Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Có chuyện “mua bán” tại một trung tâm đào tạo?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi nhiều lớp Trung cấp chuyên nghiệp đầu tư thêm tiền để làm công tác tuyển sinh thì có một lớp Trung cấp SP mầm non SV phải …chạy đầu vào mới được ngồi lớp. Thế nhưng lớp học lại có số lượng SV rất… khủng.
Thuê 50 ngàn/buổi… đi học hộ
PV báo PL&XH tìm về Trung tâm GDTX Phố Nối cơ sở 2 tại thôn Tử Dương, xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Từ ngã ba Lực Điền đi vào khoảng 1km có 1 tấm biển treo ngang với nội dung: "Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phố Nối – cơ sở 2; Liên kết đào tạo trung cấp, CĐ, ĐH, dạy nghề, ngoại ngữ, tin học, bổ túc văn hoá".
Từ nơi có tấm biển, đi sâu vào trong khoảng 200m mới đến khu vực của trung tâm (TT). Thứ bảy mà sân của TT chật kín xe máy, bên ngoài còn có một bãi để xe ngổn ngang nhưng không có bảo vệ trong coi. Trong TT, cơ sở vật chất hết sức tồi tàn, từ cổng đi vào cỏ mọc kín chân tường, trong phòng học bàn ghế cũ nát. Nhìn thoáng qua đã thấy cơ sở vật chất ở đây không xứng tầm để các sĩ tử mất mấy năm ngồi miệt mài đợi được cấp những tấm bằng tốt nghiệp TC, CĐ và ĐH. Những phòng học ngập rác bởi những giấy lau, vỏ bánh, vỏ kẹo… bàn ghế xếp lộn xộn. Quan sát trong TT lúc này có 2 lớp đang học, PV quyết định thâm nhập lớp Trung cấp Sư phạm mầm non để tìm hiểu thực hư từ những điều mới nghe kể.
14h20 ngày 20-8-2011, PV báo PL&XH có mặt tại phòng B1 khi lớp đang làm bài kiểm tra môn chính trị. Vì lớp quá đông, PV phải ngồi ngoài hành lang cùng với vài chục SV khác, nơi bị ám bởi mùi từ nhà vệ sinh bốc ra. Được biết, hiện ở đây có 2 lớp Sư phạm mầm non K2, nhưng có lẽ do thiếu thầy nên 2 lớp đang được "ghép" thành 1. Sau khi PV vào lớp thì còn một số bạn SV đến muộn. Mặc dù cả lớp đang "cá chép" bài nhưng PV vẫn tranh thủ bắt chuyện với một chị ngồi cạnh:
– Không biết trước là hôm nay có bài kiểm tra nên lớp còn thiếu nhiều đấy, nếu đi học đủ phải gần 200 người, không còn chỗ mà ngồi.
– Thế lớp có nhiều bạn đi học hộ không? Em sợ đi học hộ thế này cô giáo phát hiện mà bạn em bị đuổi học thì khổ nó – PV hỏi tỏ vẻ ái ngại. Người bên cạnh đáp:
– Lo gì, có hôm chị còn điểm danh hộ cho 2,3 đứa, Ngay bây giờ ở đây có đến hàng chục người đi học thuê, học hộ đấy, lớp đông thế này, thầy cô nào biết hết được!
Chị dẫn chứng, việc mới cách đây 4 tuần, có nhiều bạn thiếu bài kiểm tra, mỗi bạn đã nộp cho cô chủ nhiệm 10.000đ để cô tổ chức cho một buổi kiểm tra lại. Chị SV này đã gần 40 tuổi, hiện đang là cô giáo mầm non ở một xã trong tỉnh Hưng Yên. Theo chị thì đến nay, chị vẫn chưa có bằng PTTH, và thỉnh thoảng nhà có việc thì chị cũng nhờ người đi học hộ để điểm danh, nếu không nhờ được thì thuê người đi học. Chị cho biết, mỗi lần thuê người đi học hộ, chị phải trả 50.000 đồng/buổi.
Khi gần hết giờ, thấy PV không làm được bài, cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở: "Sao em lại không chép bài? Ngồi suốt từ đầu giờ đến giờ mà không được chữ nào à?". Nói xong, cô liền lấy một bài kiểm tra của SV khác đưa cho PV: "Em chép bài này vào, chép khẩn trương để còn thu bài". Và cuối cùng thì PV cũng không chép được chữ nào. Việc PV ngồi trong lớp học mà cô giáo cứ tưởng là SV của lớp cho thấy, công tác quản lý quá lỏng lẻo của đội ngũ cán bộ. Đi học kiểu này thì đúng là vào lớp như đi chợ, ai thích thì vào, không thích thì ra.
Trung tâm đào tạo thường xuyên Phố Nối

Có tiền là xong hết!
Theo tìm hiểu của PV, hàng chục SV đều trả lời: "Để vào học được ở lớp Trung cấp Sư phạm mầm non này, mỗi người phải mất từ 5-12 triệu đồng gọi là tiền chạy đầu vào". Nếu ai biết mà "xin thẳng" các thầy cô quản lý ở đây thì chỉ mất khoảng 5-7 triệu. PV tò mò muốn biết nếu xin thẳng các thầy cô quản lý thì xin ai? PV bộc lộ là mình có đứa em cũng muốn xin vào học ở lớp này, một SV nói: "Bạn cứ đi gặp cô chủ nhiệm mà nhờ, được hết".
Sau giờ kiểm tra, PV lên văn phòng tìm gặp cô Yến là một trong 3 cán bộ quản lý lớp Sư phạm mầm non K2. Khi PV đặt vấn đề, có đứa em gái muốn vào học lớp TC Sư phạm mầm non ở đây, nhưng em lại vừa thi trượt tốt nghiệp PTTH, cô Yến nói: "Nếu có bằng cấp III thì cô xử lý được, còn chưa có thì em phải gặp thầy Trụ là Giám đốc trung tâm nhờ thầy giải quyết cho". Cô Yến cho PV số điện thoại của thầy Trụ để "tự liên lạc".
Qua điện thoại, PV đã trình bày về tình hình điều kiện của "đứa em", và gia đình muốn nó đi học trung cấp nên nhờ thầy giúp. Thầy Trụ nói bảo: "Thế thì phải gặp xem thế nào mới giúp được". Theo hẹn, PV sẽ đợi khoảng 1g để gặp thầy, nhưng thầy lấy lý do bận nên đến tận 16g50 PV mới gặp được thầy tại ngã ba Lực Điền.
Qua một hồi hỏi thăm, thầy Trụ nói: "Cháu cứ photo cho chú học bạ cấp III là được, để chú xử lý". Khi hỏi về khoản kinh phí để "thầy giúp", thầy Trụ bảo: "6 đến 7 triệu là được!". Sau đó thầy hẹn: "Chiều mai, cháu mang hồ sơ của em qua luôn đi không có muộn mất, lớp đã học lâu rồi". Hôm sau là ngày chủ nhật, PV gọi điện báo với thầy hồ sơ không xin được dấu của xã, hẹn hôm sau sẽ qua gặp thầy.
Khoảng 15g50 ngày 22-8, PV lại gọi điện cho thầy Trụ để bày tỏ nỗi lo của "bố em", vì em nó chưa có bằng PTTH nên "bố em" sợ sau này học xong nó không được lấy bằng Trung cấp, thầy Trụ bảo: "Cứ yên tâm, phô tô cho thầy học bạ đã học hết lớp 12 là được". Đồng thời PV cũng đặt vấn đề luôn về phần "lệ phí":
– Hôm qua thầy nói là 6-7 triệu nhưng cụ thể là bao nhiêu, 6 triệu hay 7 triệu để bố em qua gặp thầy cho tiện?
Thầy Trụ nói: "Trong khoảng đấy, bao nhiêu cũng được, em bảo bố qua đi!".
Ngày 25-8, khi PV có mặt tại trường CĐ Hải Dương, địa chỉ đường Nguyễn Thị Duệ, phường Thanh Bình, TP Hải Dương, ông Nguyễn Văn Quyên, chuyên viên phòng Đào tạo cho biết: "Lớp Trung cấp SP mầm non là thuộc hệ xét tuyển chứ không thi tuyển. Ngoài các khoản thu theo quy định của Bộ GD&ĐT thì trường không thu của các em bất kỳ khoản phí nào khác. Nếu có việc cán bộ quản lý thu phí đầu vào là sai quy định". Ông Quyên nói thêm: "Theo hồ sơ quản lý của trường, lớp K2 tại Hưng Yên chỉ có khoảng 140 SV, nếu lớp có gần 200 SV như PV phản ánh thì số SV còn lại nhà trường chưa nắm được danh sách?!". Tuy nhiên, ông Quyên không đưa ra được con số cụ thể về số lượng SV đang học tại lớp K2, TT GDTX Phố Nối cơ sở 2 mà nhà trường đã có danh sách?.
Như vậy, việc phải đóng 10.000đ cho mỗi bài kiểm tra đã được SV lớp K2 phản ánh, việc mỗi SV vào học phải "chạy" từ 5-7 triệu là có cơ sở, chính ông Trụ cũng đưa ra cái giá 6-7 triệu để mặc cả với PV! Nếu hàng trăm SV lớp K2 phải nộp số tiền như trên thì số tiền mà các "ông cò, bà mối", thậm chí ngay cả cán bộ quản lý lớp thu lên đến hàng trăm triệu đồng. Số tiền đó để làm gì, vào túi ai? Việc nhận SV vào học một cách tràn lan, thậm chí lớp K2 đã gần hết 1 năm học nhưng ông Trụ vẫn tiếp tục nhận những SV khác vào theo học lớp K2 có vi phạm quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT? Tại sao SV đã nộp tất cả các khoản phí đóng góp theo quy định từ đầu năm học (Khoảng tháng 1-2011), trong đó có khoản BHYT trung tâm thu 200.000đ mà đến nay các em chưa được nhận thẻ BHYT? Đề nghị trường CĐ Hải Dương, Sở GD&ĐT và UBND tỉnh Hưng Yên cần điều tra làm rõ những sai phạm của TT GDTX Phố Nối cơ sở 2, nhất là đối với đội ngũ cán bộ quản lý tại TT này!

Theo Nguyễn Khuê
(PL&XH)

Bình luận (0)