếp nội dung chương trình. Cạnh đó, tổ nhóm chuyên môn tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; Ban giám hiệu khi phân công chuyên môn đầu năm cũng có sự tính toán hợp lý. Phân công đồng đều những giáo viên có “gốc” từ môn học thế mạnh trước đây, rải đều ở mỗi khối lớp, để khi sinh hoạt chuyên môn giáo viên có sự hỗ trợ lẫn nhau…
“Năm học 2024-2025, ở cả 4 khối lớp, nhà trường tiếp tục thực hiện phân công 1 giáo viên đảm nhiệm giảng dạy môn học Khoa học tự nhiên. Tổng số 12 giáo viên Khoa học tự nhiên của trường hiện đều đã có chứng chỉ bồi dưỡng môn học. Việc sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học trong năm học mới sẽ tiếp tục được nhà trường đẩy mạnh, hỗ trợ kịp thời khó khăn của thầy cô” – thầy Lê Tấn Phát thông tin.
Tại quận Tân Bình, từ năm học 2021-2022, việc giảng dạy môn Khoa học tự nhiên bậc THCS đã được thực hiện theo hình thức một giáo viên đảm nhiệm môn học.
Sau 3 năm triển khai, ông Nguyễn Đức Anh Khoa – Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình đánh giá, giáo viên của quận hiện đã “vững tay” trong môn học.
Sở dĩ có thể “vững tay” như vậy, theo ông Khoa, công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên được quận thực hiện xuyên suốt 3 năm. Ngoài bồi dưỡng chuyên môn theo các khóa học của Trường ĐH Sài Gòn hàng năm thì công tác tập huấn trong hè đều được quận triển khai với môn Khoa học tự nhiên để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm. Việc tập huấn xây dựng kế hoạch bài dạy môn học ở từng khối lớp cũng được quận thực hiện trong hè, sau đó chia sẻ để giáo viên dùng chung. Đặc biệt, ở mỗi trường THCS, tổ bộ môn Khoa học tự nhiên mỗi khối đều có đủ giáo viên gốc ở các môn vật lý, hóa học, sinh học, nên giáo viên dễ dàng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau.
“Năm học 2024-2025, Chương trình GDPT 2018 triển khai đến khối lớp 9. Kiến thức môn Khoa học tự nhiên khó hơn và cũng yêu cầu cao hơn giáo viên định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong môn học. Do vậy, song song với việc bồi dưỡng tập huấn giáo viên, tới đây quận sẽ xây dựng thêm các chuyên đề chuyên sâu để hỗ trợ giáo viên đứng lớp cũng như định hướng cho học sinh các kỳ thi học sinh giỏi, tuyển sinh 10…” – ông Anh Khoa nói thêm.
Giáo viên mang “phòng thí nghiệm mini” vào từng tiết dạy Khoa học tự nhiên Nhiều năm nay, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) luôn háo hức và mong chờ các tiết học Khoa học tự nhiên do thầy Nguyễn Trung Anh Vũ – giáo viên Khoa học tự nhiên nhà trường đứng lớp. “Học đi đôi với thực hành” là phương châm được thầy Vũ đưa vào trong môn học khi sắm hẳn một “phòng thí nghiệm mini” để mang lên lớp trong mỗi tiết dạy. Tận dụng từ những vật liệu cơ bản như dầu ăn, coca, bóng bay, que tăm, chai nhựa, bơm xi lanh, trừng gà, pin…, thầy Vũ đã biến những tiết học khô khan, tưởng chừng nặng nề về lý thuyết trở thành những tiết học thú vị. Đôi khi phòng thí nghiệm mini lại trở thành xưởng chế tác, khi đưa phương pháp giáo dục STEM vào môn học để các em tạo ra các sản phẩm trong tiết học “Trong mỗi tiết học, tùy vào từng chủ đề mà các vật dụng trong phòng thí nghiệm sẽ khác nhau. Mỗi học sinh trong lớp đều được trực tiếp thực hành các thí nghiệm liên quan đến nội dung bài học, vì vậy các em rất dễ hình dung kiến thức , mong chờ các tiết học, việc học cũng trở nên nhẹ nhàng…”- thầy Vũ phấn khởi. |
Yến Hoa
Bình luận (0)