Bánh mỳ chấm sữa đặc là món ăn sáng phổ biến của người Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng đây không phải là món ăn có thể dùng hàng ngày. Đặc biệt, trẻ nhỏ, người mắc một số bệnh mạn tính cần hạn chế hoặc không nên dùng sữa đặc có đường.
Vì sao không nên ăn sáng với bánh mỳ và sữa đặc?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) – cho biết bánh mỳ chứa rất nhiều tinh bột, trong khi sữa đặc lại chứa nhiều đường. Khi kết hợp với nhau, chúng sẽ sinh ra nhiều năng lượng.
Do đó, ăn bánh mỳ chấm sữa thường xuyên có thể khiến chúng ta bị thừa cân, béo phì. Tình trạng này kéo dài có thể gây rối loạn chuyển hóa, tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch…
Vị chuyên gia dinh dưỡng này cũng cho rằng bữa sáng rất quan trọng với cơ thể. Vì vậy, người dân cần đặc biệt lưu ý. Ngoài việc cung cấp đủ năng lượng cho ngày làm việc mới, bữa sáng phải bổ sung đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là chất xơ (có nhiều trong rau xanh, hoa quả).
"Nhiều người dân coi bữa sáng chỉ là ăn tạm, tranh thủ nên chọn những loại thực phẩm tiện ích nhất, trong đó có bánh mỳ chấm sữa đặc. Tuy nhiên, thói quen này cần thay đổi vì bữa sáng rất quan trọng, phải bổ sung nhóm thực phẩm có đầy đủ lượng đạm, vitamin…, để đáp ứng nhu cầu tiêu hao năng lượng của cơ thể", TS Nguyễn Trọng Hưng khuyên.
Bánh mỳ chấm sữa là món ăn sáng phổ biến của người Việt.
Ai không nên ăn?
TS Nguyễn Trọng Hưng cũng cảnh báo người hay ăn ngọt, thường hay chấm đậm bánh mỳ vào sữa đặc cũng nên từ bỏ thói quen này. Nguyên nhân là sữa đặc chứa nhiều đường, chất béo, nếu ăn quá nhiều sẽ để lại hệ lụy với sức khỏe.
Với người trưởng thành, TS Hưng cho rằng chỉ nên ăn 1-2 lần/tuần và mỗi lần ăn nên cân đối số lượng hợp lý, không dùng quá nhiều. Bên cạnh đó, bố mẹ không nên cho trẻ nhỏ ăn hoặc uống sữa đặc có đường, mà có thể sử dụng đa dạng các thực phẩm trong tự nhiên. Điều này giúp bổ đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể của trẻ.
Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn bánh mỳ chấm sữa đặc vào buổi tối vì kết hợp 2 loại thực phẩm này sẽ sinh ra nhiều năng lượng. Trong khi đó, buổi tối là thời điểm mọi người ít hoạt động, vì thế, sử dụng thường xuyên dễ gây thừa cân, béo phì.
Phụ nữ mang thai nên hạn chế món ăn này. Bà bầu ăn quá nhiều bánh mỳ chấm sữa đặc có thể tăng cân quá mức, nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, tim mạch… Trong khi đó, giá trị dinh dưỡng từ món ăn này không cung cấp nhiều dưỡng chất cho thai nhi.
Người thừa cân béo phì, mắc bệnh đái tháo đường cũng không nên ăn với số lượng nhiều hoặc thường xuyên. TS Hưng cho rằng những món ăn chứa nhiều đường như sữa đặc là không nên sử dụng. Thậm chí, bánh mỳ trắng cũng chứa nhiều tinh bột, vì thế, người mắc đái tháo đường càng không nên ăn.
"Người mắc bệnh này nên dùng các loại bánh mỳ có hàm lượng chất xơ cao, như bánh mỳ nâu; chọn loại sữa chuyên biệt cho người bệnh đái tháo đường. Tốt nhất là có sự tư vấn của bác sĩ để chọn loại phù hợp cho bản thân người bệnh", TS Hưng khuyến cáo.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)