Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tìm tiếng nói chung từ họp phụ huynh đầu năm

Tạp Chí Giáo Dục

Thời điểm này, các nhà trường đang triển khai họp phụ huynh đầu năm học. Nhằm đi đến tiếng nói chung, thống nhất trong các quan điểm về giáo dục, rèn luyện học sinh giữa gia đình và nhà trường, công tác họp phụ huynh đầu năm đã được nhiều đơn vị trường học đổi mới.


Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) được trình bày tâm tư, nguyện vọng, mục tiêu phấn đấu đến cha mẹ mình trong buổi họp phụ huynh đầu năm

Thông qua nhiều hình thức, buổi họp phụ huynh đã thực sự trở thành buổi chia sẻ, tâm tình, lắng nghe, thấu hiểu giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh. Bước ra ngoài lối mòn của các buổi họp truyền thống, những nỗ lực đổi mới đã từng bước thay đổi quan điểm của phụ huynh rằng “họp phụ huynh đầu năm chỉ để đóng tiền”.

Xem như lộ trình đổi mới dạy và học

Năm học này, lần đầu tiên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) thực hiện đổi mới đồng bộ công tác họp phụ huynh đầu năm học. Lãnh đạo nhà trường coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong lộ trình đổi mới dạy và học của đơn vị. “Không còn lối mòn cũ kỹ một chiều theo kiểu giáo viên phổ biến, phụ huynh chờ thông báo đóng tiền, ở tất cả các khối lớp, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) đã thiết kế buổi họp phụ huynh trở thành buổi trao đổi, thảo luận, thậm chí là thuyết trình, phản biện… GVCN được tập huấn trước về công tác đổi mới họp phụ huynh, căn cứ vào từng đối tượng học sinh, phụ huynh của mỗi lớp từ đó thầy cô sẽ có hình thức tổ chức đổi mới phù hợp”, cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du) chia sẻ.

Lựa chọn hình thức tổ chức game show, thảo luận, thuyết trình cho phụ huynh trong buổi họp, thầy Dương Đức Lăng (GVCN lớp 8/7) cho hay, trong khoảng 20 phút đầu của buổi họp, 35 phụ huynh được chia thành 4 tổ nhỏ, cùng nhau thảo luận những vấn đề nóng trong học đường như việc học của học sinh từ mục đích học tập đến nguyên nhân học sinh lơ là việc học, vấn đề yêu sớm của học sinh. “Xuất phát từ chính thực tế của con em mình, qua thảo luận, thuyết trình, phụ huynh được thẳng thắn bày tỏ quan điểm, tháo gỡ những khó khăn, cùng nhau xây dựng những biện pháp đồng hành cùng với học sinh. Hình thức này không chỉ giúp phụ huynh được tương tác, làm quen, gắn kết với nhau mà quan trọng hơn là giáo viên có thể lồng ghép các kế hoạch giáo dục của nhà trường, của lớp vào trong buổi họp một cách tự nhiên nhất, giúp phụ huynh thu nhận được những thông tin hữu ích sau buổi hợp, hiểu rõ hơn về việc học của con em mình, để đưa đến sự thống nhất trong phương pháp giảng dạy cho đến sự ủng hộ về cơ sở vật chất…”.


Phụ huynh Trường THCS Nguyễn Du được thảo luận, thuyết trình, làm việc nhóm trong buổi họp phụ huynh

Trong khi đó, ở các khối lớp khác, nhiều GVCN lại lựa chọn phương thức cho học sinh được thể hiện trong buổi họp phụ huynh. Ở đó, học sinh sẽ tự thiết kế nội dung, chia sẻ đến phụ huynh kế hoạch học tập, phấn đấu của cả lớp, của bản thân trong năm học. Đó còn là những nguyện vọng, tâm tình mà học sinh gửi gắm đến phụ huynh qua những bức thư tay được GVCN trao gửi đến tận tay phụ huynh. GVCN chỉ thực hiện nhiệm vụ chia sẻ đến phụ huynh những nội dung, thông tư mới của ngành, làm rõ hơn những mục tiêu mà các em đặt ra. “Khi chính học sinh nói lên kế hoạch, tâm tư, nguyện vọng của các em trong năm học để tìm kiếm sự ủng hộ, đồng hành của phụ huynh thì buổi họp sẽ không còn mang tính một chiều, áp đặt mà trái lại thể hiện sự khách quan và công khai. Phụ huynh sẽ hiểu được rằng, GVCN chỉ là người hỗ trợ các em trong việc học còn chính các em mới là người hoạch định kế hoạch học tập gắn sự đổi mới của nhà trường, của giáo dục”, cô Nguyễn Thị Bích Huệ (Khối trưởng Chủ nhiệm khối 8, Trường THCS Nguyễn Du) thông tin.

Theo cô Huệ, khi đổi mới sẽ vẫn còn đó một số ít phụ huynh lăn tăn. Tuy nhiên, GVCN, Ban lãnh đạo nhà trường luôn hết sức cầu thị, lắng nghe và tiếp thu những đóng góp của phụ huynh, coi đó là cơ hội để xây dựng và phát triển nhà trường. Vì thế, phụ huynh nên cởi mở chia sẻ thẳng thắn với GVCN, với nhà trường để tìm ra tiếng nói chung thay vì suy nghĩ theo những chiều hướng tiêu cực.

Cởi bỏ áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh

Tại Trường TH Nguyễn Thái học (Q.1), trước khi họp phụ huynh mỗi lớp, phụ huynh toàn trường được tham gia vào một chuyên đề mang tên “Con tự lập, cha mẹ tự do”. Cô Trần Bé Hồng Hạnh (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, thông điệp mà chuyên đề muốn gửi gắm đến phụ huynh là “Phụ huynh hãy cứ cởi mở, nhẹ nhàng trước việc học của con; hãy biết “buông” con đúng chỗ để con được tự lập trong một số việc; đừng quá căng thẳng, trầm trọng hóa mọi vấn đề mà đặt gánh nặng áp lực lên vai trẻ, lên vai giáo viên, nhà trường và chính bản thân phụ huynh”.

“Trước đó, nhà trường đã làm một khảo sát đối với phụ huynh, khảo sát về nhận thức, thói quen hình thành tính tự lập cho trẻ. Kết quả, mặc dù gần 80% phụ huynh đồng tình với việc tập cho con thói quen tự lập sớm thì vẫn còn không ít phụ huynh quan điểm rằng con còn quá nhỏ để tự lập hay không đủ kiên nhẫn để tập cho con tính tự lập. Từ kết quả này, chuyên đề như một lời nhắc nhở để phụ huynh tự “cởi bỏ” áp lực cho chính mình, đồng hành cùng con, cùng nhà trường và giáo viên trong năm học mới một cách thực sự tích cực…”, cô Hạnh bày tỏ.

Từ chỗ tạo được tâm lý thoải mái cho phụ huynh ngay từ đầu, buổi họp phụ huynh mỗi lớp tại Trường TH Nguyễn Thái Học đã sớm đưa ra được tiếng nói chung giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh, thống nhất trong phương pháp giảng dạy.

Cũng với góc nhìn tích cực, thầy Nguyễn Chí Tuấn (GVCN lớp 12I3, Trường THCS- THPT Đinh Thiện Lý, Q.7) đã thiết kết buổi họp phụ huynh như một buổi tâm tình giữa học sinh, GVCN với phụ huynh. Học sinh được tự chuẩn bị, trang trí lớp, viết thư cho phụ huynh, đóng góp ý kiến về tâm tư nguyện vọng gửi đến phụ huynh. Phụ huynh thì được tham gia vào các trò chơi, hoạt động để hiểu về chính con em mình, về trường lớp. Thậm chí, ngay trong buổi họp, phụ huynh được tự do thảo luận nhóm, chia sẻ bày tỏ ý kiến trước lớp như một hoạt động học tập của học sinh… “Qua các hoạt động, phụ huynh, học sinh, GVCN và kế hoạch của nhà trường được kết nối với nhau. Phụ huynh sẽ hình dung rõ hơn về việc học của con ở trên lớp, hiểu hơn về các kế hoạch giảng dạy đổi mới của lớp, của trường theo hướng có lợi cho con em mình, đặc biệt là hiểu hơn về mục đích của từng khoản thu chi mà mình đóng góp cho lớp, cho trường. Từ đó sẽ có sự tin tưởng vào chiến lược của nhà trường để có sự đồng hành tốt nhất”, thầy Tuấn nhìn nhận.

Đặc trong bối cảnh giáo dục hiện đại với nhiều đổi mới cũng như những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với giáo dục, thầy Tuấn cho rằng, GVCN cần phải coi buổi họp phụ huynh đầu năm là cơ hội để “tìm ra tiếng nói chung” giữa nhà trường và phụ huynh thay vì nhìn nhận đơn giản đó là buổi họp chỉ để thông báo đóng tiền đầu năm học. “Coi họp phụ huynh là một cơ hội để giáo viên đổi mới, “chạm” đến phụ huynh bằng mục tiêu giáo dục tích cực. Như vậy sẽ hạn chế được những tiêu cực không đáng có phát sinh sau khi họp phụ huynh đầu năm”, thầy Tuấn chia sẻ.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)